0922 281 189 [email protected]
Thứ ba, 25/04/2023 15:11 (GMT+7)

Tái cơ cấu nợ: Hướng đi nhiều doanh nghiệp mong chờ

Theo dõi KT&TD trên

Thông tư 02/2023/TT-NHNN (Thông tư 02) và Thông tư 03/2023/TT-NHNN (Thông tư 03) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là quyết sách mạnh, được doanh nghiệp, người dân và tổ chức tín dụng kỳ vọng.

Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Theo đó, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng được thực hiện kể từ 24/4/2023 có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ do tổ chức tín dụng quyết định nhưng không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Doanh nghiệp "dễ thở"

Đánh giá bước đầu về những tác động từ Thông tư 02/2023/TT-NHNN (Thông tư 02) và Thông tư 03/2023/TT-NHNN (Thông tư 03) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về cơ cấu lại nhóm nợ và thời hạn trả nợ, nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, đối với doanh nghiệp và bên vay, Thông tư 02 giúp các doanh nghiệp, bên vay (gồm cả vay tiêu dùng) giảm áp lực tài chính, áp lực trả nợ và nợ xấu khi được cơ cấu lại và không phải chuyển nhóm nợ, đồng thời tiếp tục được tiếp cận vốn vay mới (do được giữ nguyên nhóm nợ), giúp doanh nghiệp, bên vay có nguồn vốn duy trì SXKD, đầu tư, tiêu dùng, qua đó góp phần phục hồi và phát triển KTXH năm 2023 và tiếp theo.

Đối với Thông tư 03 (hiệu lực từ nay đến hết ngày 31/12/2023), sẽ cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) được mua lại trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã bán trước đó mà không cần chờ sau 1 năm như qui định cũ.

Tái cơ cấu nợ: Hướng đi nhiều doanh nghiệp mong chờ - Ảnh 1
Thông tư 02/2023/TT-NHNN (Thông tư 02) và Thông tư 03/2023/TT-NHNN (Thông tư 03) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là quyết sách mạnh, được doanh nghiệp.

Điều khoản trên sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp phát hành TPDN có dòng tiền để xử lý một phần lượng TPDN đáo hạn trong năm 2023 (tập trung vào Quý 2 và Quý 4), qua đó doanh nghiệp có thể dùng nguồn vốn đang có để duy trì SXKD, đầu tư, tiêu dùng, vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi và phát triển KTXH.

Điều kiện để các doanh nghiệp được cơ cấu nợ áp dụng theo quy định của hai thông tư trên là doanh nghiệp phải tuân thủ đúng các quy định pháp luật, không có sai phạm.

Trong khi đó, đối với các TCTD, Thông tư 03 cho phép các TCTD cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ đối với một số doanh nghiệp, bên vay với điều kiện và thời hạn nêu trên, qua đó góp phần giảm một phần áp lực nợ xấu và duy trì cho vay đối với doanh nghiệp, bên vay được cơ cấu lại.

Đồng thời, nhằm đảm bảo đánh giá sát tình hình nợ và có nguồn lực xử lý nợ xấu (nếu xảy ra), các TCTD vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng bổ sung theo lộ trình (50% năm 2023 và đủ 100% đến hết năm 2024), có phần bớt áp lực trích lập dự phòng rủi ro.

Tuy nhiên, như khi thực hiện các Thông tư về cơ cấu lại nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 giai đoạn 2020-2021, nhiều TCTD sẽ chủ động đánh giá nợ, trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro từ trước và hiện nay mức độ bao phủ nợ xấu của hệ thống TCTD khá tốt (125% nợ xấu).

Ở tầm vĩ mô, đối với an toàn hệ thống tài chính – tín dụng, nhóm tác giả BIDV đánh giá 2 thông tư nói trên có thể xem là những quyết sách mạnh, được doanh nghiệp, người dân và TCTD kỳ vọng với một số tác động chính như giúp ngăn gia tăng nợ xấu nội bảng của các TCTD, tăng khả năng tiếp cận vốn của DN, của bên vay, hỗ trợ thanh khoản, khó khăn của thị trường TPDN trong năm 2023 và đến giữa năm 2024, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn về dòng tiền, dòng vốn cho doanh nghiệp, người dân, duy trì SXKD, đầu tư, tiêu dùng, tạo dòng tiền mới để trả nợ đáo hạn và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Vấn đề nóng của nhiều doanh nghiệp

Trong thời gian qua, việc giãn, hoãn nợ là một trong những vấn đề nóng liên tục được các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản đề cập, kiến nghị tháo gỡ.

Điển hình như Novaland. Trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 vừa công bố, tập đoàn ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất gần 11.151 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt gần 2.182 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tới ngày 31/12/2022, tổng nợ vay và nợ trái phiếu của Novaland là 64.869 tỷ đồng, số đã thanh toán được đạt 1.985 tỷ đồng. Số nợ còn lại đang được Novaland đàm phán với các chủ nợ để gia hạn hoặc thanh toán một phần bằng cách thanh lý tài sản.

Nói về các khoản nợ của tập đoàn, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Novaland, từng khẳng định trong giai đoạn đầy khó khăn này, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ về cơ chế.

Cụ thể, ông Nhơn kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành một quy định cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ cho các dự án bất động sản 2-3 năm để giúp các doanh nghiệp có thời gian chờ thị trường hồi phục và hoàn thiện pháp lý dự án.

Tương tự, đại diện Hưng Thịnh Land, tại một hội nghị mới đây, cũng cho hay hiện doanh nghiệp chưa bị nhảy nhóm nợ nhưng không có nghĩa là không nhảy.

“Nếu không có chính sách hỗ trợ thì dư nợ của doanh nghiệp sẽ nhảy nhóm nợ trong thời gian tới. Vì vậy, tập đoàn kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép cơ cấu nợ, tránh tình trạng nhảy nhóm nợ cho doanh nghiệp”, đại diện Hưng Thịnh Land nhấn mạnh.

Hồi cuối tháng 3, trong bối cảnh khó khăn bủa vây, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình kiêm Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA) cũng gửi công văn đến Thủ tướng và cơ quan chức năng kiến nghị các giải pháp giãn, hoãn, khoanh nợ cho các nhà thầu.

Đặc biệt, trong công văn gửi đi, có 21 doanh nghiệp thành viên của Ban chấp hành SACA đã ký tên kiến nghị Chính phủ 3 nội dung. Nổi bật trong số đó là đề nghị cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, thời gian được cơ cấu là 24 tháng.

Mục đích thì dễ lý giải, là để giúp các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng có thời gian thu hồi nợ, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng doanh thu để dần dần thanh toán nợ vay.

Có thể thấy, các doanh nghiệp địa ốc và xây dựng đang rất ngóng chờ một thông tư chính thức về vấn đề cơ cấu lại thời hạn trả và giữ nguyên nhóm nợ, quá đó giảm nỗi lo rơi vào “danh sách đen” nợ xấu.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Tái cơ cấu nợ: Hướng đi nhiều doanh nghiệp mong chờ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dừng miễn thuế hàng nhập khẩu giá trị nhỏ giúp hàng trong nước được cạnh tranh bình đẳng
Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại phiên họp Quốc hội ngày 29/10. Theo đó, việc thu thuế đối với hàng nhập khẩu qua đường chuyển phát nhanh có giá trị dưới 1 triệu đồng được đánh giá sẽ giúp hàng hóa trong nước được cạnh tranh bình đẳng hơn với hàng hóa nhập khẩu,

Tin mới

Giá vàng nhẫn, USD đồng loạt giảm
Giá vàng thế giới hôm nay (6/11) biến động trong phạm vi hẹp từ 2.730-2.745 USD/ounce. Trong nước, giá vàng miếng SJC giao dịch ở mức 89 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn giảm xuống 88 triệu đồng/lượng.
Gỡ vướng thể chế để hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5 - 7% trong năm 2025
Tại Kỳ họp thứ 8, chia sẻ bên lề phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, bên cạnh các giải pháp Chính phủ nêu thì việc tích cực tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, chính sách là nhiệm vụ cần được ưu tiên để đạt được các mục tiêu GDP khoảng 6,5 - 7%.
Bảo Tín Mạnh Hải được vinh danh Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024
Ngày 4/11/2024, trong chương trình Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, Bảo Tín Mạnh Hải đã được trao biểu trưng Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024 cho sản phẩm vàng, bạc, trang sức. Khẳng định uy tín và chất lượng trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc đá quý tại thị trường Việt Nam.
Ninh Vân Bay vi phạm hành chính về thuế
Với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp, Ninh Vân Bay phải nộp tổng số tiền thuế truy thu, tiền phạt và chậm nộp là 161,8 triệu đồng. Trong bối cảnh đó, công ty vừa báo lợi nhuận 9 tháng đầu năm “đi lùi” 20%.