Đảm bảo ATTP Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024
Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm (ATTP) đã triển khai Kế hoạch bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024 nhằm đảm bảo ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và sử dụng thực phẩm.
Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 đang tới gần, đồng thời sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước, nhiều lễ hội với nhiều lượt khách tham dự. Tết Nguyên đán cũng là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu…
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm. Bên cạnh thời tiết phía Bắc thường ẩm ướt, phía Nam thường nắng nóng, đây là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng ATTP.
Để đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024, phục vụ Nhân dân đón Tết, vui xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe; Đồng thời đảm bảo phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP triển khai Kế hoạch bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024.
Bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc dịp Tết, lễ hội xuân 2024 (Ảnh minh hoạ)
Kế hoạch nhằm hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024; Tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các TP lớn; Huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định về ATTP cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.
Theo Kế hoạch, từ ngày 20/12/2023 đến hết 20/3/2024, 5 Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về ATTP Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội Xuân 2024 sẽ kiểm tra tại 10 tỉnh, TP: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bình Dương, Kon Tum và Gia Lai. Ngoài ra, tại địa phương tiến hành thành lập các Đoàn Thanh tra, kiểm tra liên ngành tại các cấp, từ cấp tỉnh đến cấp xã, tăng cường kiểm tra trong dịp cao điểm này.
Đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất,chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và các Lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm v.v..và các cơ sở dịch vụ ăn uống. Trong đó, các đoàn của tuyến tỉnh tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, đầu mối lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp huyện, xã thực hiện kiểm tra.
Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩmdịp Tết, lễ hội xuân 2024(Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô)
Đối với các Ban chỉ đạo và cơ quan quản lý nhà nước, đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra các nội dung kiểm tra sẽ xoay quanh việc tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm các cấp; Công tác chỉ đạo, xây dựng ban hành kế hoạch và triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, kiểm tra an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024.
Bên cạnh đó, kiểm tra việc triển khai các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm tại địa phương. Đánh giá công tác quản lý đối với các sản phẩm, nhóm sản phẩm và trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm quy định tại các Phụ lục II, III, IV Nghị định số 15/2018/NĐ-CP và quy định tại các Điều 36, 37, 38, 39, 40 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP; Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành; Kiểm tra hoạt động của các mô hình điểm an toàn thực phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn theo điều kiện đặc thù của từng địa phương.
Riêng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đoàn kiểm tra tiến hàng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm; chú trọng kiểm tra về điều kiện của cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; điều kiện an toàn thực phẩm của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; chất lượng, an toàn của sản phẩm thực phẩm; nguồn gốc, xuất xứ; đăng ký bản công bố/tự công bố sản phẩm; ghi nhãn; quảng cáo; lấy mẫu kiểm nghiệm...