Cần các giải pháp phục hồi tổng cầu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Câu chuyện phục hồi tổng cầu không phải là câu chuyện mới với nền kinh tế Việt Nam song đang càng lúc cần đến những giải pháp kịp thời hơn thay vì quá lệ thuộc vào độ trễ của chính sách.
Tại Tọa đàm Kinh tế vĩ mô giữa năm 2023 với chủ đề: "Phục hồi tổng cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới", GS.TS Nguyễn Thành Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều bất ổn xuất phát từ lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao.
Các ngân hàng Trung ương tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt, nhiều nền kinh tế lớn đã tăng trưởng chậm lại và các yếu tố chính trị như chiến sự Nga – Ukraine vẫn đang còn diễn biến khá phức tạp.
Trong tình hình đó, kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức. GDP 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 3,72%, đây là mức tăng thấp so với GDP cùng kỳ trong giai đoạn 10 năm qua (chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% cùng kỳ của năm 2020 – do ảnh hưởng mạnh của Covid-19 thời điểm đó).
Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt khoảng 232,2 nghìn tỷ đồng, chỉ tương đương 33% so với kế hoạch năm. Vốn thực hiện từ khu vực ngoài Nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 2% so với cùng kỳ, so với mức tăng trong năm 2022 là 9,5%.
Vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ. Tổng vốn FDI thực hiện ước đạt 10,02 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ, so với mức tăng 7,9% trong năm 2022.
Liên quan đến thương mại quốc tế, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại 12,25 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh so với cùng kỳ, lần lượt giảm 12,1% và 18,2% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, ASEAN, EU và một số quốc gia Đông Á đều giảm.
Lượng xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh nhất với mức 22,6%, lượng nhập khẩu từ Hàn Quốc chứng kiến mức giảm 25,6% - lớn nhất trong các thị trường chính. Điều này cũng khiến cho sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Việt Nam giảm mạnh so với cùng kỳ. Cũng trong 6 tháng đầu năm, tín dụng nền kinh tế chỉ tăng 3,13%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 8,51%.
PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu nhìn nhận, tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn rất yếu, mặc dù mức lãi suất đã có xu hướng giảm hơn so với năm 2022.
Phân tích sâu hơn về thực trạng tổng cầu ở Việt Nam, ông Phạm Thế Anh -Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân nhìn nhận, hiện cả 3 động lực từ phía cầu của Việt Nam đều đang suy yếu. Đầu tiên là tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng tốt trong quý I nhưng đã chậm lại trong quý II. Theo vị chuyên gia này, tiêu dùng dự kiến sẽ còn tăng chậm lại do lãi suất cao, thu nhập và tài sản của người dân đều giảm.
Trong khi đó một yếu tố động lực nữa là đầu tư công tuy có tăng khá song vẫn dưới mức kế hoạch. Đáng chú ý là đầu tư tư nhân tăng rất chậm trong khi vốn FDI tuy ổn định song khó có khả năng tăng mạnh.
Yếu tố động lực thứ ba là xuất khẩu đang có xu hướng giảm mạnh qua các quý, đặc biệt là giảm mạnh ở khu vực có vốn FDI.
Để cải thiện các vấn đề trên theo ông Phạm Thế Anh, việc kích cầu rất cần đến các chính sách kịp thời, thực hiện mang tính tạm thời và đúng đối tượng. Trên cơ sở đó khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua việc tiếp tục hạ lãi suất cho vay, đồng thời sử dụng tín dụng thuế đầu tư ngắn hạn.
Cùng với đó tiếp tục thúc đẩy nhanh đầu tư công, có hình thức kích thích tiêu dùng thông qua giảm thuế GTGT hàng thiết yếu, nâng mức thu nhập chịu thuế, trợ cấp an sinh xã hội.
Tại tọa đàm, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho hay tổng cầu của nền kinh tế là bộ phận tiêu dùng cuối cùng của nhà nước và dân cư gồm có đầu tư và xuất khẩu.
Tiêu dùng cuối cùng của nhà nước và dân cư được phản ánh qua hai chỉ tiêu, nhưng TS. Nguyễn Bích Lâm thiên về chỉ tiêu tiêu dùng cuối cùng được tính toán qua phương pháp sử dụng GDP.
Tiêu dùng cuối cùng này phản ánh thực tế người dân và Chính phủ chi tiêu bao nhiêu và đóng góp vào GDP bao nhiêu?
"Trong khi đó bức tranh tổng mức bán lẻ cũng phản ánh nhưng bức tranh tiêu dùng cuối cùng và tổng mức bán lẻ chênh lệch khá xa, và tôi khá băn khoăn về chuyện này. Chính vì vậy tôi mới đặt ra câu hỏi chúng ta cần đánh giá đúng thực trạng của GDP Việt Nam là như thế", ông Lâm nói.
Về tiêu dùng cuối cùng, con số tiêu dùng cuối cùng của 6 tháng năm 2023, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tăng 2,63% mức tăng thấp hơn so với 2021, tiêu dùng cuối cùng của 6 tháng năm 2021 là 3,56% năm 2022 là 6,6%. Những con số này cho thấy tổng cầu trong nước suy yếu rất mạnh và đây là gợi ý cho chúng ta có chính sách kích thích. Trong tổng cầu tiêu dùng cuối cùng này chiếm đến hơn 70% là chi tiêu của hộ gia đình hay nói cách khác là gia đình chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày. Do đó, sắp tới muốn kích cầu trong nước phải kích cầu làm sao cho người dân đẩy mạnh chi tiêu.
Anh Đào