Chào năm mới 2025 - Vững tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Năm 2024 đã khép lại với những thành tựu trên mọi lĩnh vực. Năm mới 2025 mở ra kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên phát triển bứt phá, tăng tốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Năm 2024, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực. Đây là tiền đề, là nền tảng và động lực để đất nước vững tiến vào KỶ NGUYÊN MỚI - KỶ NGUYÊN VƯƠN MÌNH CỦA DÂN TỘC.
Những điểm nhấn trong bức tranh toàn cảnh
Năm 2024 là một năm đất nước có nhiều thay đổi lớn, trước tiên phải kể đến việc kiện toàn đội ngũ lãnh đạo chủ chốt, kế tục, phát huy những thành tựu, kinh nghiệm của các thế hệ đi trước, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Về kinh tế, chúng ta đã ghi nhận những điểm sáng trong bức tranh ảm đạm toàn cầu.
Quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục được nâng lên, không ngừng phát huy những thành tựu đạt được trong những năm qua. Kết thúc năm 2024, có khả năng hoàn thành 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, tốc độ tăng trưởng khoảng 7%, vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%).
Nước ta tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI toàn cầu vốn đang suy giảm và cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các quốc gia. Thu hút FDI 11 tháng ước gần 31,4 tỉ USD, vốn FDI thực hiện ước khoảng 21,7 tỉ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ.
Mới nhất, Chính phủ và Tập đoàn Nvidia đã ký kết thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển, Trung tâm Dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI). Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là sự kiện mang tính bước ngoặt, đưa Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu ở châu Á.
Xuất nhập khẩu là một trong những dấu ấn nổi bật. Tổng kim ngạch đạt kỷ lục mới gần 800 tỉ USD, tăng 15% so với năm 2023 và vượt gần 3 lần so với mục tiêu kế hoạch Chính phủ giao khoảng 6%. Trong đó xuất khẩu trên 400 tỉ USD, tăng 14,4% và nhập khẩu tăng 16,4%. Cán cân thương mại duy trì xuất siêu ở mức cao gần 25 tỉ USD, ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp.
Ngoài các yếu tố trên, sau khi đại dịch Covid-19, nhu cầu tiêu dùng nội địa phục hồi mạnh mẽ. Người dân đã chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm và dịch vụ, đặc biệt là trong các ngành du lịch, giải trí và bán lẻ.
Các chính sách vĩ mô của Chính phủ cũng góp phần thúc đẩy nền kinh tế 2024 đạt mức tăng trưởng bất ngờ. Các gói hỗ trợ tài chính, giảm thuế cho doanh nghiệp và hộ gia đình, cùng các biện pháp thúc đẩy đầu tư công đã tạo động lực lớn.
Đối với lĩnh vực môi trường, năm qua đã ghi nhận những bước tiến lớn trong bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường yêu cầu các cấp, các ngành nhận diện xu hướng phát triển mới. Các chiến lược, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đột phá cần được thực hiện hiệu quả trong quản lý, phát triển bền vững tài nguyên và môi trường, với tầm nhìn dài hạn. Các hướng đi bao gồm đầu tư vào chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, giảm phát thải carbon, và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, cần thúc đẩy chuyển đổi năng lượng công bằng, sử dụng năng lượng sạch và tái tạo, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Việc giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, cùng ứng phó với biến đổi khí hậu là một thách thức lớn, nhưng cũng là cơ hội để đất nước phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.
Luật Đất đai năm 2024, được thông qua và có hiệu lực thi hành sớm, đóng vai trò quan trọng trong việc khơi thông nguồn lực đất đai, trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Đây là một quyết sách thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ, với nhiều nội dung chính sách đột phá, nhằm thực hiện mục tiêu đổi mới và hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực và hiệu quả trong công tác quản lý và sử dụng đất.
Lần đầu tiên, Quy hoạch không gian biển quốc gia được ban hành, đánh dấu một sự kiện chiến lược quan trọng trong quản lý và phát triển kinh tế biển của Việt Nam. Quy hoạch này cụ thể hóa các cam kết bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, đồng thời thể hiện tầm nhìn dài hạn của Việt Nam trong việc xây dựng nền kinh tế biển xanh, bền vững và hiện đại.
Mặc dù đã có dự báo, cảnh báo sớm, kịp thời và chủ động ứng phó, song hiện tượng thiên tai dị thường, khốc liệt của cơn bão số 3 vẫn gây hậu quả rất nặng nề.
Bão số 3 (tên quốc tế là YAGI) đã diễn ra với cường độ mạnh mẽ, diễn biến nhanh chóng và phức tạp, vượt qua mọi kịch bản dự báo thông thường của các quốc gia trong khu vực. Mặc dù đã được cơ quan chức năng dự báo và cảnh báo sớm, giúp các địa phương và người dân chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại đến mức tối đa có thể, nhưng cơn bão vẫn gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Đây là lời cảnh tỉnh sâu sắc về sự biến đổi ngày càng cực đoan của khí hậu, sức mạnh tàn phá của thiên nhiên, và tầm quan trọng sống còn của công tác dự báo, cảnh báo trong việc phòng, chống thiên tai, cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Trước những diễn biến phức tạp và khó lường của biến đổi khí hậu, thiên tai và thời tiết cực đoan, Việt Nam đã tiên phong trở thành một trong sáu quốc gia đầu tiên phê duyệt Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, với tầm nhìn đến năm 2050. Đây là một bước tiến quan trọng của Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu thích ứng toàn cầu, đồng thời nâng cao khả năng chống chịu của cả hệ thống tự nhiên, kinh tế, xã hội và cộng đồng trước thiên tai và biến đổi khí hậu.
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. Ngày 25 tháng 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất chủ trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Chỉ 1 tháng sau, ngày 30 tháng 12, 13 cơ quan Ban Đảng, đơn vị sự nghiệp của Đảng, cơ quan trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội đã chính thức hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi sắp xếp tinh gọn lại bộ máy. Một thời gian kỷ lục về tinh gọn, sắp xếp mang tính nêu gương để từ trung ương đến địa phương phải bảo đảm đúng tiến độ đề ra
Về văn hóa, năm qua ghi dấu sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, đổi mới và đầy trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ trong việc từng bước thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, nhằm khơi thông dòng chảy cho văn hóa phát triển.
Cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, Quốc hội cũng đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), dấu mốc quan trọng hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực di sản văn hóa. Cùng với đó, “Quy hoạch mạng lưới cơ sở Văn hóa và Thể thao; Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được công bố, có thể xem là chủ trương quan trọng để phát triển văn hóa, thể thao, du lịch tại từng địa phương, biến khát vọng, tầm nhìn thành hiện thực.
Lần đầu tiên thu ngân sách đạt trên 2 triệu tỷ đồng, vượt thu 324 nghìn tỷ. Kết quả thực hiện thu cả năm đạt khoảng trên 2 triệu tỷ đồng, tăng 19,1% so với dự toán (tăng 324,4 nghìn tỷ đồng); tỷ lệ động viên đạt 17,8% GDP, riêng thuế, phí đạt 14,2% GDP, trong khi đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 197,3 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm khoảng 99 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 98,3 nghìn tỷ đồng).
Về khoa học, công nghệ, năm 2024, nhiều thành tựu khoa học công nghệ được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong các lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ thông tin, quốc phòng, an ninh... hoạt động xúc tiến hỗ trợ tìm kiếm, trao đổi, chuyển giao công nghệ được đẩy mạnh.
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu.
Các công trình nghiên cứu đã đạt được nhiều thành công và được ứng dụng rộng rãi, từng bước làm chủ được công nghệ. Nhiều bước tiến quan trọng trong phát triển công nghệ cao, công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), khẳng định vai trò là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu.
Đối ngoại năm 2024 tạo đà thuận lợi cho đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, các hoạt động đối ngoại được triển khai một cách chủ động, tích cực, đạt nhiều kết quả thực chất, tạo đà thuận lợi cho đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.
Trên nền tảng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đối ngoại, ngoại giao Việt Nam ngày càng năng động, sáng tạo và chủ động hơn.
Trong năm nay, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện với các đối tác lớn như: Australia, Pháp, Malaysia, nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược với Brazil, thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện với Mông Cổ, Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE)…; qua đó tạo dựng khuôn khổ quan hệ với 32 đối tác hàng đầu, bao gồm các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống.
Ngoại giao kinh tế tiếp tục đóng góp tích cực vào những thành tựu kinh tế chung của đất nước dù kinh tế thế giới còn trong giai đoạn khó khăn. Nội hàm kinh tế ngày càng chiếm trọng số lớn trong các hoạt động đối ngoại các cấp, nhất là cấp cao, qua đó kết nối, tranh thủ các đối tác như: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo...
Công tác đảm bảo an ninh, trật tự góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội. An ninh quốc gia được giữ vững; chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; tiếp tục củng cố vành đai an ninh từ ngoài biên giới lãnh thổ, giải quyết dứt điểm, hiệu quả nhiều vấn đề an ninh phức tạp, kéo dài nhiều năm, từ cơ sở, không để phát sinh vấn đề phức tạp mới, không để bị động, bất ngờ về chiến lược. Phát hiện, kiến nghị xử lý nhiều dự án, doanh nghiệp có vi phạm trên lĩnh vực kinh tế; tham gia thẩm định hàng trăm dự án phát triển kinh tế, xã hội trọng điểm bảo đảm yêu cầu về an ninh trật tự.
Bên cạnh đó, trong năm 2024, Quốc hội đã nghiêm túc thảo luận, đi đến thống nhất cao để quyết định chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam và tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đây là những dự án lớn, có tác động sâu sắc tới đời sống, kinh tế-xã hội.
Đây là quyết định lịch sử. Việc Quốc hội đồng ý tiếp tục đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sau 8 năm dừng triển khai có ý nghĩa quan trọng và mang tính thời đại. Đặc biệt, dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam được triển khai theo hình thức đầu tư công, là minh chứng rõ ràng cho tư duy đổi mới trong phát triển hạ tầng quốc gia, mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong tương lai.
Vững tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Nhân dịp năm mới Ất Tỵ 2025 và kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh (3/2/1930 - 3/2/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm đã trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam. Theo đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh, sau gần 95 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã tạo nên những kỳ tích trong lịch sử, trải qua kỷ nguyên đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội (1930 - 1975); kỷ nguyên thống nhất đất nước, đổi mới (1975 - 2025). Và giờ đây, chúng ta bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, khởi đầu bằng sự kiện trọng đại - Đại hội XIV của Đảng.
Kỷ nguyên trước tạo tiền đề cho kỷ nguyên sau, kỷ nguyên sau kế thừa, phát triển thành tựu của kỷ nguyên trước, làm cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ngày càng hòa quyện, phát triển không ngừng. Ý Đảng hòa quyện lòng dân, khát vọng đưa đất nước vươn mình tiến vào kỷ nguyên mới.
Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là kỷ nguyên phát triển bứt phá, tăng tốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc; đuổi kịp, tiến cùng, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; mọi người dân đều được phát triển toàn diện, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, văn minh.
Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng, khi chúng ta hoàn thành xuất sắc công cuộc đổi mới sau 40 năm lao động, sáng tạo bền bỉ và đạt được những thành tựu vĩ đại. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu, rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tích cực tại nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng. Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; lợi ích quốc gia, dân tộc được bảo đảm. Quy mô nền kinh tế năm 2023 tăng gấp 96 lần so với năm 1986.
Việt Nam trong nhóm 40 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới, 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài; có quan hệ ngoại giao với 194 nước, vùng lãnh thổ trên khắp năm châu; xây dựng các mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới. Đời sống của 105 triệu dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; hoàn thành về đích sớm các mục tiêu Thiên niên kỷ. Tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, quốc phòng, an ninh không ngừng được nâng cao.
Từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để xác lập trật tự thế giới mới, đây cũng là thời kỳ, cơ hội chiến lược, giai đoạn nước rút của cách mạng Việt Nam để đạt mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo tiền đề vững chắc đạt mục tiêu 100 năm thành lập nước. Điều quan trọng là chúng ta phát huy được tối đa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Theo Tổng Bí thư, năm 2025, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức phấn đấu, bứt tốc, sớm về đích thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thiết thực kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh (3/2/1930 - 3/2/2025); 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025); 135 năm ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu (19/5/1890 - 19/5/2025); 80 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025)...
Tổng Bí thư chỉ rõ, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều thời cơ, thuận lợi, song cũng xuất hiện không ít khó khăn, thách thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dựa trên nền tảng là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, gắn kết chặt chẽ ý Đảng với lòng dân, phát huy tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”, tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng làm động lực, nhất định Việt Nam sẽ vững vàng tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đóng góp nhiều hơn nữa vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới, đúng như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh - đó là “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Trong hành trình đó, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hợp tác chặt chẽ của bạn bè, đối tác và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Có thể khẳng định rằng, với những thành tựu đạt được trong năm 2024, trong năm mới 2025, với thế và lực của đất nước như ngày nay, đây chính là thời điểm chín muồi để chúng ta vững tâm, vững bước và vững tin tiến vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vì một Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phát triển toàn diện, hội nhập thành công, tiến cùng thời đại.
Sơn Hà