Tăng trưởng kinh tế có thể tích cực hơn trong quý II/2023
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nhìn chung, kinh tế vĩ mô tháng 5 và 5 tháng đầu 2023 cơ bản được giữ ổn định; sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, doanh nghiệp, thu hút FDI.
Thị trường bất động sản tiếp tục chuyển biến bước đầu, có thể là tín hiệu tích cực tạo đà cho sự phục hồi trong thời gian tới.
Trong bối cảnh thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, nhiều chính sách, giải pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, kịp thời từ đầu năm đã bước đầu phát huy hiệu quả. Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam tháng Năm tiếp tục chuyển biến khá tích cực, góp phần cải thiện kết quả chung của 5 tháng đầu năm và tạo đà cho những tháng tiếp theo.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng CPI) bình quân 5 tháng tăng 3,55% so với cùng kỳ, tiếp tục xu hướng giảm (4 tháng tăng 3,84%), dù giá điện đã được tăng 3% từ ngày 4/5/2023; lạm phát cơ bản tiếp tục chuyển biến tích cực.
Cùng với đó, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; lãi suất cho vay giảm; ổn định tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường; bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng. Thu ngân sách nhà nước 5 tháng đạt 48% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 48,4% dự toán.
Thu hút FDI đăng ký tháng Năm đạt gần 2 tỷ USD, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước; tính chung 5 tháng đạt 10,86 tỷ USD, bằng 92,7% so với cùng kỳ năm trước (4 tháng chỉ bằng 82,1% so với cùng kỳ).
Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu tháng Năm tiếp tục có chuyển biến so với tháng Tư và quý I, tín hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế có thể tích cực hơn trong quý II. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng Năm ước lần lượt tăng 5,3%, 4,3% và 6,4% so với tháng trước (tháng Tư lần lượt giảm 7,7%, 7,3% và 8,1%); 5 tháng ước xuất siêu 9,8 tỷ USD (cùng kỳ năm 2022 là 0,24 tỷ USD).
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng Năm ước tăng 2,2% so với tháng trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 2,9%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Năm ước tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng tăng 12,6%. Đây là tốc độ tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2015 trở lại đây.
Điểm đáng chú ý khác, theo Bộ trưởng, đó là các vấn đề tồn đọng, vướng mắc tiếp tục được tập trung tháo gỡ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản bước đầu chuyển biến tích cực, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh…
“Tất cả đã hỗ trợ tích cực, từng bước khơi thông dòng tiền cho doanh nghiệp, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức lớn của thế giới, khu vực đã tiếp tục ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, thu hút đầu tư trong nước. Bên cạnh đó, khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp trong nước sau thời gian dài của dịch Covid-19 đã đến mức tới hạn. Do đó, cần có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn; phát huy kết quả đã đạt được, tranh thủ mọi nguồn lực, cơ hội, tận dụng thời gian để phục hồi kinh tế, thực hiện các giải pháp trong trung và dài hạn như tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn...
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới của từng bộ, cơ quan, trong đó, lưu ý một số nhiệm vụ, giải pháp như tập trung theo dõi sát, phân tích, dự báo các diễn biến lớn, bất ngờ của tình hình thế giới, các xu hướng lớn toàn cầu và tình hình trong nước; chủ động, quyết liệt xử lý theo thẩm quyền, kịp thời tham mưu, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
Bảo Anh