Bất động sản công nghiệp với những động lực tăng trưởng mới
Từ đầu năm 2023, phân khúc bất động sản công nghiệp tiếp tục ghi nhận dòng vốn FDI lớn được “rót” vào khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tìm đến Việt Nam, giúp BĐS công nghiệp có thêm nhiều động lực phát triển.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê tính đến ngày 20/2/2023, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đã đạt gần 3,1 tỷ USD, trong đó đã giải ngân được khoảng 2,55 tỷ USD (khoảng 82%).
Cùng với đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 2/2023 ước tính tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là điều kiện tốt để bất động sản công nghiệp Việt Nam thu hút các nhà đầu tư mới và ổn định nguồn cầu.
Còn theo khảo sát của CBRE Việt Nam, tại miền Nam, giá thuê đất bình quân tăng 8 – 13% theo năm và đạt 166 USD/m2/kỳ hạn thuê, cao hơn khoảng 38% so với mức trung bình của khu vực miền Bắc. Giá thuê có thể đạt 280 - 300 USD/m2/kỳ hạn thuê tại các vị trí đắc địa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Long An.
Tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp trên cả nước hiện nay khoảng 80%, trong đó các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đạt trên 85% tổng diện tích. Riêng tỉnh Bình Dương là địa phương có tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp cao nhất cả nước, với 29 khu công nghiệp đang hoạt động, có tỷ lệ lấp đầy đạt trên 95%.
Trong khi đó, tại khu vực miền Bắc, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp đạt 83,2%. Trong đó, đa phần các doanh nghiệp thuê là các nhà sản xuất điện tử, năng lượng mặt trời và ôtô. Tiếp theo là doanh nghiệp phát triển nhà kho xây sẵn và nhà xưởng xây sẵn. Giá thuê trung bình ở mức 120 USD/m2/kỳ hạn thuê, tăng 11% so với năm trước.
Hiện, những đơn vị có quỹ đất sẵn sàng cho thuê như IDICO, Sonadezi Châu Đức, Becamex, Viglacera đang được nhiều nhà đầu tư tìm đến đàm phán ký hợp đồng thuê. Dự báo, với giá cho thuê cao sẽ giúp những doanh nghiệp này duy trì tỷ suất lợi nhuận gộp trên 40% trong năm 2023...
Trưởng bộ phận Dịch vụ công nghiệp Savills Việt Nam John Campbell đánh giá, thị trường BĐS công nghiệp của Việt Nam đang có rất nhiều dư địa để phát triển thêm các dự án như trung tâm dữ liệu, kho lạnh và logistics. Nhu cầu thuê đất công nghiệp tiếp tục cao trong năm nay, trong đó, điểm đáng chú ý là xu hướng gia tăng đầu tư cho các sản phẩm chuyên biệt như nhà kho xây sẵn (RBW), nhà xưởng xây sẵn (RBF), logistics (kho bãi, hậu cần), data centers (trung tâm dữ liệu)...
Có thể kể đến trong năm 2022, Quỹ đầu tư Chính phủ Singapore (GIC) và ESR đã hợp tác thành lập liên doanh trị giá 600 triệu USD. Trong năm nay, ESR tiếp tục mua cổ phần của BW Industrial – Công ty BĐS công nghiệp và logistics lớn tại Việt Nam.
Nhiều tập đoàn lớn khác cũng có kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam trong thời gian tới như Samsung đang tìm cách tăng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 20 tỷ USD, tập trung vào trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các lĩnh vực khác. Nhà sản xuất xe điện Trung Quốc (EV) BYD Auto Co có kế hoạch xây dựng một nhà máy tại Việt Nam để sản xuất phụ tùng nhằm tăng thêm chuỗi cung ứng ở Đông Nam Á
Hay sự kiện phái đoàn hơn 50 doanh nghiệp lớn như Boeing, Coca-Cola, CitiBank, Meta, SpaceX, Netflix, Abbott, Apple, Meta, Amazon…, từ Mỹ đến Việt Nam trong tuần qua thêm một lần nữa khẳng định Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành trung tâm công nghiệp hàng đầu khu vực, khi ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp điện tử chọn Việt Nam là điểm đến.
Với những tín hiểu khả quan trên, các chuyên gia dự báo, trong trung và dài hạn, thị trường BĐS Việt Nam, trong đó phân khúc BĐS công nghiệp vẫn sẽ được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố, như kinh tế ổn định, tăng trưởng GDP hàng năm ở mức cao, nguồn vốn FDI ổn định…
Ngoài ra, chính sách mới như Nghị quyết 18-NQ/TW về đất đai bỏ quy định về khung giá đất và xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường… sẽ đem đến nhiều thay đổi lớn với thị trường trong năm 2023.
Đan Linh