Chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới sẽ không còn nếu lập sàn giao dịch vàng?
Tại Toạ đàm “Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, các chuyên gia đã trao đổi về lập sàn giao dịch vàng và giải pháp thực hiện để quản lý thị trường vàng minh bạch, hiệu quả, theo đúng xu hướng của thế giới.
Cần tính đến lập sàn giao dịch vàng
Phân tích ưu điểm của việc lập sàn giao dịch vàng, GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết, khi chúng ta có sàn vàng, người dân sẽ thay đổi tâm lý. Về tiện lợi là không phải đi xa, không phải lo cất trữ vàng, không phải lo vàng có phải 9999 thật không,… vì chứng chỉ vàng sẽ bảo đảm giá trị đúng như thế và vàng sẽ nằm trên thị trường, hàng hóa được lưu thông trên thị trường.
Như vậy, có thể chúng ta trong giai đoạn nhiều người cần vàng, nhưng vàng nằm trên thị trường, thì lưu thông mua bán được, không phải ngay lập tức mua vàng thế giới về đúc thành miếng rồi bán, vẫn có vàng để bán trên thị trường.
Công cụ để điều hòa về mặt cung vàng rất rộng rãi, đặc biệt, khi giao dịch vàng trên tài khoản sẽ giúp cả các công cụ phái sinh, bán vàng theo hợp đồng bán cho tương lai, không phụ thuộc việc nhập vàng về mới có bù cho thị trường, khi đó sẽ bảo đảm phản ứng rất kịp thời.
GS Cường cho rằng đó là yếu tố hết sức có lợi cho cả phía người dân yên tâm vẫn có vàng nếu muốn dự trữ và cả về phía thị trường, chúng ta điều hành về mặt nhà nước, quản lý thị trường, chúng ta bảo đảm quản lý được ngoại tệ.
Thêm nữa, khi đưa vàng vào giao dịch trên thị trường, khớp lệnh công khai minh bạch, bất kể người nào tham gia vào sẽ biết ngay thị trường có bao nhiêu người bán, mua… Thông tin minh bạch giúp người tham gia vào thị trường dễ đưa quyết định sáng suốt hơn, đặc biệt Nhà nước kiểm soát sẽ tốt.
Một điểm quan trọng nữa, rất cần liên thông thị trường vàng trong nước và thế giới, nếu chúng ta có thị trường vàng giao dịch tài khoản trên sàn thì việc liên thông sẽ rất dễ, không nhất thiết phải nhập khẩu về mà có thể đặt lệnh mua bán là trao đổi được ngay vàng thế giới, việc đó tạo ra cân bằng giá với thị trường giao dịch thế giới.
"Việc lập sàn giao dịch vàng tôi cho rằng là rất cần tính đến. Tất nhiên, vàng là hàng hóa đặc biệt, không phải hàng hóa thông thường nên cần tính tới phương thức quản lý như thế nào". GS. TS Hoàng Văn Cường bày tỏ quan điểm.
Những năm trước đây có tình trạng nhiều cá nhân, tổ chức giao dịch sàn vàng quốc tế, rủi ro xảy ra rất nhiều. Giao dịch vàng cần nghiệp vụ rất sâu, không phải ai cũng tham gia được, nếu không cẩn trọng, có thể xảy ra khủng hoảng, thiệt hại cho dân, ông Cường cảnh báo.
GS Cường cho rằng, chúng ta cần tính tới mô hình sàn vàng như thế nào, có lẽ không phải mô hình như bán hàng hóa thông thường, ai mua cũng được mà phải đưa vào từng cấp độ, ví dụ, sàn sơ cấp, chỉ có một số nhà kinh doanh rất chuyên nghiệp mới giao dịch ở đó và thông qua liên thông quốc tế; còn sàn thứ cấp dành cho mua bán lẻ, có thể mua bán tự do trong nước, để chúng ta phòng ngừa rủi ro.
Rồi khuôn khổ pháp lý như thế nào để kiểm soát, công nghệ thông tin để bảo đảm hàng hóa trên sàn…
"Đó là những vấn đề chúng ta cần quan tâm để tạo ra khung khổ pháp lý và điều kiện hoạt động để có thể phát triển lành mạnh cả thị trường vàng vật chất và thị trường vàng trên sàn". GS. TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Cần xây dựng các điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với sàn giao dịch vàng
Cũng tại Tọa đàm, chuyên gia kinh tế Trần Thọ Đạt cho biết, một số số liệu ước tính lượng vàng dự trữ trong dân hiện nay là 300 tấn, cũng có số liệu 400-500 tấn, đây là số liệu ước chừng nhưng là con số lớn cần huy động thành nguồn lực tài chính trong sự phát triển KTXH.
Nhưng để huy động được nguồn lực này và xây dựng được thị trường vàng trong tương lai, NHNN cần xây dựng các điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với thị trường vàng mà chúng ta đề xuất là Sở giao dịch vàng.
Về mặt khuyến nghị, ông Đạt cho rằng, thời gian tới, cần sớm tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước để cho phép Sở Giao dịch Hàng hóa được giao dịch mặt hàng vàng kỳ hạn thông qua các loại hợp đồng, như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn như các quốc gia tiên tiến trên thế giới nhưng đồng thời các thành viên tham gia phải đáp ứng được tiêu chuẩn chặt chẽ và được phép xuất nhập khẩu vàng căn cứ vào các điều kiện hợp đồng... do sở giao dịch đó ban hành.
Bên cạnh đó, cần thành lập quỹ tín thác (ETF) vàng như công cụ tài chính quốc tế, và chứng chỉ quỹ này cũng có thể mua trên sở giao dịch để khuyến khích người dân gửi vàng, bỏ vốn vào sản xuất kinh doanh, đầu tư, thay vì nắm giữ vàng miếng.
"Nếu quỹ tín thác này có thể tham gia mua bán các sản phẩm phái sinh hiện đại giống các sàn giao dịch trên thế giới thì quỹ tín thác bằng vàng sẽ có vai trò như quỹ bình ổn, giảm bớt áp lực đối với cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ, cơ quan quản lý và khi giá vàng xảy ra hiện tượng sút giá, góp phần tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô ổn định". Chuyên gia kinh tế Trần Thọ Đạt chia sẻ.
Nếu khơi thông được công cụ tài chính sẽ giải tỏa được rất nhiều nhu cầu về vàng vật chất
Còn theo ông Nguyễn Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TP Bank, trong chủ đề sàn vàng, ở góc độ của ông Việt Anh có 2 nội dung.
Thứ nhất là chênh lệch giá vàng SJC. Chúng ta đều thấy rằng so với giá vàng thế giới, ta đang ở mức rất cao. Cái này xuất phát từ khi tập trung thương hiệu quốc gia về SJC. Rõ ràng người dân có chỗ tin cậy rất lớn, toàn bộ vàng miếng chắc chắn quay đến SJC.
Ông Việt Anh cho rằng, nếu ngay cả sàn vàng chỉ kinh doanh vàng SJC mà không gắn với việc điều chỉnh nguồn cung thì cũng chưa giải quyết được việc chênh lệch giá. Rõ ràng, từ khi có Nghị định 24, giá vàng được kiểm soát, hoạt động mua bán vàng được kiểm soát nhưng cho tới thời điểm hiện nay, nhu cầu người dân đã lên cao, có lẽ chúng ta cũng nên hài hòa điều tiết lượng này, nếu chúng ta tiếp tục duy trì SJC là thương hiệu vàng quốc gia.
Vì đã gắn với quốc gia, ông Việt Anh tin rằng, ngay cả việc thị trường hóa các thương hiệu vàng khác thì thương hiệu quốc gia vẫn là thương hiệu tin cậy nhất. Cho nên, khi điều hành phần này, cũng cần sự hài hòa để cân đối cung-cầu, nếu không sẽ không xử lý được vấn đề chênh lệch giá.
Thứ hai, hình thức giao dịch vàng, thường gọi là giao dịch qua quầy hay qua sàn giao dịch tập trung, tựu chung nằm ở chỗ, khách hàng vàng thực ra trên thế giới phân ra khác, rất ít nhu cầu cất trong kho hay gửi ở đâu đó. Người ta cần mua bán vàng thì sẽ lên các trung gian tài chính và từ đó lên các sàn giao dịch vàng.
Ở Việt Nam, bất cứ người kinh doanh, người đầu tư hay người dân đều có 2 nhu cầu đó, nếu phân tách vấn đề này có lẽ sẽ giảm tải được nhiều. Có người muốn mua vàng về giữ, thừa kế, cho tặng, làm trang sức, dự phòng an toàn… gọi là thị trường vàng vật chất. Cũng có những người sợ không giữ cái này khi giá lên sẽ bị thiệt; đây là nhu cầu về đầu tư tài chính, chúng ta nên trả về cho thị trường tài chính giải quyết việc đó…
"Hiện tại, tất cả cầu đó dồn hết về thị trường vàng vật chất, sẽ làm tăng lên nguồn cầu trong lúc thị trường biến động. Nếu chúng ta khơi thông được công cụ tài chính cho những người muốn mua bán để cân bằng về giá thì chúng ta giải tỏa được rất nhiều nhu cầu về vàng vật chất". Ông Nguyễn Việt Anh nhận định.
Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TP Bank, như GS. Cường nói, nếu chúng ta làm tốt việc đó thì chúng ta cũng không cần nhiều ngoại tệ để nhập nhiều vàng về dập ra vàng miếng phân tán ra cho người dân nữa. Những người mua bán về giá thì chỉ ra vào thị trường tài chính, có thể là qua một trung tâm tài chính hoặc một sàn là một giải pháp chúng ta thực thi trên đó.
Ông Việt Anh tin rằng, phân tách ra như vậy sẽ giải quyết về mặt dài hạn căn cơ đối với thị trường vàng, bớt cầu về vàng vật chất, chúng ta không phải cân đối ngoại tệ xuất nhập quá nhiều khi chúng ta có nhu cầu…
Ông Việt Anh nhất trí với ý kiến GS. Đạt là chúng ta chứng chỉ hóa và lưu ký ở Nhà nước vì Nhà nước bảo hành cái đó khi chúng ta thành lập trung tâm giao dịch tập trung hay gọi là sàn… Chứng chỉ đó được quyền rút ra, nhưng thông thường các sàn thế giới khi rút ra sẽ cần trình tự và mất phí, khiến người đầu tư thông thường cũng không thật sự muốn rút ra cho tới khi cần.