Chính phủ ban hành Nghị quyết "gỡ khó" cho doanh nghiệp
Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.
Hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng, phục hồi nhanh, phát triển bền vững
Với mục tiêu hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp chủ động thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và phục hồi nhanh, đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; lớn mạnh về số lượng và chất lượng, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Chính phủ đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt 1,5 triệu doanh nghiệp; 8.000-10.000 hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65-70% GDP cả nước, khoảng 30-35% tổng việc làm trong nền kinh tế, 98-99% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Khoảng 35-40% tổng số doanh nghiệp có hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. 100% cơ sở kinh doanh bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 30.000 cơ sở kinh doanh được hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số. Mỗi năm tăng 10% số lượng doanh nghiệp được xếp vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới. 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến. 80% doanh nghiệp sử dụng lao động qua đào tạo.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam chủ dộng thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững cả về số lượng, chất lượng, thực sự trở thành lực lượng quan trọng đảm bảo tính tự chủ của nền kinh tế, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quyết liệt, hiệu quả những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
Cụ thể, nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai trong ngắn hạn: Khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước; Khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước; Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tạo cơ hội, ổn định việc làm cho người lao động; đẩy mạnh triển khai chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.
Về nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong trung và dài hạn: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; Thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; Hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0; Tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới.
Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày 21/4/2023 và thay thế Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Nghị quyết đã giải quyết trực diện nhiều khó khăn của doanh nghiệp
Theo chuyên gia, Nghị quyết 58 bao phủ toàn diện những vần đề tồn đọng trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế và giải quyết trực diện cả những vấn đề trước mắt như về thị trường đầu ra, về vốn, về lao động và cả những giải pháp trong ngắn hạn, dài hạn. Điều quan trọng, cần sớm đưa chính sách vào thực tiễn.
Ông Nguyễn Bích Lâm - Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng: "Mặc dù Chính phủ đã đề cập rất nhiều giải pháp, Thủ tướng có rất nhiều Chỉ thị, rất nhiều chỉ đạo, nhưng triển khai vẫn chậm.
Trong thời gian tới, tôi nghĩ chúng ta cần phải có chế tài rất cụ thể, gắn trách nhiệm và quy trách nhiệm cho từng cấp, từng ngành và đặc biệt người đứng đầu. Để làm sao xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, triển khai các giải pháp khá đồng bộ và được giao cho từng bộ, từng ngành, từng địa phương".
Bên cạnh đó, Nghị quyết 58 cũng nhấn mạnh tới việc đẩy nhanh giải ngân các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư công, tháo gỡ những vướng mắc về xây dựng công trình. Đây được đánh giá là động lực quan trọng để thúc đẩy các ngành sản xuất khác, hỗ trợ cho phục hồi kinh tế.
Thuận Hòa