Cổ phiếu ASG, FRT và SIP bị cắt margin
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa công bố thêm 3 cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.
HOSE cho biết cổ phiếu ASG của CTCP Tập đoàn ASG không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2023 là số âm.
Theo BCTC đã công bố, nửa đầu năm 2023, Tập đoàn ASG ghi nhận lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là âm 2,69 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 99,23 tỷ đồng.
Lãnh đạo ASG cho biết, so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2023 của công ty tăng 156,5 tỷ đồng, lợi nhuận gộp giảm 32,2 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tài chính giảm 46,9 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng 2,7 tỷ đồng, phần lãi trong công ty liên kết giảm 16,3 tỷ đồng, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 1,9 tỷ đồng, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 5 tỷ đồng.
Cổ phiếu FRT của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) cũng nằm trong danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ với lý do tương tự là lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2023 là số âm.
Tại báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2023, FRT cũng ghi nhận lợi nhuận âm 213 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 216 tỷ đồng.
Giải trình về nguyên nhân kinh doanh thua lỗ trong nửa đầu năm 2023, lãnh đạo FRT cho biết, mặc dù trong kỳ công ty con là Công ty cổ phần Dược phẩm Long Châu (FPT Long Châu) mở mới 565 cửa hàng so với cuối quý II/2022, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng doanh thu hợp nhất toàn công ty, nhưng lợi nhuận của Long Châu chưa đủ lớn để bù đắp phần lỗ đến từ mảng ICT của công ty mẹ.
Riêng đối với trường hợp cổ phiếu SIP của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG, cổ phiếu không được cấp margin do thời gian niêm yết dưới 6 tháng (mới chào sàn HOSE ngày 8/8).
Trước đó, HOSE đã công bố danh sách 76 mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trong quý 3/2023, tăng thêm 2 mã so với danh sách mà HOSE công bố hồi đầu quý 2/2023.
Các cổ phiếu ABS, APC, AST, BCE, CIG, DXV, EVG, FDC, GMC, HVN, ITA, LDG, OGC, POM, PPC, PVP, SCD, SJF, TDH, TGG, TTF, VCA, VNL, HAG, HNG,... bị cắt margin do nằm trong diện cảnh báo hoặc kiểm soát. Trong đó, cổ phiếu VDS của Chứng khoán Rồng Việt là cổ phiếu công ty chứng khoán duy nhất bị cắt margin do cổ phiếu thuộc diện cảnh báo.
Các cổ phiếu đang trong diện hạn chế giao dịch như HBC (Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình), HPX (Đầu tư Hải Phát), IBC (Đầu tư Apax Holdings),… cũng không thể giao dịch ký quỹ
Đáng chú ý, nhiều mã cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ trong quý III do kết quả kinh doanh năm 2022 lao dốc, có thể kể tới như
Các mã SMC, NKG, PSH, PVD, HAR, APH, DTL, HII, HSG,... bị cắt margin do lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ hoặc lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính kiểm toán là số âm.
Một loạt chứng chỉ quỹ FUEKIV30, FUEKIVFS, FUEIP100, FUEDCMID, FUCVREIT, FUCTVGF3, FUEMAVND, FUEFCV50,… bị cắt margin do giá trị tài sản ròng (NAV) tính trên một đơn vị chứng chỉ quỹ nhỏ hơn mệnh giá căn cứ trên báo cáo thay đổi giá trị tài sản ròng hàng tháng xét trong ba tháng liên tiếp.
Cổ phiếu TTB (CTCP Tập đoàn Tiến Bộ), EMC (CTCP Cơ điện Thủ Đức), cổ phiếu AMD (CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone) và cổ phiếu GAB (CTCP Đầu tư Khai khoáng và Quản lý tài sản FLC) bị đình chỉ giao dịch hay hủy niêm yết cũng bị cắt margin trong quý 3.
Theo quy định, nhà đầu tư sẽ không được sử dụng hạn mức tín dụng do công ty chứng khoán môi giới cấp để mua 76 cổ phiếu trong danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trong quý 3.
Trung Anh