Coteccons liên tiếp bị tố "chây ỳ" thanh toán công nợ cho đối tác
Sau khi bị Ricons nộp đơn yêu cầu Tòa mở thủ tục phá sản do khoản công nợ quá hạn kéo dài nhiều năm không thanh toán, Coteccons tiếp tục bị Eurowindow “réo” tên về khoản nợ thi công tại siêu dự án Resort kết hợp casino 4 tỷ USD tại Hội An.
Nợ tiền nhà thầu phụ
UBND tỉnh Quảng Nam mới đây có văn bản số 4921/UBND-KTN gửi Sở Kế hoạch Đầu tư về việc giải quyết đề nghị của CTCP Eurowindow liên quan đến việc hợp đồng cung cấp, thi công lắp đặt hạng mục mặt dựng - khu phức hợp khách sạn và casino tại dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An.
Theo văn bản ngày 27/07 của UBND tỉnh gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau khi xem xét đề nghị của CTCP Eurowindow tại Công văn đề ngày 11/07/2023 liên quan đến việc hợp đồng cung cấp, thi công lắp đặt hạng mục mặt dựng khu phức hợp khách sạn và casino tại dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (dự án Hoiana), Chủ tịch UBND tỉnh chuyển Sở Kế hoạch và Đầu tư nội dung công văn của Eurowindow để giải quyết theo thẩm quyền.
Trong công văn của Eurowindow gửi UBND tỉnh ngày 11/07 cho hay, năm 2018, Công ty là nhà thầu phụ được Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An (chủ đầu tư dự án Hoiana) chỉ định ký kết hợp đồng cung cấp, thi công lắp đặt hạng mục mặt dựng phức hợp khách sạn và casino tại dự án Hoiana với hai nhà thầu chính là CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) và CTCP Xây dựng số 1 (Cofico, CFC).
Năm 2019, Eurowindow đã hoàn thành hầu hết hạng mục công việc, nhưng do đại dịch COVID-19, đến đầu năm 2022, Eurowindow hoàn thành toàn bộ phạm vi công việc và bàn giao sản phẩm tại dự án, đưa vào sử dụng, khai thác vận hành (theo biên bản bàn giao). Eurowindow cho hay Công ty đã gửi đến chủ đầu tư và các nhà thầu chính đầy đủ hồ sơ thanh toán hợp lệ của hợp đồng thầu phụ.
Tuy nhiên, sau nhiều lần liên hệ và gửi yêu cầu thanh toán, đến nay, nhà thầu chính vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng cho Eurowindow với lý do chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ thanh toán, nên nhà thầu chính chưa thể thanh toán cho Eurowindow do quy định hình thức thanh toán của hợp đồng là “back to back” và “pay when paid”.
Eurowindow cho rằng việc kéo dài thời gian thanh toán đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính các nhà thầu phụ nói chung, trong đó có Công ty và những người lao động tham gia sản xuất, lắp đặt tại dự án.
Đại dịch COVID-19 đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty ảnh hưởng nhiều, đặc biệt là số lượng khách hàng bị sụt giảm nghiêm trọng, tiến độ sản xuất bị đình trệ do hoạt động xuất nhập khẩu khó khăn… Tiếp đến là tình hình thị trường bất động sản biến động, đóng băng như hiện nay càng nhân thêm những khó khăn chồng chất, công văn của Eurowindow cho biết.
“Số tiền mà Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An (HASD) đang cố tình chây ỳ không thanh toán là một khoản tiền rất lớn đối với Eurowindow tại thời điểm này”, trích công văn của Eurowindow.
Công ty cũng cho rằng sự việc đã làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Theo Eurowindow, HASD được đầu tư bởi VinaCapital và Tập đoàn Gold Yeild Enterpises, là đơn vị hoạt động mạnh trong lĩnh vực bất động sản và du lịch nghỉ dưỡng. HASD đã triển khai nhiều dự án lớn về du lịch nghỉ dưỡng tại Quảng Nam với số vốn lên tới nhiều tỷ USD.
Eurowindow cho rằng chủ đầu tư đang viện dẫn những lý do không có đủ tính thuyết phục để cố tình chây ỳ, trốn tránh trách nhiệm trả nợ cho doanh nghiệp Việt Nam. “Đó là điều không thể chấp nhận được!”, công văn nhấn mạnh.
Theo đó, Eurowindow mong UBND tỉnh xem xét sự việc và những thiệt hại mà Công ty đang gánh chịu. Công văn của Eurowindow do Tổng Giám đốc Nguyễn Cảnh Hồng ký.
Được biết trước đó, ngày 24/07, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu các Sở ngành cùng chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các hồ sơ quy hoạch liên quan và triển khai hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An. Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư không được kinh doanh nhà ở trong dự án.
Bị yêu cầu mở thủ tục phá sản
Trước đó, ngày 24/07, Coteccons cho biết đã nhận được thông báo của Tòa án Nhân dân TP.HCM về việc thụ lý yêu cầu mở thủ tục phá sản của CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons.
Việc nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản đối với Coteccons là kết quả của khoản công nợ quá hạn đã được Coteccons thừa nhận nhưng kéo dài nhiều năm không thanh toán.
“Ricons đã cân nhắc phương án tối ưu nhất để thu hồi công nợ và đã chủ động gửi nhiều công văn đến Coteccons đề xuất phương án giải quyết. Trong quá trình đó, cũng đã thông báo và cập nhật cho Coteccons về việc Ricons đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với mong muốn giải quyết trước khi Tòa án thụ lý đơn, nhằm tránh hậu quả bất lợi có thể xảy ra. Nhưng rất tiếc, chúng tôi đã không nhận được phản hồi thiện chí từ Coteccons”, theo thông báo mới nhất của Ricons ngày 29/7.
Việc Ricons yêu cầu thanh toán công nợ và nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được thực hiện theo trình tự, thủ tục của pháp luật trong suốt một thời gian dài. Đến ngày 4/7/2023, Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu của Ricons.
Liên quan đến sự việc tranh chấp hợp đồng kinh tế với Ricons, CTD khẳng định là có phát sinh các giao dịch bao gồm các khoản phải thu và khoản phải trả (gọi tắt là công nợ) giữa hai Công ty.
Nguyên nhân công nợ phát sinh bắt đầu từ giai đoạn trước năm 2019, CTD và Ricons chịu sự điều hành và xác định như là những thành phần đóng góp cho một hệ sinh thái gồm 7 công ty thành viên có sự liên kết lẫn nhau, bao gồm: Coteccons, Unicons, Ricons, Newtecons, BM Windows, Sol E&C và Boho.
Trong quá trình hoạt động trong một hệ sinh thái, một số dự án Ricons làm tổng thầu xây dựng phát sinh những giao dịch bên liên quan đến CTD với vai trò là nhà thầu phụ tại dự án như: Dự án Regina Hưng Yên, thiết kế dự án Đông Á, dự án Golden Palace và một số giao dịch cho thuê thiết bị giữa hai công ty. Những công nợ phát sinh hiện nay vẫn chưa được quyết toán xong do vướng mắc về vấn đề xác định giá trị công nợ kèm theo những chứng từ đạt đủ điều kiện về pháp lý.
Tương tự, một số dự án CTD làm tổng thầu có phát sinh những công nợ cho Ricons với vai trò là nhà thầu phụ cũng chưa được quyết toán xong như: Dự án Newtaco, dự án Regina giai đoạn 4, nhà xưởng Regina Miracle, Regina giai đoạn 6, dự án Regina Hưng Yên, dự án nhà máy Vinfast, dự án Simco.
Trên đây là những nguyên nhân dẫn đến những tranh chấp về hợp đồng kinh tế giữa hai công ty. CTD đã nhiều lần yêu cầu các cuộc họp trực tiếp và văn bản nhưng Ricons không cung cấp được chứng từ pháp lý theo giá trị công nợ yêu cầu.
CTD cho biết đang trong quá trình đấu thầu những dự án rất quan trọng, có tầm ảnh hưởng và tạo ra giá trị cho đất nước. Mặc dù có tranh chấp công nợ hợp đồng kinh tế sẽ được sớm giải quyết theo tinh thần thiện chí tại các trung tâm trọng tài nhưng Ricons thiếu sự hợp tác và đã gửi đơn kiện lên Toà án với tuyên bố yêu cầu phá sản. Đây là một hành động mà CTD cho rằng không phải ngẫu nhiên lại được thúc đẩy để diễn ra vào thời điểm này.
Do đó, CTD đề nghị nhà thầu xây dựng Ricons có tinh thần hợp tác, nhanh chóng cung cấp những chứng từ đạt đủ điều kiện về pháp lý và xác định giá trị công nợ phát sinh giữa hai bên để không ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu của Công ty.
Coteccons bất ngờ báo lãi cao kỷ lục
Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023 với doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 3.618 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Trừ giá vốn, lãi gộp doanh nghiệp giảm 53% còn 101 tỷ đồng, biên lãi gộp cũng giảm từ 7% cùng kỳ xuống còn 3%.
Doanh thu tài chính trong kỳ đạt hơn 94 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ; phần lớn giảm là do lãi từ cho vay và đầu tư trái phiếu giảm. Chi phí tài chính đồng thời giảm đáng kể, trong đó Công ty giảm việc ghi nhận dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh.
Trong kỳ, doanh nghiệp không phát sinh khoản lãi thanh lý công ty con kỳ này, cùng kỳ ghi nhận hơn 70 tỷ đồng. Khấu trừ các chi phí, Coteccons lãi ròng hơn 30 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm trước lỗ ròng gần 24 tỷ đồng. Đây cũng là quý có lãi cao nhất kể từ quý 3/2021. Trước đó, vào Quý 1/2023, Coteccons lỗ hơn 23,8 tỷ đồng.
Coteccons cho biết, Công ty đang thực hiện tái cấu trúc, qua đó góp phần tối ưu hóa chi phí quản lý doanh nghiệp, giảm 240 tỷ đồng so cùng kỳ. Ngoài ra, Coteccons có khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi giảm 195 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, CTD đạt gần 6.749 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 30% so cùng kỳ. Lãi ròng hơn 52 tỷ đồng, gấp gần 10 lần cùng kỳ.
Tính đến thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản Công ty ở mức 21.375 tỷ đồng, tăng 13% so đầu năm. Trong đó, CTD nắm giữ gần 1.883 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, tăng tới 77%; đáng chú ý, tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng tăng từ 429 tỷ đồng đầu năm lên 1.251 tỷ đồng.
Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn 2.180 tỷ đồng và các khoản phải thu ngắn hạn, tăng lần lượt 23% và 8% so đầu năm.
Tổng nợ phải trả hơn 13.103 tỷ đồng, tăng 22% so đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 697 tỷ đồng; khoản vay tài chính dài hạn gần 498 tỷ đồng.
Trung Anh (t/h)