Công ty Phước Tân: Tự ý san lấp trái phép khi chưa được giao đất
Theo phản ánh của người dân khu vực Khu phố Đồng (phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã diễn ra tình trạng san lấp trái phép trên đất nông nghiệp với quy mô lớn.
Theo đó, tháng 2/2023, phường Phước Tân đã tiến kiểm tra hiện trạng tại vị trí thửa đất 223 tờ 108 Khu phố Tân Mai phát hiện Công ty Cổ phần thương mại xây dựng Phước Tân (Công ty Phước Tân - trực thuộc Tổng Công ty Tín Nghĩa) đang tiến hành san lấp cải tạo mặt bằng với việc đổ đất đá cao khoảng 1m trên diện tích khoảng 5.000m2. Tại thời điểm kiểm tra, UBND phường ghi nhận chủ sử dụng đất đang tiến hành san lấp cải tạo mặt bằng nên đã tiến hành đình chỉ thi công việc san lấp mặt bằng nêu trên và mời các bên liên quan lên làm việc.
Vị trí thửa đất phường kiểm tra trên thuộc quy hoạch dự án Khu dân cư Núi Dòng Dài do Công ty Phước Tân làm chủ đầu tư nhưng đã có nhiều sai phạm mà Thanh tra Chính phủ từng nhắc tới trong Kết luận Thanh tra số 1739/ KL-TTCP ngày 30/9/2021.
Giá đền bù đất không thỏa đáng
Dự án Khu dân cư Núi Dòng Dài có quy mô 156,53ha được đầu tư từ năm 2015 kể từ khi UBND tỉnh Đồng Nai đã có Quyết định số 2952 về việc chấp thuận chủ trương đầu tư (giai đoạn 1, khoảng 35,92ha). Trải qua hàng chục năm, nhưng tính đến thời điểm tháng 12/2022, dự án này mới được UBND tỉnh Đồng Nai ban hành 5 quyết định giao đất với tổng diện tích được giao khoảng 22,8ha.
Tuy nhiên, có tới 2/5 đợt giao đất đã bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra có nhiều điểm sai phạm. Cụ thể, theo Kết luận Thanh tra số 1739/ KL-TTCP ngày 30/9/2021 nêu rõ “Dự án Khu dân cư tại Núi Dòng Dài, xã Phước Tân, thành phố Biên Hòa do Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Phước Tân làm chủ đầu tư: Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Đồng Nai không tính yếu tố khả năng kết nối trong tương lai với tuyến đường giao thông đang được đầu tư xây dựng theo kết quả tư vấn xác định giá đất (áp dụng phương pháp so sánh trực tiếp) đối với diện tích giao đất đợt 1 và đợt 2”.
Theo quy hoạch đường giao thông đang được đầu tư là đường Phước Tân - Long Hưng có chiều rộng lên đến 60m nên việc xác định giá đất áp giá cho doanh nghiệp này đã giảm từ 1.388.000 đồng/m2, xuống còn 1.157.000 đồng/m2, giảm 231.000 đồng/m2, là chưa phù hợp.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện dự án vẫn đang vướng đến bù giải tỏa vì mức giá chủ đầu tư đưa ra quá thấp nên nhiều người dân, doanh nghiệp vẫn đang kiên quyết giữ đất.
Có mặt tại dự án, phóng viên tiếp xúc với bà Võ Thị Kim Tuyền (sinh năm 1968, ngụ khu phố Đồng, phường Phước Tân) cho biết bà vẫn còn nhà và khoảng 2.000m2 đất nằm trong quy hoạch tại dự án, nhưng mức giá đền bù chỉ khoảng 1,6 triệu đồng/m2 nên bà không đồng ý. Chỉ sang các dự án của Novanland, Nam Long, Cường Hưng… làm chủ đầu tư, bà Tuyền cho biết: “Họ đền bù rẻ bèo, chỉ khoảng 1,6 tỷ đồng/công (1.000m2). Công ty cứ gạ tôi bán nhưng tôi không chịu. Giá bán một nền nhà phố, biệt thự tại các dự án trên đã lên tới hàng trăm triệu đồng/m2 mà mức giá đền bù cho chúng tôi bèo bọt như vậy làm sao mua chỗ nào mà sống?”.
Doanh nghiệp có đất trong dự án cũng bị chèn ép
Trong đơn kêu cứu khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ, đại diện Chi nhánh Công ty TNHH thương mại dịch vụ và kinh doanh nhà Vĩnh Lộc (Công ty Vĩnh Lộc) trình bày: Năm 2000, Công ty Vĩnh Lộc đã có kế hoạch đầu tư dự án nghỉ dưỡng chữa bệnh và du lịch sinh thái tại khu vực này nên đã tự đền bù đất cho dân với diện tích gần 30ha. Mặc dù đã nhiều lần xin phép đầu tư dự án nhưng Công ty Vĩnh Lộc vẫn chưa được tỉnh Đồng Nai chấp thuận thì nhận được thông tin khu đất nằm trong địa điểm đầu tư dự án nhà ở của Công ty Phước Tân. Khi có được chủ trương này, Công ty Phước Tân đã cấm những người có ruộng đất tại đây không được giao dịch với bên ngoài, ngăn cản các hoạt động sản xuất kinh doanh. Chủ đầu tư đã đưa ra giá đền bù thấp hơn giá thị trường, gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp.
“Năm 2019, Công ty Tín Nghĩa (Công ty mẹ của Công ty Phước Tân) có mời đại diện Công ty chúng tôi đến thương lượng đền bù và cho giá đền bù thấp hơn giá thị trường nhưng ở thế “đường cùng” nên buộc chúng tôi phải chấp nhận. Tuy nhiên khi nhận tiền đền bù thì Công ty Tín Nghĩa không thực hiện đúng cam kết và gây nhiều khó khăn nên không thực hiện được. Ngang ngược hơn chủ đầu tư tự ý lấy hơn 1ha đất của chúng tôi san lấp, phân lô bán nền mà chưa hề có thương lượng hay đền bù cho chúng tôi”, đơn kêu cứu của đại diện Công ty Vĩnh Lộc nêu.
Do chưa được thỏa thuận đền bù xong và nhiều vị trí chưa được chính quyền giao đất nhưng suốt thời gian dài Công ty Phước Tân vẫn ngan nghiên san lấp trên đất nông nghiệp dưới hình thức “cải tạo đất”. Việc san lấp đã hình thành nên một số tuyến đường nội bộ trong dự án và làm biến mất nhiều dòng chảy tự nhiên. Để ngăn chặn việc san lấp vào những phần đất chưa thỏa thuận, đền bù người dân và công nhân Công ty Vĩnh Lộc đã cắm cờ, dựng chòi lá để giữ đất. Nhưng những biện pháp giữ đất của họ trở nên mỏng manh trước sức mạnh của những cỗ xe cơ giới chở đất cứ lùi lũi tiến vào dự án để trút xuống hàng chục khối đất đá theo lệnh của chủ đầu tư.
Mặc dù việc san lấp hiện nay đã tạm dừng, nhưng người dân vẫn thấp thỏm lo âu vì không biết đất của mình có thể bị mất bất cứ lúc nào với cách mà Công ty Phước Tân đã làm thời gian qua.
Phi Long – Ngọc Quỳnh