Cổ đông ngân hàng 'bội thu' chục nghìn tỷ cổ tức tiền tươi
Năm nay, cổ đông các ngân hàng lại có một năm bội thu cổ tức bằng tiền mặt. Việc được trả cổ tức bằng tiền mặt là niềm vui cho các cổ đông khi được nhận "tiền tươi thóc thật".
Nhà băng ồ ạt công bố kế hoạch chia cổ tức tiền mặt
Trong năm 2024, các nhà băng ồ ạt công bố kế hoạch chia cổ tức bằng cả cổ phiếu và tiền mặt ở mức cao. Nhiều ngân hàng sau nhiều năm không chia cổ tức tiền mặt nay cũng thay đổi phương thức.
Nếu như trong những năm trước, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu là phổ biến thì năm nay nhiều ngân hàng lựa chọn việc chia cổ tức bằng tiền mặt. Tuy nhiên, đa phần ngân hàng chọn phương thức chia cổ tức kết hợp cả tiền mặt và cổ phiếu.
Danh sách ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt năm nay tăng đáng kể. Thống kê từ mùa đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 cho thấy, trong năm nay, có khoảng 10 ngân hàng đã công bố kế hoạch chi trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ khá cao.
Cụ thể, SHB mới đây công bố nghị quyết của HĐQT phê duyệt ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận được 500 đồng) là 19/7/2024. Số tiền ngân hàng này dùng để trả cổ tức bằng tiền mặt là 1.831 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên sau hơn 10 năm, SHB thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông.
Ngoài ra, SHB cũng thực hiện kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 11%, tương ứng số tiền để thực hiện là 4.028 tỷ đồng.
Tương tự, HDBank cũng mới thông qua nghị quyết chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 30%, gồm 10% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu.
Với phương án chia cổ tức bằng tiền mặt, ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền nhận cổ tức là 15/7/2024. Với 2,9 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính HDBank cần chi ra khoảng 2.900 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này.
Trong tháng 7, TPBank đã tiến hành chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 5% với tổng số tiền bỏ ra là hơn 1.100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, kế hoạch chi trả cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 20% của ngân hàng này đã được NHNN chấp thuận.
Trước đó, trong 2 quý đầu năm nay, các nhà băng lớn như MB, Techcombank, ACB, VIB hay VPBank đã tiến hành chia cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông.
Trong tháng 6, cổ đông ACB đã được trả cổ tức bằng tiền theo tỷ lệ 10%. Với gần 3,9 tỷ cổ phiếu lưu hành, ước tính ACB phải chi ra 3.884 tỷ đồng để trả cổ tức.
Ngoài ra, ACB cũng chi 15% trả bằng cổ phiếu. Tổng số tiền để ACB trả cổ tức bằng cổ phiếu và tiền mặt cho cổ đông trong năm nay là 9.710 tỷ đồng.
Cũng trong tháng 6, MB đã hoàn tất việc chi trả cổ tức tiền mặt theo tỷ lệ 5% cho cổ đông, tương ứng hơn 2.653 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp, MB trả cổ tức bằng tiền mặt.
VPBank cũng mới hoàn tất việc chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 10%. Số tiền mà VPBank sử dụng để chia cổ tức trong đợt này là 7.934 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp, VPBank thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt.
Techcombank cũng dành hơn 5.000 tỷ đồng chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% cho cổ đông. Techcombank đang là ngân hàng có kế hoạch trả cổ tức tiền mặt cao nhất trong năm 2024. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên Techcombank chia cổ tức tiền mặt sau hơn 10 năm.
Các cổ đông của Eximbank cũng lần đầu nhận được cổ tức tiền mặt sau 10 năm. Cuối tháng 5, HĐQT Eximbank đã công bố nghị quyết về việc triển khai phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 3% và phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 7%.
Năm nay, VIB có kế hoạch chia cổ tức với tỷ lệ 29,5%, mức chia cổ tức bằng tiền mặt tối đa là 12,5%, chia cổ tức bằng cổ phiếu là 17%. Ngân hàng này đã hoàn tất hai đợt chi trả cổ tức tiền mặt trong quý I và quý II.
"Tiền mặt vẫn là vua"
Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, nhiều ngân hàng thường lên kế hoạch chia cổ tức 2 phần tiền mặt và cổ phiếu. Nhưng các năm 2020-2022, theo chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng phải dành nguồn lực giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nên các ngân hàng không chia cổ tức tiền mặt.
Đến đầu năm 2023, khi ban hành Chỉ thị số 01 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng, NHNN không còn yêu cầu các ngân hàng thương mại không chia cổ tức bằng tiền mặt.
Trên thực tế, hầu hết nhà đầu tư đều thích được nhận cổ tức bằng tiền mặt hơn vì “tiền tươi thóc thật” bao giờ cũng tốt hơn.
Theo chia sẻ của nhiều nhà đầu tư, trả cổ tức bằng tiền mặt mang lại cảm giác chắc chắn cho cổ đông khi tìm kiếm lợi nhuận trong đầu tư cổ phiếu. Việc nhà băng trả cổ tức bằng tiền cũng cho thấy họ có dòng tiền vững mạnh, là lựa chọn an toàn khi đầu tư.
Một chuyên gia kinh tế nhận xét: "Trong nền kinh tế, về cơ bản, có sẵn tiền mặt vẫn là vua”.
Tuy nhiên, phương án nào cũng có 2 mặt. Theo quy định hiện hành, cổ tức bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu đều phải nộp 5% thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, giá cổ phiếu trên thị trường cũng sẽ bị điều chỉnh tương ứng với số cổ tức mà ngân hàng chi trả trên mỗi cổ phiếu.
Nhiều chuyên gia cho biết, chi trả cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu còn tùy vào chiến lược của từng ngân hàng nhưng chủ yếu dựa vào kết quả kinh doanh.
Theo giới phân tích, trong bối cảnh thị trường chứng khoán khó bứt phá như trước, tỷ lệ trả cổ tức cao từ các ngân hàng được coi là “cú hích” kéo nhà đầu tư trở lại với thị trường, lấy lại vị thế của cổ phiếu “vua”. Song ngân hàng cũng nên tiếp tục có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu xen kẽ cùng tiền mặt để tăng khả năng đáp ứng vốn cũng như năng lực tài chính.
Minh Dũng