Không hoàn thành kế hoạch năm 2023, Đạm Phú Mỹ (DPM) muốn hạ cổ tức tiền mặt
Năm 2023, Đạm Phú Mỹ đã không hoàn thành kế hoạch khi “bốc hơi” hơn 90% lợi nhuận sau thuế, đây cũng là năm lãi ròng ở mức thấp nhất kể từ năm 2019. Do đó, công ty muốn giảm tỷ lệ cổ tức tiền mặt từ 40% về 20%.
Muốn hạ cổ tức tiền mặt
Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ - Mã: DPM) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024, đại hội dự kiến diễn ra ngày 29/3 tại hội trường công ty thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Năm 2024, Đạm Phú Mỹ đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất là 12.755 tỷ đồng, giảm 9% so với thực hiện năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế là 660 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 542 tỷ, tăng 2%. Công ty dự kiến nộp ngân sách nhà nước 263 tỷ đồng.
Đối với kế hoạch sản lượng sản xuất, Đạm Phú Mỹ dự kiến sản xuất 850.000 tấn Urea và 143.100 tấn NPK. Về sản lượng bán hàng, doanh nghiệp dự kiến bán 870.000 tấn Urea và 143.200 tấn NPK.
Về kế hoạch vốn đầu tư năm 2024, Đạm Phú Mỹ cần hơn 666 tỷ đồng cho vốn đầu tư, trong đó 443 tỷ đồng là mua sắm tài sản, trang thiết bị và 223 tỷ là đầu tư xây dựng cơ bản. Doanh nghiệp dự kiến sử dụng vốn chủ sở hữu, không đi vay thêm.
Kết quả kinh doanh năm 2023, Đạm Phú Mỹ ghi nhận “bốc hơi” hơn 90% lợi nhuận sau thuế trong năm 2023, đây cũng là năm lãi ròng ở mức thấp nhất kể từ năm 2019.
Cụ thể, theo BCTC hợp nhất của doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế của Đạm Phú Mỹ trong năm 2023 là 543 tỷ đồng, “bốc hơi” 90,28% so với năm trước (5.584 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ năm 2023 là 532 tỷ đồng, giảm 90,43% so với năm trước.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Đạm Phú Mỹ là 13.322 tỷ đồng, giảm 24,73% so với đầu năm (tương ứng giảm hơn 4.376 tỷ đồng). Trong đó, tài sản ngắn hạn là 9.594 tỷ đồng, giảm 29,34% (tương ứng gần 4.000 tỷ đồng). Tiền và các khoản tương đương tiền là 1.241 tỷ đồng, giảm 40,42%. Hàng tồn kho giảm 50,64% so với đầu năm, xuống 1.910 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả của Đạm Phú Mỹ đến cuối năm 2023 là 1.764 tỷ đồng, giảm 52,08% so với đầu năm. Nợ ngắn hạn là 1.476 tỷ đồng, giảm hơn 50%.
Với kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023, lợi nhuận sau thuế của Đạm Phú Mỹ đạt thấp so với chỉ tiêu kế hoạch ban đầu và chưa triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ, HĐQT đề xuất phương án chia cổ tức cho năm 2023 là 20% bằng tiền (kế hoạch ban đầu là 40%).
Đối với 2024, doanh nghiệp đặt mục tiêu chia cổ tức tỷ lệ 15% bằng tiền (1.500 đồng/cp).
Sẽ hồi phục theo giá phân bón?
Nhìn lại năm 2023, lãnh đạo DPM đánh giá thị trường phân bón thế giới tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ biến động chính trị và sự thay đổi chính sách xuất khẩu của một số quốc gia. Điều này đã dẫn đến tình trạng dư cung và giảm giá bán các loại phân bón một cách đáng kể so với mức nền đỉnh cao năm 2022.
Bên cạnh việc chịu ảnh hưởng từ thị trường quốc tế, thị trường phân bón trong nước cũng phải đối mặt với các vấn đề như chính sách thuế GTGT, tăng chi phí đầu vào và cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà sản xuất, dẫn đến giảm mạnh giá bán các loại phân bón, hóa chất trong nước. Đặc biệt, về nguồn cung khí thiên nhiên đã chuyển sang thời kỳ khó khăn, các nguồn khí giá rẻ sụt giảm sản lượng.
Năm nay, Đạm Phú Mỹ sẽ xây dựng hệ thống phân phối phân bón trong nước và tìm kiếm mở rộng thị trường nước ngoài; kinh doanh nguyên vật liệu (PTA & MEG) phục vụ sản xuất xơ PSF phù hợp với nhu cầu của tổng công ty.
Đồng thời, Đạm Phú Mỹ cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tái cơ cấu tại các công ty con, thoái vốn tại các công ty liên kết theo phương án được phê duyệt.
Song song đó, công ty sẽ tiếp tục hoàn thiện xây dựng phương án xử lý chênh lệch vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ, tăng vốn điều lệ năm 2024 để báo cáo các cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt,...
Nhận định về năm 2024, CTCK KB Việt Nam (KBSV) kỳ vọng El Nino sẽ đạt đỉnh trong quý 1/2024, sau đó yếu dần và chuyển sang các pha trung tính và La Nina trong phần còn lại của năm.
Hiện tượng tranh chấp nguồn khí đầu vào giữa các doanh nghiệp điện khí và đạm sẽ bớt nghiêm trọng hơn so với năm 2023. Từ đó, chi phí khí thiên nhiên đầu vào cho DPM được dự báo có thể giảm nhẹ khoảng 3% so với cùng kỳ trong 2024. Bên cạnh đó, giá lúa gạo, lúa mì và ngô trong năm 2023 vẫn duy trì ở mức cao so với trung bình 10 năm. Nguồn cung của các sản phẩm trên đang ở trong trạng thái thắt chặt, các quốc gia sẽ có động lực để gia tăng sản lượng nông sản, từ đó đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ và hỗ trợ giá phân ure.
Nhìn chung, năm 2024, KBSV dự báo hoạt động kinh doanh của DPM sẽ hồi phục nhờ mức tăng của giá ure. Đồng thời, biên lãi gộp được kỳ vọng hồi phục nhờ giá bán tăng và giá khí đầu vào giảm nhẹ.
Thanh Phong