Cổ phiếu ngành Thép kỳ vọng ‘lực kéo’ đầu tư công
Động lực tăng trưởng kinh tế như tiêu dùng, xuất nhập khẩu, đầu tư tư nhân... chững lại, đầu tư công được coi là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới, đây được cho là cơ hội với cổ phiếu nhóm doanh nghiệp vật liệu xây dựng như thép...
Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhu cầu thép yếu tại hầu hết khu vực trên thế giới và tâm lý tiêu cực đã tác động đến giá bán thép thành phẩm. Xu hướng giảm giá thép trên phạm vi toàn cầu càng được củng cố thêm khi các doanh nghiệp thép Trung Quốc đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu với tốc độ giá giảm nhanh để cạnh tranh.
Tính từ đầu năm đến nay, giá thép xây dựng đã có 12-13 đợt giảm liên tiếp, hiện thép CB240 ở mức 13,74-14,48 triệu đồng/tấn; còn D10 CB300 khoảng 14,06-15,1 triệu đồng/tấn.
Số liệu từ VSA, cho thấy sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 6 đạt 738.196 tấn, giảm 9% so với tháng trước và giảm 20% so với tháng 6/2022. Lượng bán hàng đạt 874.441 tấn giảm 6% so với tháng trước và giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó xuất khẩu thép xây dựng đạt 149.623 tấn, giảm 21,5%.
“Đây là tình hình khó khăn chung của toàn ngành thép khi giá liên tục giảm từ đầu quý II cho tới nay, nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu thấp khiến các doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất", đại diện VSA cho hay.
Bất chấp những khó khăn trên, các chuyên gia vẫn kỳ vọng sự phục hồi của bất động sản trong giai đoạn từ nay đến cuối năm. Đặc biệt, việc tăng tốc độ giải ngân cho các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, thì cơ hội phục hồi cho nhóm ngành vật liệu xây dựng như thép là hoàn toàn có triển vọng.
Chia sẻ với phóng viên Thương Trường, ông Thái Khắc Đức, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư của Công ty Chứng khoán VPS, cho rằng: “Nhìn ở góc độ vĩ mô, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, công xưởng lớn nhất của thế giới là Trung Quốc mở cửa trở lại sau chính sách Zero covid. Điều này sẽ giúp cho kỳ vọng lợi nhuận từ việc xuất khẩu thép ra nước ngoài được cải thiện từ quý 2. Trong khi đó, ở trong nước, Chính phủ đang thực hiện đẩy mạnh đầu tư công, do đó nhu cầu sử dụng thép cũng sẽ tăng lên đáng kể.
Cũng theo ông Đức, giá thép đang hồi phục trở lại sau khi sụt giảm đến hơn 40% từ khi tạo đỉnh vào tháng 10/2021. Tốc độ hồi phục này sẽ duy trì và tăng dần vào giai đoạn cuối năm theo nhu cầu chung của toàn thế giới, điều này đang cho thấy những tia hy vọng mới cho nhóm ngành thép trong giai đoạn từ nay đến cuối năm.
Thục tế, hầu hết các doanh nghiệp thép hàng đầu ở Việt Nam như: Hòa Phát (mã HPG), Hoa Sen (mã HSG), Nam Kim (NKG) đều có lợi nhuận ròng và đã dương trở lại vào quý 1/2023 sau 2 quý liên tiếp bị âm trước đó.
“Việc giá thép hồi phục trở lại sẽ giúp các doanh nghiệp về thép sau giai đoạn đánh giá lại giá trị hàng tồn kho cũng như dự phòng giảm giá hàng tồn kho trong BCTC quý II được hưởng lợi trực tiếp. Từ đó gia tăng tài sản công ty”, ông Đức chia sẻ.
Mặc dù nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng vẫn có những điểm sáng riêng. Cụ thể, để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận dòng vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành hạ lãi suất lần thứ tư liên tiếp. Chi phí tín dụng giảm sẽ là yếu tố hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép trong nước, góp phần cải thiện lợi nhuận trước thuế.
Chính phủ cũng liên tục điều hành một cách quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đốc thúc Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh điều kiện cho vay thuận lợi hơn, tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay.
Thông tin từ Bộ Tài chính mới đây, cho thấy giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 215.578,9 tỷ đồng, tương đương 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tính riêng trong tháng 6/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tăng trên 8%, cao hơn gần gấp đôi tốc độ giải ngân bình quân những tháng trước của năm 2023.
Ông Thái Khắc Đức, cho rằng sắt thép là loại nguyên vật liệu quan trọng với các công trình xây dựng, công trình cao tốc. Trong bối cảnh đó, việc giá sắt duy trì ở vùng giá hợp lý như hiện nay sẽ góp phần làm giảm bớt sức ép chi phí đối với các doanh nghiệp. Ngoài ra, sự tăng trưởng của các hoạt động đầu tư công và cơ sở hạ tầng cũng sẽ góp phần giải quyết bài toán đầu ra và tạo điều kiện thuận lợi để ngành sắt thép trong nước tăng trưởng.
Đại diện Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cũng cho rằng tình hình sản xuất và tiêu thụ thép nội địa trong tháng 5 đã có sự cải thiện so với tháng 4. Những khó khăn được kỳ vọng sẽ giảm bớt trong giai đoạn cuối năm, đặc biệt là vào quý IV, bởi đây là giai đoạn nhu cầu tăng cao khi các công trình xây dựng gấp rút đẩy nhanh tiến độ.
Việt Nam cũng đang trong thời kỳ chuyển đổi để hướng đến nền kinh tế có thu nhập cao và phát triển cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng. Do đó, đầu tư công gia tăng đối với các dự án cơ sở hạ tầng sẽ là 'lực kéo' giúp thị trường sắt thép nội địa vượt khó trong giai đoạn cuối năm.
"Rủi ro về địa chính trị, căng thẳng leo thang cũng đang là một trong các yếu tố đáng chú ý nhất trong giai đoạn hiện nay, điều này kìm hãm sự phát triển cũng như nhu cầu tiêu thụ thép. Ngoài ra, tỷ giá cũng là điều đáng quan tâm khi các doanh nghiệp sản xuất thép ở Việt Nam đều có xuất khẩu qua các thị trường nước ngoài", ông Thái Khắc Đức lưu ý.
Thái Đạt