0922 281 189 [email protected]
Thứ hai, 19/05/2025 11:13 (GMT+7)

Đẩy mạnh tiêu dùng nội địa để đạt mục tiêu tăng trưởng 8%

Theo dõi KT&TD trên

Tiêu dùng trong nước cần tiếp tục được thúc đẩy để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% trong năm 2025, với một trong những giải pháp trọng tâm là kéo dài chính sách giảm thuế VAT 2%.

Tiêu dùng trong nước đang đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Trong quý I/2025, lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng tới 7,7%, đóng góp hơn 53% vào tăng trưởng GDP – mức cao nhất kể từ năm 2020 trở lại đây. Điều này phản ánh sức cầu nội địa đang dần khởi sắc trở lại.

Đẩy mạnh tiêu dùng nội địa để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, nhu cầu tiêu dùng tăng lên rõ rệt trong các dịp lễ, Tết cùng với lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh đã hỗ trợ tích cực cho ngành thương mại và dịch vụ. Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng vẫn thẳng thắn đánh giá rằng mức cải thiện này vẫn còn chậm so với kỳ vọng.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2025 tăng 11,1% so với cùng kỳ, nâng mức tăng trong 4 tháng đầu năm lên 9,9%. Đây là con số khả quan, nhưng chưa đáp ứng được mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 12% mà Chính phủ đặt ra. Nếu không đạt được ngưỡng này, khả năng hoàn thành các kịch bản tăng trưởng trên 8% sẽ đối mặt nhiều thách thức.

Trong các giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đề xuất tập trung phát triển thị trường trong nước, hoàn thiện chính sách về thuế và tín dụng để nâng cao sức mua, khuyến khích tiêu dùng và kích cầu du lịch nội địa. Đồng thời, cần đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung - cầu và xúc tiến thương mại để hướng tới mục tiêu tăng trưởng bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt tối thiểu 12% trong năm nay.

Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Nguyễn Bá Hùng cho rằng việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa là hợp lý trong bối cảnh thương mại quốc tế còn nhiều bất ổn. Theo ông, đầu tư vào hạ tầng, đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng tiêu dùng trong nước sẽ tạo động lực tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam.

Một trong những giải pháp trọng tâm đang được Chính phủ đề xuất là tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% và mở rộng đối tượng áp dụng. Theo tờ trình được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình bày tại Quốc hội, mức giảm sẽ áp dụng từ ngày 1/7/2025 đến hết 31/12/2026.

Chính sách này áp dụng cho các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế suất 10%, ngoại trừ những lĩnh vực như viễn thông, tài chính – ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, kim loại, khai khoáng (trừ than) và những mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như xăng dầu.

Theo phân tích của Bộ Tài chính, trong ba năm từ 2022 đến 2024, chính sách giảm thuế VAT đã mang lại lợi ích đáng kể với tổng giá trị hỗ trợ lên tới khoảng 123.800 tỷ đồng. Nhờ đó, tiêu dùng nội địa phục hồi rõ rệt: năm 2022 tăng 19,8%, năm 2023 tăng 9,6% và năm 2024 tăng 9%. Tăng trưởng kinh tế năm 2024 cũng đạt hơn 7%, với toàn bộ 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều hoàn thành hoặc vượt kế hoạch.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, chính sách giảm thuế VAT đã giúp doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm, gián tiếp thúc đẩy tiêu dùng của người dân, từ đó tạo thêm việc làm và hỗ trợ tăng trưởng. Ông nhấn mạnh việc tiếp tục chính sách này là cần thiết để duy trì động lực phục hồi kinh tế.

Tờ trình của Chính phủ đã nhận được sự đồng thuận từ Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban, ông Phan Văn Mãi khẳng định, trong bối cảnh kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn và thị trường quốc tế diễn biến khó lường, thì chính sách giảm thuế VAT là biện pháp hữu hiệu để kích thích sức mua và hỗ trợ doanh nghiệp.

Đồng tình với quan điểm trên, các chuyên gia trong Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2025 của ADB cũng cho rằng việc kéo dài chính sách giảm VAT tới cuối năm 2026 là bước đi tích cực. Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam còn khuyến nghị, ngoài giảm VAT, cần xem xét đến việc cắt giảm các loại thuế thu nhập, chi phí doanh nghiệp và mở rộng chi tiêu xã hội để tạo thêm lực đẩy cho nền kinh tế.

Tiêu dùng nội địa đang và sẽ tiếp tục là một trụ cột quan trọng trong chiến lược tăng trưởng của Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chưa ổn định, việc phát huy sức mua trong nước thông qua các chính sách hỗ trợ thuế như giảm VAT, cùng với các biện pháp mở rộng thị trường và đầu tư vào hạ tầng, sẽ giúp Việt Nam duy trì đà tăng trưởng bền vững và đạt mục tiêu 8% trong năm 2025.

BN

Bạn đang đọc bài viết Đẩy mạnh tiêu dùng nội địa để đạt mục tiêu tăng trưởng 8%. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hiệp hội Gia cầm lên tiếng về trứng gà giả
Trước thông tin trên một số trang mạng xã hội lan truyền thông tin thất thiệt về trứng gà giả, gây hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng và ảnh hưởng tiêu cực đến chăn nuôi trong nước,
Chống hàng giả, hàng nhái: Cuộc chiến chưa hồi kết
Vấn nạn hàng giả, hàng nhái từ lâu đã trở thành một "ung nhọt" nhức nhối trong nền kinh tế, không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín quốc gia và môi trường kinh doanh lành mạnh.
Giá vàng đang “hạ nhiệt”: Có nên mua vào?
Trong khoảng 1 tuần trở lại đây, giá vàng trong nước đã giảm hơn 3 triệu đồng/lượng. Việc giá vàng liên tục giảm sâu đang khiến nhiều nhà đầu tư và người dân băn khoăn: “Liệu có nên mua vào ở thời điểm này?”.

Tin mới