Dòng tiền lớn sắp đổ ra thị trường: Cơ hội cuối, rút tiết kiệm săn đất giá rẻ
Thay vì chờ đợi giá giảm và gửi tiền vào ngân hàng để lấy lãi suất như trước kia, nhiều người đã tìm kiếm và tận dụng cơ hội mua nhà ở có vị trí đẹp, mức giá hợp lý, chờ cơ hội tăng giá.
Nhiều giao dịch nhà thổ cư thành công
Nhận thấy giá chung cư trong các dự án mới tung hàng vẫn còn cao, trong khi lãi suất gửi tiết kiệm giảm xuống, Nguyễn Văn Bội (ngụ ở quận 1) quyết định rút tiền gửi ngân hàng để mua nhà. Anh tính toán, với mức lãi suất chỉ trên dưới 6/%năm cho 5 tỷ đồng là rất thấp, trong khi lạm phát đã ổn định thì mua nhà đất thổ cư vừa cho thuê có dòng tiền hàng tháng, vừa chờ tăng giá bán là kênh đầu tư an toàn.
Còn anh Bùi Vĩnh, cư dân của quận Bình Thạnh thì chọn cách vay ngân hàng để mua nhà thổ cư: "Tôi thấy lãi suất đã giảm bình quân 2%/năm nên đã chọn mua nhà thời điểm này. Mặt khác, khi lãi suất ngân hàng giảm xuống đồng nghĩa với việc chính sách bơm tiền tăng lên. Lúc đấy, tất cả các ngành kinh tế đều hưởng lơị, khi có nhiều tiền để lưu thông thúc đẩy lưu thông hàng hoá tăng lên, sức mua thị trường gia tăng. Bởi vậy, mua nhà thời điểm này là hợp lý kẻo càng chờ thì e mất cơ hội giá mềm".
Thời điểm đầu năm 2023, sàn giao dịch BĐS Phát Lộc tại quận 1 vắng bóng khách hàng, thế nhưng khoảng 2 tháng trở lại đây, ghi nhận giao dịch nhà đất thổ cư, nhà trong hẻm, mặt phố đã được thực hiện, phần là nhờ các chính sách hỗ trợ thị trường, phần là nhờ mặt bằng lãi suất đã hạ nhiệt.
Bà Hồ Thị Thu, Giám đốc Công ty tư vấn nhà ở Phương Nam (quận Bình Thạnh) cho biết: "Chưa khẳng định được thị trường đang có bứt phá để thể hiện xu hướng đang tốt hơn hay không, phải theo dõi vài 3 tháng mới thấy rõ được nhưng rõ ràng là đang có nhiều giao dịch nhà đất thổ cư tại quận 1, quận 3, Thủ Đức...”.
Theo khảo sát mới đây của Batdongsan.com.vn, từ quý III/2023 thanh khoản thị trường thứ cấp đã có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại, bắt đầu xuất hiện động thái xuống tiền của nhà đầu tư ở những dự án có mức chiết khấu cao, đầy đủ pháp lý, vị trí lân cận khu dân cư hiện hữu đông đúc, giao thông thuận tiện kết nối về khu trung tâm. Bên cạnh đó, nhu cầu tìm mua nhà đất trên cả nước đã tăng 6%.
Cũng theo khảo sát của đơn vị trên, xu hướng tăng này diễn ra trong tất cả các loại hình BĐS gồm cả căn hộ, đất nền, nhà riêng, nhà mặt phố. Trong đó, căn hộ chung cư, biệt thự và đất nền ghi nhận nhu cầu mua tăng 6-7%. Ngoài nhu cầu mua gia tăng trở lại, giá bán nhà đất ghi nhận sự ổn định. Lượng tin rao bán cắt lỗ giảm mạnh so với đầu năm.
Lãi suất giảm không chỉ tạo sức cầu cho thị trường BĐS mà còn giúp tăng cung cho thị trường khi giúp các chủ đầu tư, nhà thầu tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ hơn phục vụ hoạt động kinh doanh, qua đó bài toán chênh lệch cung cầu dần được tháo gỡ.
Lãi suất giảm, thị trường BĐS sẽ ấm
Tại diễn đàn “Thị trường bất động sản năm 2024 - Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi” diễn ra mới đây tại TP. HCM, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực nhận định, thông tin giảm lãi suất chắc chắn sẽ khiến thị trường địa ốc tốt hơn lên ở nhiều khía cạnh.
“Mức lãi suất hấp dẫn sẽ giúp cho thị trường BĐS hồi phục mạnh hơn bởi bản thân các doanh nghiệp BĐS khi hoạt động cũng chủ yếu dựa trên nguồn vốn vay ngân hàng, trong khi người mua nhà cũng phải vay tiền, nên ngành này nhận được tác động tích cực kép”, TS Lực nói.
“Về phía người mua, việc giảm lãi suất cho vay chắc chắn sẽ tác động đến tâm lý những người có nhu cầu thực. Thay vì chờ đợi giá giảm và gửi tiền vào ngân hàng để lấy lãi suất như trước kia, sẽ có nhiều người tìm kiếm và tận dụng cơ hội hưởng các ưu đãi như dành cho người đăng ký sớm tại các dự án có vị trí đẹp, mức giá hợp lý, thậm chí khách hàng chỉ cần trả trước 30% giá trị căn hộ cho đến khi nhận nhà thì mới thanh toán đủ cho chủ đầu tư”, bà Như Mai, giám đốc một sàn môi giới tại Thủ Đức cho hay.
Khảo sát biểu lãi suất của các ngân hàng, trong tháng 1/2024, một số ngân hàng đã tung ra nhiều gói ưu đãi giảm lãi suất khoản vay mới để kích cầu tín dụng. So với thời điểm đầu năm 2023, lãi suất vay ngân hàng cho các khoản vay hiện hữu đã giảm từ 2%-3% và lãi suất cho các khoản vay mua nhà mới được nhiều ngân hàng chào mời 8%-9%/ năm.
Tuy nhiên, mức lãi suất này chỉ áp dụng trong một khoảng thời gian ưu đãi nhất định, có thể là 1-2 năm đầu tiên, thậm chí có nơi chỉ trong 3 - 6 tháng, lãi suất thả nổi sau đó sẽ dao động từ 9,5 - 12%/năm tùy từng ngân hàng.
Mặc dù lãi suất đã hạ nhiệt nhưng nhiều người vẫn kì vọng đà giảm sẽ tiếp tục. Theo nhận định của một số chuyên gia, mức lãi suất cho vay mua nhà ở thương mại phù hợp là dưới 8%/năm; Đối với người mua nhà xã hội, mức lãi suất phải thấp hơn 4,5%/năm.
Ông Quách Duy Mỹ, Trưởng phòng cao cấp, Trung tâm sản phẩm cho vay thế chấp VPBank, nhận định: "So với năm 2020-2021, mặt bằng lãi suất đang cao hơn một chút. Kỳ vọng lãi suất về vùng lãi suất ở thời điểm đó khoảng 7-8% sẽ rất tốt cho cả khách hàng vay mua ở thật và nhà đầu tư".
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Bất động sản (Hiệp hội Bất động sản Việt Nam), trong 2 năm trở lại đây, dù đối diện với nhiều thách thức nhưng BĐS vẫn là kênh đầu tư có hiệu quả cao nhất với lợi suất lên đến 14%, cao hơn nhiều so với các kênh đầu tư truyền thống như trái phiếu (8.5%), vàng (7.36%) và gửi tiết kiệm (6%).
Lý giải tại sao BĐS là kênh trú ẩn dòng tiền được nhiều nhà đầu tư lựa chọn, các chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán chao đảo, là thời điểm hiện tại rất khó “dò đáy”. Trong khi đó, giá vàng bị chi phối mạnh bởi thị trường quốc tế, khiến giá bán tăng giảm liên tục, không còn là kênh đầu tư an toàn để giới đầu tư tránh khỏi sự trượt giá dòng tiền bởi vậy giới đầu tư chỉ chờ lãi suất giảm là “xuống tiền”.
“Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển tín dụng nhà ở các phân khúc còn thiếu nguồn cung, bởi vậy các cơ quan quản lý cần lưu tâm phát triển cân bằng, hài hòa hơn thị trường tài chính. Từ nay đến 2030, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 800.000 đến 1 triệu tỷ đồng vốn trung dài hạn, ngoài phần vốn tín dụng ngân hàng, vì vậy kiến tạo phát triển song vẫn kiểm soát rủi ro”, TS Lực cho hay.
Ông cũng cho rằng cần đẩy nhanh rà soát và có giải pháp tháo gỡ vướng mắc các dự án BĐS, quy định phân nhóm phân khúc BĐS để có chính sách tín dụng, vốn, tài chính phù hợp, có hướng dẫn, cho phép thành lập các định chế tài chính BĐS chuyên biệt, quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ phát triển NOXH, thành lập cơ quan tái tài trợ BĐS thế chấp nhà ở, chứng khoán hóa BĐS; có lộ trình đánh thuế BĐS phù hợp.
Còn với doanh nghiệp BĐS, ông Lực đưa ra các giải pháp phát triển như: có kế hoạch cụ thể, khả thi thanh toán nợ TPDN đáo hạn, đa dạng hóa nguồn vốn (ngoài tín dụng ngân hàng, còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, tiền từ khách hàng, thuê tài chính…); huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể.
Nam Phương