Đề xuất nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế: Cần thiết nhưng chưa đủ
Hiện nay, hộ và cá nhân kinh doanh đang được đề xuất điều chỉnh lại ngưỡng doanh thu chịu thuế nhằm phù hợp với thực tế đời sống và hoạt động kinh doanh.
Mức doanh thu tối thiểu để nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng hiện nay đang là 100 triệu đồng/năm, tuy nhiên đang có kiến nghị tăng lên ít nhất 400 triệu đồng. Đây được xem là tín hiệu tích cực, nhưng cũng cần xem xét thận trọng để đảm bảo tính công bằng, khả thi và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay.
Thực tế hiện có hai nhóm hộ kinh doanh phổ biến. Nhóm thứ nhất là các hộ nhỏ lẻ, hoạt động chủ yếu để mưu sinh, như các sạp hàng trong chợ, cửa hàng tạp hóa, quán ăn vỉa hè... Nhóm này thường có doanh thu thấp, dưới ngưỡng chịu thuế hoặc chỉ nhỉnh hơn đôi chút. Nhóm thứ hai có quy mô lớn hơn, doanh thu cao, hoạt động liên quận, liên tỉnh, như các chuỗi ăn uống, vật liệu xây dựng, làm đẹp, thực phẩm chức năng... Nhóm này có khả năng thực hiện sổ sách kế toán và đủ điều kiện chuyển đổi thành doanh nghiệp siêu nhỏ hoặc doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Để quản lý hiệu quả, cơ quan thuế đề xuất chia hộ kinh doanh thành 4 nhóm theo doanh thu: dưới 200 triệu đồng/năm; từ 200 triệu đến dưới 1 tỷ đồng/năm; từ 1 tỷ đến dưới 3 tỷ đồng (đối với lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng) hoặc 10 tỷ đồng (đối với thương mại, dịch vụ); và nhóm trên 10 tỷ đồng. Trong đó, hai nhóm có doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử, nhóm còn lại được khuyến khích sử dụng.
Với hộ nhỏ lẻ, việc chịu thuế từ mức doanh thu 100 triệu đồng/năm đã gây ra nhiều phản ứng trong thời gian qua. Mức này tương đương với doanh thu chỉ cần bán khoảng 6 tô bún/ngày là đã phải kê khai thuế, trong khi chi phí đầu vào chiếm phần lớn, lợi nhuận rất thấp. Điều này dẫn tới bất cập khi nhiều hộ kinh doanh gần như không có lãi vẫn phải nộp thuế, gây áp lực tài chính và thiếu động lực kinh doanh.
Đề xuất nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế lên 200 triệu đồng/năm từ 1/1/2026 được kỳ vọng giảm phần nào gánh nặng cho người nộp thuế. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, mức này vẫn chưa theo kịp thực tiễn. Với tỷ suất lợi nhuận trung bình khoảng 6%, mức doanh thu 200 triệu đồng chỉ tương đương thu nhập thực tế khoảng 1 triệu đồng/tháng - quá thấp so với mức sống tối thiểu. Do đó, có đề xuất nâng ngưỡng này lên 360 triệu đồng/năm (tức 30 triệu đồng/tháng), phù hợp hơn với mức sống hiện nay và giảm chi phí quản lý thuế.
Một điểm quan trọng khác là cần xem xét ngưỡng doanh thu trên cơ sở tỷ lệ lợi nhuận của từng ngành nghề. Khác với người làm công ăn lương, nơi có thể xác định thu nhập ròng dễ dàng, hộ kinh doanh có chi phí đầu vào lớn và biến động. Nếu chỉ căn cứ vào doanh thu, mà không xét đến lợi nhuận, thì chính sách thuế sẽ thiếu công bằng và không thực tế.
Đặc biệt, khi so sánh với mức giảm trừ gia cảnh trong thuế thu nhập cá nhân (132 triệu đồng/năm cho bản thân, 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc), thì việc áp ngưỡng chịu thuế doanh thu ở mức 100 hoặc 200 triệu đồng/năm là rất thấp. Đó là chưa kể đến trường hợp kinh doanh không có lãi, nhưng doanh thu vượt ngưỡng vẫn phải đóng thuế, đó là một bất hợp lý rõ rệt.
Theo định hướng, các hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đến 10 tỷ đồng sẽ áp dụng hóa đơn điện tử có mã, thực hiện chế độ kế toán đơn giản; còn nhóm từ 10 tỷ đồng trở lên sẽ áp dụng chế độ kế toán như doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này cho thấy nỗ lực tiến tới môi trường kinh doanh hiện đại, minh bạch và số hóa, đồng thời khuyến khích các hộ kinh doanh quy mô lớn chuyển đổi lên doanh nghiệp chính thức.
Tuy nhiên, để đạt hiệu quả, cần xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ, trong đó việc xác định ngưỡng doanh thu chịu thuế là điểm then chốt. Ngưỡng này không chỉ tác động đến nghĩa vụ thuế mà còn quyết định hình thức quản lý phù hợp với từng nhóm. Đề xuất tăng lên 400 triệu đồng/năm là một bước tiến, nhưng cần tính toán kỹ lưỡng, lấy ý kiến rộng rãi, đảm bảo sự công bằng giữa các nhóm người nộp thuế và phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.
T.An