Đất dôi dư có thể làm dự án công cộng hoặc cho hộ liền kề mua lại
Trong quá trình phát triển dự án hạ tầng giao thông, đô thị, TP HCM đã tiến hành giải tỏa trắng nhiều diện tích nhà dân và đến khi dự án hoàn thành, nhiều phần đất giải tỏa bị dôi dư thành những miếng đất nhỏ hẹp không đủ tiêu chuẩn diện tích, kích thước tối thiểu được phép tách thửa đất ở.
Để giải quyết vấn đề này, ngày 5/9/2023, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định 37/2023/QĐ-UBND Quy định việc rà soát, công bố công khai danh mục các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước trực tiếp quản lý, việc lấy ý kiến người sử dụng đất liền kề và công khai việc giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp để sử dụng vào mục đích công cộng hoặc giao đất, cho thuê đất cho người sử dụng đất liền kề trên địa bàn Thành phố.
Theo quy định này, đối với các thửa đất nhỏ hẹp có diện tích, kích thước, hình dạng không đủ tiêu chuẩn, UBND cấp huyện chủ trì, phối hợp với UBND cấp xã sẽ thực hiện kiểm tra tình trạng thực tế của các thửa đất này và so sánh với hồ sơ pháp lý liên quan để xác định các thửa đất thuộc loại này.
Việc kiểm tra này sẽ diễn ra ngay sau khi quy định có hiệu lực, và định kỳ sau mỗi 6 tháng sẽ có cuộc rà soát và lập danh mục các thửa đất nhỏ hẹp. Các thông tin liên quan đến danh mục này sẽ được công bố công khai và thông báo cho người sử dụng đất liền kề để họ có ý kiến về việc sử dụng các thửa đất nhỏ hẹp này cho mục đích công cộng hoặc cho thuê.
Đối với việc giao đất hoặc cho thuê đất trong trường hợp của các thửa đất nhỏ hẹp, các quy định, tiêu chí và nguyên tắc được quy định tại Nghị định số 48 năm 2020 sẽ được áp dụng. Thời hạn sử dụng đất của các thửa đất nhỏ hẹp sẽ được xác định phù hợp với thời hạn sử dụng của thửa đất mà người sử dụng đất liền kề đang sử dụng.
Liên quan đến quy định này, bà Bà Mai Thanh Thảo - Phó Giám đốc Bộ phận Ngân hàng & Dịch vụ Doanh nghiệp Savills Việt Nam cho rằng: Đây là một cách quản lý hợp lý, giúp tránh thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước và có lợi cho người dân.
“Chúng tôi khuyến khích việc ưu tiên sử dụng các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước quản lý vào mục đích công cộng. Nếu diện tích dư đủ nhiều, Nhà nước có thể phát triển thành mảng cây xanh, hoặc làm sân tập thể dục nhỏ có lắp thiết bị bổ trợ, hoặc làm tủ sách thiếu nhi, sân sinh hoạt cộng đồng... giao cho chính quyền địa phương quản lý để đảm bảo công trình xanh, sạch, đẹp là giá trị gia tăng nói riêng cho dân cư tại khu vực”, chuyên gia của Savills khuyến nghị.
Trường hợp không sử dụng được vào mục đích công cộng, bà Thảo cho rằng Thành phố nên thực hiện việc giao đất có thu tiền sử dụng đất với giá quyền sử dụng đất tiệm cận mức giá thị trường cho người sử dụng đất liền kề. Thực tế hiện nay, có khá nhiều trường hợp đất dôi dư tọa lạc vị trí phía trước và làm hạn chế khả năng tiếp cận của thửa đất liền kề. Nên, nhu cầu sử dụng phần đất dôi dư này của người sử dụng đất liền kề là khá cao.
Bên cạnh đó, bà Thảo cũng khuyến nghị việc xác định mức giá giao đất nên được thực hiện khách quan bởi các công ty tư vấn thẩm định giá uy tín trên thị trường.
Còn đối với những phần đất “đầu thừa đuôi thẹo” có hình dạng không vuông vắn, không “đẹp” thì người sử dụng liền kề sẽ cân nhắc về việc có nên mua lại để hợp thửa phần đất hay không. Khi đó, nếu phần đất này không có người mua thì cần quy định giao việc quản lý cho chính quyền địa phương hoặc xem xét làm văn phòng khu phố, hoặc làm chốt bảo vệ dân phòng cho khu vực đó tăng cường đảm bảo an ninh trật tự và mất mỹ quan đô thị.