Cần đảm bảo những quy định nào khi muốn bán nhà ở xã hội?
Nhà ở xã hội là giải pháp quan trọng giúp đáp ứng nhu cầu về nơi ở cho người lao động, cán bộ công chức và đối tượng chính sách. Tuy nhiên, việc mua bán nhà ở xã hội chịu sự quản lý chặt chẽ của luật pháp bảo đảm minh bạch, đúng đối tượng và mục tiêu.
Có thể bán nhà ở xã hội nhưng chưa đủ 5 năm cho ai?
Tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 89 Luật Nhà ở năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 1/8/2024) nêu rõ việc bán nhà ở xã hội được thực hiện theo quy định sau đây: Bên mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 05 năm, kể từ ngày thanh toán đủ tiền mua nhà ở, trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản này;
Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bên mua nhà ở xã hội đã thanh toán đủ tiền mua nhà ở mà có nhu cầu bán nhà ở này thì chỉ được bán lại cho chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc bán lại cho đối tượng thuộc trường hợp được mua nhà ở xã hội với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội này trong hợp đồng mua bán với chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Việc nộp thuế thu nhập cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế;
Bên cạnh đó, điểm e khoản 4 Điều 89 Luật Nhà ở năm 2023 còn quy định thêm, sau thời hạn 5 năm, kể từ ngày đã thanh toán đủ tiền mua nhà ở, bên mua nhà ở xã hội được bán lại nhà ở này theo cơ chế thị trường cho đối tượng có nhu cầu nếu đã được cấp Giấy chứng nhận.
Bên bán không phải nộp tiền sử dụng đất và phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế, trừ trường hợp bán nhà ở xã hội là nhà ở riêng lẻ thì bên bán phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ và phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế.
Giá trị của giấy chứng nhận
Giấy chứng nhận quyền sở hữu (Giấy chứng nhận) là một yếu tố quan trọng.
Có Giấy chứng nhận không có nghĩa là có quyền bán. Mặc dù đã có Giấy chứng nhận cho ngôi nhà, việc cấm bán trong vòng 5 năm vẫn được áp dụng mà không có ngoại lệ. Giấy chứng nhận chỉ xác nhận quyền sở hữu, nhưng không cho phép chuyển nhượng tài sản trong thời gian cấm này.
Mua bán nhà ở xã hội chưa đủ 5 năm bị xử lý thế nào?
Mặc dù Luật có quy định cụ thể thời hạn bán nhà ở xã hội là sau 05 năm kể từ thời điểm nộp đủ tiền mua và được cấp Giấy chứng nhận nhưng thực tế có không ít trường hợp "lách luật" để mua bán nhà ở xã hội dù chưa đủ thời hạn theo quy định.
Để giải quyết trường hợp này, khoản 10 Điều 88 Luật Nhà ở năm 2023 khẳng định:
Trường hợp bán, cho thuê mua nhà ở xã hội vi phạm quy định của Luật này về đối tượng hoặc điều kiện mua, thuê mua nhà ở xã hội thì hợp đồng mua bán, cho thuê mua nhà ở vô hiệu và bên mua, thuê mua phải bàn giao lại nhà ở cho chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đơn vị quản lý nhà ở xã hội; trường hợp không bàn giao lại nhà ở thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở tổ chức cưỡng chế để thu hồi lại nhà ở đó.Việc xử lý tiền mua nhà ở xã hội được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự; việc xử lý tiền thuê mua nhà ở xã hội được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 175 của Luật này; việc cưỡng chế thu hồi nhà ở xã hội thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Theo đó, nếu mua bán nhà ở xã hội không đúng quy định, khi chưa đủ thời hạn cho phép thì:
- Hợp đồng mua bán nhà ở xã hội không có giá trị pháp lý.
- Bên mua phải bàn giao lại nhà ở xã hội đó cho đơn vị quản lý. Nếu không thực hiện bàn giao thì Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở sẽ tổ chức cưỡng chế để thu hồi lại nhà ở.
Để đảm bảo giao dịch hợp pháp và hạn chế rủi ro, cả người bán và người mua nên tìm hiểu các kỹ trước khi giao dịch. Ngoài ra, việc tham vấn ý kiến luật sư hoặc chuyên gia bất động sản sẽ giúp quá trình mua bán diễn ra nhanh chóng và an toàn hơn.
Nhà ở xã hội không chỉ là một tài sản mà còn là công cụ quan trọng trong chính sách xã hội của Nhà nước. Vì vậy, việc tuân thủ đúng quy định pháp luật khi mua bán loại hình nhà ở này sẽ góp phần duy trì sự công bằng và ổn định trong xã hội.
Tiến Hoàng