Cảnh báo mạo danh nhân viên công ty chứng khoán lừa đảo
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chuyển báo cáo của Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam về việc bị giả mạo đến cơ quan chức năng để phối hợp xử lý và lưu ý nhà đầu tư cảnh giác.
Vẫn tràn lan bẫy giả mạo công ty chứng khoán
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, cơ quan này đã nhận được báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) về việc một số cá nhân giả mạo là nhân viên của KIS lập hội, nhóm trên zalo nhằm dụ dỗ, lôi kéo và lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư.
Các hội nhóm lừa đảo như: Nhóm Zalo: (A221). Giao lưu phân tích đầu tư chứng khoán; YY03 XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN…
“Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chuyển báo cáo của KIS đến cơ quan chức năng để phối hợp xử lý và lưu ý nhà đầu tư khi truy cập vào địa chỉ mạng xã hội nêu trên” - Ủy ban Chứng khoán cho hay
Trước đó, hàng loạt công ty chứng khoán lớn như SSI, VNDirect, VPS… cũng phải lên tiếng cảnh báo về tình trạng này.
Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là mời nhà đầu tư mới vào các hội nhóm, chia sẻ tài liệu, chia sẻ một số mã chứng khoán. Trong hội nhóm sẽ có hàng loạt “chân gỗ” liên tục tung hô một cá nhân trong việc đầu tư (“thầy”), khoe lãi khi đầu tư theo các mã khuyến nghị... Qua đó, các đối tượng sẽ dụ dỗ các nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm chuyển tiền cho chúng đầu tư. Khi đã lừa được nhiều người, chúng sẽ xóa nhóm, cắt liên lạc...
Trước đó, hồi năm ngoái UBCKNN đã phải có văn bản yêu cầu các công ty chứng khoán tăng cường công tác quản lý người hành nghề chứng khoán, không được tham gia các diễn đàn, hội nhóm trên không gian mạng (ngoài diễn đàn, hội nhóm được công ty chứng khoán đồng ý, chấp thuận) để tư vấn đầu tư tài chính, chứng khoán, lôi kéo nhà đầu tư mua, bán chứng khoán với tư cách đại diện công ty chứng khoán.
Khi tham gia các diễn đàn, hội nhóm được công ty chứng khoán chấp thuận, người hành nghề chứng khoán phải tuân thủ trách nhiệm của người hành nghề chứng khoán, không được thực hiện các hành vi bị cấm, các hành vi mà công ty chứng khoán bị hạn chế hoặc không được phép thực hiện theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, cơ quan quản lý yêu cầu các công ty chứng khoán tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Theo dõi, nắm bắt thông tin về các đường link lạ dẫn đến trang thông tin điện tử (website) giả mạo công ty chứng khoán, các website, mạng xã hội, diễn đàn, hội nhóm trên không gian mạng sử dụng trái phép hình ảnh, thương hiệu của công ty chứng khoán.
Ngoài giả mạo các công ty chứng khoán, các đối tượng còn giả mạo nhiều quỹ đầu tư, công ty chứng khoán có trụ sở nước ngoài để kêu gọi đầu tư vào các chứng chỉ quỹ. Thậm chí còn giả mạo Ủy ban Chứng khoán, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán (VSDC), hai Sở Giao dịch chứng khoán HoSE và HNX… để lừa đảo, kêu gọi đầu tư.
Bị phạt vì cho khách hàng đặt lệnh mua khi chưa đủ tiền
Theo tìm hiểu của PV, website của công ty này giới thiệu được thành lập vào tháng 12/2010 bởi Công ty TNHH Đầu tư và Chứng khoán Hàn Quốc (Korea Investment & Securities Co., Ltd, KIS Hàn Quốc) đầu tư cùng Tập đoàn dệt may Việt Nam và các cổ đông khác.
KIS Hàn Quốc chiếm tỷ lệ vốn góp 48.8% tại KIS Việt Nam vào tháng 11/2010 và thực hiện nâng cao tỷ lệ sở hữu dần qua các năm.
Vào ngày 30/6/2021, KIS tăng vốn điều lệ lên 3.761 tỷ đồng, nâng tỷ lệ sở hữu của KIS Hàn Quốc lên 99,8%.
Theo dữ liệu của Thương Trường, hồi tháng 11/2023, Chứng khoán KIS bị UBCKNN ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 137,5 triệu đồng do vi phạm quy định về nhận lệnh và thực hiện lệnh giao dịch của khách hàng.
Cụ thể, kiểm tra chọn mẫu trong giai đoạn từ ngày 13/8/2021 đến ngày 8/4/2022 cho thấy, tại một số thời điểm, Công ty cho một số khách hàng đặt lệnh mua chứng khoán khi không đủ tiền trên tài khoản giao dịch chứng khoán.
Trước đó, hồi tháng 10/2022, Chứng khoán KIS cũng bị phạt 250 triệu đồng do có hành vi không đảm bảo các thông tin trong hồ sơ chào bán hoặc phát hành trái phiếu riêng lẻ chính xác, có thể kiểm chứng được và có đầy đủ các nội dung theo quy định phải có trong hồ sơ.
Cụ thể, Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu cho 03 đợt chào bán của Công ty cổ phần Cung điện Mùa đông. Đợt 1: chào bán 254 tỷ đồng, đợt 2: chào bán 196 tỷ đồng, cùng vào tháng 11/2021 và đợt 3: chào bán 1.900 tỷ đồng tháng 3/2022.
Tuy nhiên, Công ty chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc rà soát việc đáp ứng đầy đủ quy định về hồ sơ chào bán trái phiếu riêng lẻ theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Hậu quả là để xảy ra vụ việc Công ty Tân Hoàng Minh phát hành 9 lô trái phiếu chiếm đoạt hơn 8.800 tỷ đồng của nhà đầu tư, hiện đang được Cơ quan công an điều tra.
Chứng khoán KIS còn bị phạt 85 triệu đồng do không báo cáo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đối với các tài liệu: Báo cáo định kỳ tình hình tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu doanh nghiệp Quý IV/2021, năm 2021, Quý I/2022; Báo cáo định kỳ tình hình đăng ký, lưu ký trái phiếu năm 2021.
Báo cáo định kỳ tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu năm 2021; Báo cáo định kỳ cơ cấu nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu năm 2021; báo cáo định kỳ tình hình giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ Quý I/2021, Quý II/2021; báo cáo định kỳ của tổ chức đầu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành Quý I/2021, Quý II/2021, năm 2021.
Chứng khoán KIS cũng báo cáo HNX không đúng thời hạn theo quy định đối với các tài liệu: Báo cáo định kỳ tình hình tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu doanh nghiệp Quý II,III/2021; báo cáo định kỳ tình hình giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ Quý III/2021; báo cáo định kỳ của tổ chức đầu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành Quý IV/2021).
Thanh Phong