Bình Thuận: Sẽ hoàn thành khoảng 9.800 căn nhà ở xã hội
Đây là mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH) cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh.
Mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Kế hoạch để triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023.
Với quan điểm phát triển NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là trách nhiệm, nghĩa vụ và đạo đức của người làm quản lý Nhà nước, của xã hội, của các doanh nghiệp và của người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các Sở, ngành, địa phương phải quan tâm, có trách nhiệm, quyết liệt thúc đẩy phát triển NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp tỉnh. Các chủ thể có liên quan phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn và xác định việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà công nhân là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm.
Kế hoạch cũng đặt ra mục tiêu cụ thể đó là: phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ trên địa bàn tỉnh hoàn thành khoảng 9.800 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 5.600 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 4.200 căn.
Để đáp ứng mục tiêu trên, UBND tỉnh cũng đưa ra một số giải pháp chi tiết. Đó là phải hoàn thành việc lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bình Thuận đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Cần làm rõ các mục tiêu về NƠXH dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp để phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngoài ra, cần lập, phê duyệt kế hoạch triển khai cụ thể cho việc đầu tư các dự án NƠXH theo từng năm và theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030 đảm bảo nhu cầu của địa phương.
Các cơ quan liên quan có giải pháp đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng các dự án đang triển khai thực hiện, các dự án đã có chủ trương đầu tư, hay việc quy hoạch, bố trí và công khai các quỹ đất đã giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển NƠXH, nhà ở công nhân để doanh nghiệp quan tâm, đề xuất dự án.
Mặt khác, công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư NƠXH cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư; cân đối bố trí ngân sách của tỉnh để khuyến khích, ưu đãi thêm để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển NƠXH trên phạm vi địa bàn.
Quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Sở, ban, ngành nghiên cứu đơn giản hóa, rút ngắn các thủ tục hành chính trong lập, phê duyệt dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
UBND tỉnh cũng đề nghị các doanh nghiệp ngoài việc phát triển các dự án khu đô thị, nhà ở thì cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư phát triển NƠXH dành cho các đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo công tác an sinh, xã hội và đạt mục tiêu đề ra.
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp sử dụng nhiều công nhân, người lao động cần quan tâm xây dựng nhà lưu trú hỗ trợ chỗ ở cho công nhân, người lao động của doanh nghiệp thuê.
Theo Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2023 vừa được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt trước đó thì diện tích NƠXH cần xây dựng trong năm nay khoảng 184 nghìn m2, tỉnh sẽ cần 25,03ha đất và hơn 1.200 tỷ đồng cho chỉ tiêu này.