Bộ GTVT đề nghị cấp mới 9 mỏ vật liệu xây cao tốc trong tháng 12
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản kiến nghị 3 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long đẩy nhanh thủ tục, cấp 9 mỏ vật liệu mới cho nhà thầu ngay trong tháng 12/2023 để đáp ứng tiến độ thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau.
Nguyên nhân chậm tiến độ
Ngay sau khi khởi công, Bộ GTVT đã yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu khẩn trương huy động nguồn lực, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tổ chức triển khai thi công các hạng mục ít phụ thuộc vào nguồn vật liệu cát đắp nền với mục tiêu hoàn thành sản lượng khoảng 35% giá trị hợp đồng. Nguyên nhân chậm là do thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền đường.
Sau hơn 11 tháng thi công, mặc dù các nhà thầu đã huy động 440 máy móc thiết bị các loại, hơn 1.000 nhân sự, tổ chức 140 mũi thi công... nhưng sản lượng dự án mới đạt 15% giá trị hợp đồng, chậm so với kế hoạch đặt ra.
Theo Bộ GTVT, tại phiên họp lần thứ 5 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ba tỉnh ưu tiên bố trí ngay nguồn cát đắp cho dự án.
Tỉnh An Giang được giao bố trí 7 triệu m3 (năm 2023 là 3,3 triệu m3), hiện đã xác định được nguồn vật liệu có thể cấp 7,3 triệu m3.
Tỉnh Vĩnh Long được giao bố trí 5 triệu m3 (năm 2023 là 2,5 triệu m3), đến nay đã xác định được nguồn 2,86 triệu m3, còn thiếu 2,14 triệu m3.
Tỉnh Đồng Tháp được giao 7 triệu m3 (năm 2023 là 3,3 triệu m3), hiện đã xác định nguồn vật liệu với khoảng 7,2 triệu m3.
Về thủ tục cấp mỏ vật liệu, thời điểm hiện tại, tỉnh An Giang đã hoàn thành thủ tục cấp cho dự án 1,6 triệu m3, đang hoàn thiện các thủ tục đối với 4 mỏ với trữ lượng 5,7 triệu m3.
Đảm bảo hoàn thành cát san lấp trước 30/6/2024
Theo tính toán dựa trên tiến độ hoàn thành dự án vào cuối năm 2025, để chuyển sang giai đoạn chờ lớn ( từ 12-15 tháng), việc cung ứng toàn bộ khối lượng cát đắp cho hai dự án thành phần dự án đoạn Cần Thơ - Cà Mau (18,5 triệu m3) phải hoàn thành trước ngày 30/6/2024.
Căn cứ tình hình thực tế, Bộ GTVT kiến nghị cấp có thẩm quyền có ý kiến chỉ đạo UBND các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long chỉ đạo các sở, ngành triển khai đồng thời các thủ tục, đảm bảo đủ điều kiện để các nhà thầu tổ chức khai thác chậm nhất vào cuối tháng 12/2023 đối với 9 mỏ mở mới (tỉnh An Giang 4 mỏ, tỉnh Đồng Tháp 2 mỏ, tỉnh Vĩnh Long 3 mỏ).
Đồng thời, rà soát để có phương án nâng công suất khai thác các mỏ, đảm bảo hoàn thành việc cung ứng toàn bộ khối lượng đã được Thủ tướng Chính phủ giao trước ngày 30/6/2024.
Trường hợp không đủ điều kiện nâng công suất tại các mỏ, cần bổ sung thêm các mỏ mới để cấp cho dự án hoặc cung cấp từ các mỏ đang khai thác trên địa bàn để đáp ứng tiến độ triển khai dự án.
Đối với tỉnh Vĩnh Long, Bộ kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị liên quan xác định đủ nguồn cung cho khối lượng khoảng 2,14 triệu m3 còn thiếu và hoàn thành thủ tục để khai thác trong tháng 2/2024.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 44 với 12 dự án thành phần có tổng chiều dài khoảng 729km,.
Bao gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị (267km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353km) và Cần Thơ - Cà Mau (109km), đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố. Tổng mức đầu tư trên 146.000 tỉ đồng theo hình thức đầu tư công. Dự án sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026.
Trong đó, tuyến Cần Thơ - Cà Mau được chia thành 2 dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau có quy mô lớn, hiện đại, đi qua nhiều địa phương.
Đây là tuyến đường bộ cao tốc thuộc hệ thống đường cao tốc phía Nam và là một trong 2 tuyến trục dọc trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, tuyến kết nối 2 cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.
Nhật Hạ