0922 281 189 [email protected]
Thứ tư, 26/03/2025 19:29 (GMT+7)

Đề xuất áp chung mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% cho các loại hình báo chí

Theo dõi KT&TD trên

Theo đại biểu Thạch Phước Bình, để đảm bảo công bằng, khuyến khích báo chí phát triển trong bối cảnh chuyển đổi số thì cần áp dụng mức thuế suất 10% cho toàn bộ cơ quan báo chí, không phân biệt báo in hay báo điện tử.

Không phân biệt báo in hay báo điện tử

Ngày 26/3, tiếp tục chương trình hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7 thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Đáng quan tâm, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn tỉnh Trà Vinh) đề cập đến mức thuế đối với ngành báo chí, vấn đề đã được đại biểu nêu ra tại Kỳ họp thứ 8 nhưng đến nay chưa được tiếp thu. Tại dự thảo Luật, quy định về thuế suất đối với cơ quan báo chí có sự mâu thuẫn giữa thực tiễn hoạt động báo chí và chính sách thuế.

Theo đại biểu, báo điện tử đang trở thành phương thức chủ đạo, trong khi báo in ngày càng giảm sút. Tuy nhiên, báo in lại được hưởng mức thuế ưu đãi 10%, trong khi báo điện tử phải chịu mức thuế 20%, dù cả hai đều phục vụ mục tiêu cung cấp thông tin chính thống, định hướng dư luận và thực hiện nhiệm vụ truyền thông của Đảng, Nhà nước.

Đề xuất áp chung mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% cho các loại hình báo chí
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn tỉnh Trà Vinh). Ảnh: Quốc hội

Cũng theo đại biểu đoàn Trà Vinh, báo điện tử có nguồn thu lớn từ quảng cáo, thu phí nội dung và các dịch vụ kỹ thuật số, nhưng vẫn bị áp dụng mức thuế suất cao hơn báo in. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến báo chí trong bối cảnh cạnh tranh số, khi nhiều cơ quan báo chí điện tử gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động do doanh thu quảng cáo sụt giảm, trong khi vẫn phải chịu thuế suất cao hơn báo in.

Chính sách thuế hiện tại cũng chưa theo kịp xu hướng chuyển đổi số báo chí, tạo rào cản tài chính cho các cơ quan báo chí điện tử. Trong khi đó, các nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook chiếm phần lớn doanh thu quảng cáo nhưng chỉ chịu thuế gián tiếp tại Việt Nam, gây bất lợi cho báo chí trong nước.

“Để đảm bảo công bằng, khuyến khích báo chí phát triển trong bối cảnh chuyển đổi số thì cần áp dụng mức thuế suất 10% cho toàn bộ cơ quan báo chí, không phân biệt báo in hay báo điện tử”, đại biểu nói.

Đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, giải pháp này sẽ hỗ trợ cơ quan báo chí vượt qua khó khăn tài chính, duy trì hoạt động và đảm bảo chất lượng nội dung thông tin; tạo sự công bằng giữa các loại hình báo chí, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số.

Đề xuất áp chung mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% cho các loại hình báo chí
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Quốc hội

Đồng thời, khuyến khích báo chí phát triển bền vững, giúp các tòa soạn có thêm nguồn lực để đầu tư vào nội dung và đặc biệt là đầu tư vào công nghệ; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh với nền tảng xuyên biên giới, góp phần bảo vệ báo chí chính thống.

Tiếp thu phương án quy định cùng một mức thuế 10%

Liên quan đến thuế suất với cơ quan báo chí, Báo cáo của Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho biết, nhiều ý kiến đề nghị cần có chính sách ưu đãi về thuế đáng kể hơn nữa so với mức độ ưu đãi cũng như phạm vi các lĩnh vực, địa bàn đã được thể hiện trong dự thảo Luật đối với một số lĩnh vực cụ thể, trong đó có ưu đãi đối với lĩnh vực văn hóa và báo chí (áp dụng một mức thuế suất 10% hoặc kể cả 5% hoặc 0%), khu công nghiệp.

Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính cơ bản thống nhất với nội dung giải trình của Cơ quan soạn thảo. Trong đó, đối với đề nghị bổ sung ưu đãi thuế cho lĩnh vực báo chí, Cơ quan soạn thảo cho rằng, theo quy định của Luật hiện hành, thu nhập của cơ quan báo chí từ hoạt động báo in, kể cả quảng cáo trên báo in, áp dụng thuế suất 10% trong suốt thời gian hoạt động; đối với các hoạt động báo chí khác, áp dụng mức thuế suất phổ thông là 20%.

Để hỗ trợ các cơ quan báo chí, dự thảo Luật đã bổ sung quy định áp dụng thuế suất 15% đối với các hoạt động báo chí còn lại, trong đó bao gồm cả các hoạt động quảng cáo trên báo mạng. Theo đó, cơ quan báo chí sẽ được áp dụng 2 mức thuế suất ưu đãi là 10% và 15%.

Đề xuất áp chung mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% cho các loại hình báo chí
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn. Ảnh: Quốc hội

Việc đề xuất bổ sung mức thuế suất ưu đãi 15% đối với ngành báo chí là nhằm thể hiện sự chia sẻ, hỗ trợ của Nhà nước đối với lĩnh vực báo chí và đã phải cân nhắc kỹ trong bối cảnh thực hiện chủ trương hạn chế ban hành chính sách miễn, giảm thuế nhằm bảo đảm tính trung lập của thuế.

Mức thuế suất ưu đãi 15% trong suốt thời gian hoạt động đối với lĩnh vực báo chí ngoài báo in (lĩnh vực báo in vẫn tiếp tục được áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10%) là mức ưu đãi cao đang áp dụng đối với một số ngành, nghề được chú trọng khuyến khích như nông nghiệp, chế biến nông sản, thủy sản, doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ.

Tuy nhiên, nội dung này cũng đã được nêu ra tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Cơ quan soạn thảo đã ghi nhận để tiếp tục cân nhắc và có ý kiến chính thức về nội dung này. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật sẽ được chỉnh lý một cách phù hợp.

Phát biểu tiếp thu ý kiến các đại biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là sắp xếp lại cơ quan báo chí thì việc áp mức thuế không phân biệt giữa báo in với các loại hình báo chí khác là phù hợp. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế và Tài chính rà soát, tiếp thu phương án quy định cùng một mức 10%, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất áp chung mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% cho các loại hình báo chí. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Rà soát phân cấp, phân quyền về ngân sách, nhân sự, đất đai, tài nguyên, tài sản, quyết định đầu tư
Thủ tướng yêu cầu tập trung rà soát các nội dung phân cấp, phân quyền liên quan ngân sách, thẩm quyền về cán bộ, nhân sự, đất đai, tài nguyên, tài sản, thủ tục hành chính, quyết định đầu tư, xử lý các vấn đề phát sinh mà chưa có quy định và các nội dung khác có thể phân cấp, phân quyền.
Thủ tướng yêu cầu ngăn chặn quảng cáo sai sự thật
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo thành lập tổ công tác đặc biệt và mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm bản quyền, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa

Tin mới

Từ hàng giả đến giao chậm: Những thách thức niềm tin trong TMĐT
Sự bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT) đã mang đến một kỷ nguyên mua sắm tiện lợi và đa dạng, xóa nhòa ranh giới địa lý và thời gian. Tuy nhiên, đằng sau những con số tăng trưởng ấn tượng và những lời quảng cáo hấp dẫn, niềm tin của người tiêu dùng vẫn đang phải đối mặt với không ít thử thách.
Rà soát phân cấp, phân quyền về ngân sách, nhân sự, đất đai, tài nguyên, tài sản, quyết định đầu tư
Thủ tướng yêu cầu tập trung rà soát các nội dung phân cấp, phân quyền liên quan ngân sách, thẩm quyền về cán bộ, nhân sự, đất đai, tài nguyên, tài sản, thủ tục hành chính, quyết định đầu tư, xử lý các vấn đề phát sinh mà chưa có quy định và các nội dung khác có thể phân cấp, phân quyền.
Thuế thu nhập mua bán nhà đất có gì chưa ổn?
Đề xuất áp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 20% trên phần lợi nhuận thực từ chuyển nhượng bất động sản tiếp tục gây tranh cãi trong dư luận, dù mục tiêu đặt ra là công bằng và minh bạch trong quản lý thuế.