Đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng miễn 100% trong năm đầu, 4 năm sau giảm thuế 50%
Thảo luận dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng miễn 100% trong năm đầu, 4 năm sau giảm thuế 50%.

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 1
Đề nghị quy định chi tiết tiêu chí không thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp thực hiện tốt
Thảo luận dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm đến quy định thanh tra, kiểm tra và các cơ chế hỗ trợ tín dụng, cơ hội tiếp cận đấu thầu công trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.
Liên quan đến thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp vốn là hoạt động bị doanh nghiệp phàn nàn là gây nhiều phiền hà lâu nay, Khoản 4, Điều 7 Dự thảo Nghị quyết quy định không kiểm tra tại các doanh nghiệp thực hiện tốt quy định pháp luật.
Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn các tiêu chí thế nào được xem là “tốt”. Do đó, cần giao Chính phủ quy định chi tiết, ví dụ các doanh nghiệp mà năm trước đã được cơ quan chức năng kiểm tra mà không phát hiện vi phạm thì có thể là một tiêu chí của chấp hành tốt pháp luật để được miễn kiểm tra.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội thảo luận tại Tổ
Đề nghị bảo lãnh cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa
Về quy định hỗ trợ kinh phí đầu tư hạ tầng khu Công nghiệp, cụm Công nghiệp, vườn ươm doanh nghiệp trong Khoản 2 Điều 7, đại biểu Hoàng Văn Cường bày tỏ đồng tình với chính sách này.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần quy định rõ các chủ đầu tư khu Công nghiệp, cụm Công nghiệp cần trừ phần được ngân sách hỗ trợ này để hỗ trợ lại doanh nghiệp thuê hạ tầng.
Ngoài ra, đại biểu lưu ý nên phân biệt rõ khu Công nghiệp, cụm Công nghiệp với vườn ươm doanh nghiệp theo hướng khu Công nghiệp, cụm Công nghiệp thì được hỗ trợ một phần còn vườn ươm các doanh nghiệp khởi nghiệp nên hỗ trợ cao hơn, có thể lên đến 100% để khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo.
Liên quan đến Điều 9 về quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị nên có quy định cho địa phương sử dụng ngân sách của mình để hỗ trợ nguồn cho quỹ này.
Ngoài ra, nếu hỗ trợ cho vay, tài trợ thì quỹ chỉ đủ được một số lượng nhỏ doanh nghiệp. Còn nếu dùng quỹ để bảo lãnh cho vay (do đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có tài sản đảm bảo) thì có thể dùng để hỗ trợ nhiều doanh nghiệp hơn.
Đề nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 100% trong năm đầu và giảm 50% cho 4 năm tiếp theo với doanh nghiệp nhỏ và vừa
Khoản 4, Điều 10 của dự thảo quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho 3 năm đầu với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đại biểu Hoàng Văn Cường lo ngại quy định như vậy có thể xảy ra 2 vấn đế: Thứ nhất là có nguy cơ trục lợi nếu lập doanh nghiệp trong 3 năm để được miễn thuế, rồi lại đóng doanh nghiệp này và lập doanh nghiệp mới để tiếp tục được miễn thuế.
Thứ hai là với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 90% đăng ký xong một thời gian ngắn là phá sản và không có lãi trong một vài năm đầu nên không được hưởng lợi nhiều từ quy định miễn thuế như trong dự thảo.
Do đó, đại biểu đề nghị quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng miễn 100% trong năm đầu, 4 năm sau giảm thuế 50%.
Đáng chú ý, về hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp nhỏ tại Khoản 2 Điều 13, đại biểu kiến nghị trong bối cảnh chuyển đổi số, Nhà nước có thể hỗ trợ doanh nghiệp thiết bị phần cứng để số hóa khâu bán hàng, hạch toán và kết nối trực tuyến đến các cơ quan quản lý. Từ đó, doanh nghiệp vừa chuyên nghiệp mà cơ quan quản lý vừa thuận tiện.

Các đại biểu tham dự Phiên thảo luận tại Tổ 1
Cần đặc biệt ưu tiên khuyến khích doanh nghiệp xanh
Đóng góp ý kiến về Dự thảo Nghị quyết về kinh tế tư nhân, đại biểu Tạ Đình Thi quan tâm đến các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp xanh.
Đơn cử Điều 9 về một số chính sách đặc biệt như ưu đãi lãi suất tín dụng cho các dự án đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp xanh, tuần hoàn, ESG, đại biểu đề nghị nghiên cứu mở rộng đối tượng được ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào chuyển đổi số, chứ không chỉ giới hạn trong các lĩnh vực xanh, thân thiện với môi trường, qua đó thúc đẩy năng suất, cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Tại Điều 12, đại biểu Tạ Đình Thi cũng cho rằng cần nghiên cứu bổ sung chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia để giúp doanh nghiệp kết nối, tham gia các dự án nghiên cứu cứu lớn, đảm bảo sự liên kết giữa Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, đảm bảo chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ, đặc biệt các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia sát thực tiễn, phục vụ ngay thực tiễn.
Đại biểu cũng đề xuất nghiên cứu mở rộng đối tượng doanh nghiệp tư nhân được ưu tiên liên quan đến khả năng tiếp cận vốn, đất đai, tham gia đấu thầu công.

Đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội thảo luận tại Tổ
Đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội nhận định Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị thực sự thổi một luồng gió mới, mang tính bước ngoặt, được cộng đồng doanh nhân đón chờ lâu nay.
Đại biểu đánh giá cao sự khẩn trương của Chính phủ trong việc xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội để thể chế hoá Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ kỳ vọng nhiều hơn ở Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội khi nhiều quy định trong Dự thảo vẫn mang tính nguyên tắc chứ chưa cụ thể để có thể thực hiện được ngay khi triển khai.
Đại biểu cũng cho rằng trong Dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, nếu các nội dung liên quan đến luật chuyên ngành đang được Quốc hội thảo luận trong kỳ họp này thì nên đưa vào luật chuyên ngành hơn là đưa vào Nghị quyết này.
Ví dụ như nội dung thanh tra, kiểm tra có thể đưa dự Luật Thanh tra hay nội dung thủ tục phá sản, xem xét đưa luôn vào dự thảo 1 luật sửa 5 luật, trong đó có Luật Phá sản.