Đà Lạt (Lâm Đồng): Ngang nhiên chiếm đường đi chung, xây dựng khu du lịch trên đất nông nghiệp
Khu du lịch Đồi Mây xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt đã ngang nhiên chiếm đường đi chung do Nhà nước quản lý, tổ chức xây dựng điểm du lịch trên đất nông nghiệp, gây bức xúc lâu dài cho người dân.
Điểm du lịch Đồi Mây nằm tại thôn Túy Sơn, xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Đại diện pháp luật thuê đất và xây dựng điểm du lịch trái phép này là ông Tưởng Hữu Lộc - Công ty TNHH Tam Anh Đà Lạt.
Chiếm đường đi làm du lịch
Theo bản đồ địa chính xã Xuân Thọ (Đà Lạt) vào năm 1997, trên phần diện tích hiện tại đang xây dựng trái phép khu du lịch Đồi Mây có thể hiện đường đi chung do Nhà nước quản lý.
Con đường này xuyên qua ngọn đồi. Đoạn trước con đường là vị trí khu du lịch Đồi Mây, thuộc phần đất ông Trần Như Tiến (cho Công ty Tam Anh Đà Lạt thuê làm du lịch trong 10 năm). Đoạn phía sau con đường nối thẳng qua đất nhà bà Đặng Thị Huệ.
Dù là đường đi chung do Nhà nước quản lý nhưng nhiều năm nay, ông Trần Như Tiến và Công ty Tam Anh Đà Lạt đã ngang nhiên chặn đường đường đi chung và phát triển du lịch trái phép trên nền đất nông nghiệp.
Không còn đường đi vào đất và quá bức xúc việc ông Trần Như Tiến và Công ty Tam Anh Đà Lạt ngang nhiên chặn lối đi, bà Đặng Thị Huệ liên tục viết đơn, đề nghị chính quyền UBND xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt xử lý dứt điểm tình trạng trên, trả lại con đường hiện trạng cho Nhà nước, trả lại lối đi vào đất nhà bà Huệ.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Lê Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt thừa nhận: Hiện tại địa phương có tình trạng con đường đi chung vào đất nhà bà Huệ đã bị lấn chiếm và ngang nhiên chặn lối đi như phản ánh. Đây cũng là câu chuyện nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm ở xã Xuân Thọ.
UBND xã Xuân Thọ đã kiểm tra thực tế và phát hiện trên phần đất của lối đi chung, khu du dịch Đồi Mây đã trưng bày 01 xe ôtô cũ, trang trí, thiết kế bàn ghế phục vụ du khách, trồng hoa và bố trí nhiều cầu thang gỗ…
Nhiều năm không xử lý
Sau khi nhận đơn phản ánh của gia đình bà Đặng Thị Huệ và căn cứ thực tế hiện trạng cùng với bản đồ địa chính xã Xuân Thọ năm 1997, ngày 17/3/2023, UBND xã Xuân Thọ đã có buổi làm việc giữa các bên nhằm trả lại con đường đi chung do Nhà nước quản lý.
Biên bản làm việc ngày 17/3/2023 nêu rõ: Yêu cầu ông Trần Như Tiến trong thời gian 20 ngày (kể từ ngày 17/3/2023) phải tiến hành bàn bạc với ông Tưởng Hữu Lộc (đại diện Công ty Tam Anh Đà Lạt) để trả lại hiện trạng con đường đúng theo quy định.
Thế nhưng, sau 20 ngày, ông Trần Như Tiến và Công ty Tam Anh Đà Lạt không trả lại con đường đi chung cho Nhà nước. Không có đường đi vào đất, bà Đặng Thị Huệ kiến nghị lên UBND xã Xuân Thọ giải quyết dứt điểm vấn đề trên.
Đến ngày 06/4/2023, UBND xã Xuân Thọ tiếp tục mời các bên làm việc để trả lại con đường đi chung do Nhà nước quản lý.
Biên bản làm việc ngày 06/4/2023 lại tiếp tục khẳng định: Yêu cầu ông Trần Như Tiến và các bên liên quan phải trả lại hiện trạng đường đi chung và di dời, giải tỏa các hạng mục, công trình trên diện tích đất thuộc đường đi chung. Thời gian thực hiện là 15 ngày.
Đến ngày 15/12/2023, vì lý do ông Trần Như Tiến và Công ty Tam Anh Đà Lạt không trả lại đường cho Nhà nước nên UBND xã Xuân Thọ tiếp tục mời các bên lên làm việc.
Như những lần trước, UBND xã Xuân Thọ cho thời hạn 15 ngày để ông Trần Như Tiến và Công ty Tam Anh Đà Lạt trả lại đường cho Nhà nước.
Như vậy, sau gần 01 năm, qua 03 lần họp và 03 lần ra văn bản yêu cầu trả lại đường đi chung cho Nhà nước nhưng ông Trần Như Tiến và Công ty Tam Anh Đà Lạt vẫn bất tuân quyết định của UBND xã Xuân Thọ (Đà Lạt).
Trả lời với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Lê Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ thừa nhận địa phương đã để sự việc kéo dài. Sắp tới địa phương sẽ có phương án xử lý dứt điểm, tránh để xảy ra tranh chấp, dẫn đến mất an ninh trật tự tại địa phương.