Hai cổ phiếu bất động sản bị loại khỏi rổ 30 mã vốn hóa lớn nhất thị trường
Vào chiều 17/7, Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh đã loại cổ phiếu NVL và PDR ra khỏi rổ 30 mã vốn hoá lớn nhất thị trường, thay bằng hai mã ngân hàng là SHB và SSB.
NVL và PDR rời khỏi rổ 30
Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, Cổ phiếu của Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland) tăng 6% trong nửa đầu năm, nhưng bị đưa vào diện cảnh báo từ tháng 4 do chậm nộp báo cáo tài chính nên không đáp ứng tiêu chí để ở lại trong rổ VN30.
Trước đó, trong quý I/2023, Novaland ghi nhận kết quả kinh doanh “kém vui” khi lỗ sau thuế lên tới 410 tỷ đồng. Đây cũng là quý đầu tiên Novaland thua lỗ kể từ khi doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán năm 2016 đến nay.
Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của tập đoàn địa ốc này đạt hơn 256.194 tỷ đồng, tương đương với cuối năm ngoái. Trong đó, giá trị hàng tồn kho ghi nhận gần 137.000 tỷ đồng và 91% tổng hàng tồn kho là giá trị quỹ đất cùng các dự án đang xây dựng, phần còn lại là bất động sản đã xây dựng hoàn thành và hàng hóa bất động sản, bất động sản đã hoàn thiện chờ bàn giao cho khách hàng. Theo đó, dư nợ hợp nhất của Novaland tại ngày 31/3/2023 chỉ còn 62.700 tỷ đồng, giảm 9.000 tỷ đồng so với thời điểm 30/9/2022.
Bên cạnh cổ phiếu NVL, cổ phiếu PDR của Công ty Cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt là cổ phiếu bất động sản bị loại khỏi rổ 30 mã vốn hóa lớn nhất thị trường. Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh cho biết cổ phiếu PDR có thị giá tăng hơn 12% nhưng vốn hoá hiện nằm ngoài nhóm 40 mã đứng đầu nên cũng bị loại.
Trước đó, Công ty Cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 với kết quả kinh doanh không khả quan. Cụ thể, quý I/2023, doanh thu thuần của PDR chỉ đạt 192 tỷ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 172 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ. Trong quý, doanh thu tài chính chỉ vỏn vẹn 2,5 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính lên tới 96 tỷ đồng.
Trong quý, PDR tích cực trả nợ gốc vay tới 1.003 tỷ đồng, tăng 133 lần so với cùng kỳ. Tính tới thời điểm ngày 31/3/2023, tổng tài sản của PDR đạt 21.759 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm. PDR giải thích kết quả yếu kém của quý I/2023 là do tình hình khó khăn chung của thị trường khiến việc đầu tư kinh doanh các dự án bất động sản không thuận lợi, bên cạnh đó việc tái cơ cấu danh mục đầu tư của công ty cũng là điều làm ảnh hưởng.
Cổ phiếu nào sẽ “thế chân” NVL và PDR trong rổ 30?
Sau thông tin cổ phiếu Novaland (NVL) do ông Bùi Thành Nhơn làm Chủ tịch và Bất động sản Phát Đạt (PDR) bị đưa ra khỏi rổ VN30, hai mã ngân hàng gồm SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (do ông Đỗ Quang Hiển làm Chủ tịch) và SSB của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á - SeABank (do bà Nguyễn Thị Nga làm Phó chủ tịch) đã thay thế NVL và PDR trong rổ VN30.
Sự góp mặt của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Ngân hàng Đông Nam Á (SSB) đã nâng số lượng cổ phiếu ngân hàng trong rổ VN30 lên 13 mã, bên cạnh ACB, BID, CTG, HDB, MBB, STB, TCB, TPB, VCB, VIB và VPB. Ngoài ra, HOSE cũng công bố danh mục cổ phiếu dự phòng gồm Eximbank (EIB), Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), REE, Hòa Chất Đức Giang (DGC), Ngân hàng Hàng Hải (MSB), danh mục mới sẽ có hiệu lực từ ngày 7/8.
Chỉ số VN30 được HOSE bắt đầu sử dụng từ đầu tháng 2/2012, bao gồm 30 cổ phiếu có giá trị vốn hoá và thanh khoản cao nhất thị trường. HoSE chọn 50 cổ phiếu có giá trị vốn hóa thị trường bình quân hàng ngày trong 6 tháng cao nhất, loại trừ các cổ phiếu bị cảnh cáo, kiểm soát, tạm ngừng giao dịch hoặc có thời gian niêm yết dưới 6 tháng, sau đó loại bỏ các cổ phiếu có tỷ lệ lưu hành tự do dưới 5%, trong đó 20 cổ phiếu đầu tiên sẽ được chọn vào VN30.
Lê Trang