0922 281 189 [email protected]
Thứ năm, 12/10/2023 14:19 (GMT+7)

Bắc Giang: Triển khai nhiều giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân

Theo dõi KT&TD trên

Bắc Giang là một trong những địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp rất nhanh, toàn tỉnh hiện có 6 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với khoảng 168.000 công nhân lao động, trong đó có lượng lớn công nhân từ nhiều tỉnh, thành phố khác về sinh sống, làm việc.

Để người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, Bắc Giang quan tâm, coi phát triển nhà ở cho công nhân là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Tỉnh Bắc Giang xác định đến năm 2025 sẽ giải quyết khoảng 80% số công nhân có nhu cầu về nhà ở tại các khu, cụm công nghiệp theo Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Nhằm hiểu rõ hơn về mục tiêu, giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân tại tỉnh Bắc Giang, Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Sơn – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang.

Bắc Giang: Triển khai nhiều giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân
Ông Nguyễn Ngọc Sơn – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang.

PV: Thưa ông, xin ông cho biết thực trạng nhà ở cho công nhân tại các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện nay?

Ông Nguyễn Ngọc Sơn: Năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 110-NQ/TU ngày 09/6/2021 về phát triển NƠXH dành cho công nhân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển NƠXH dành cho công nhân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 629/QĐ-UBND ngày 24/6/2021 (Đề án 629)

Đến năm 2023, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 629, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2025” (Đề án 338).

Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng đã thực hiện điều tra, khảo sát, đánh giá lại nhu cầu nhà ở của công nhân và các đối tượng thu nhập thấp và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh Đề án 629 tại Quyết định 908/QĐ-UBND ngày 17/8/2023 (Đề án 908) với 02 nội dung điều chỉnh cơ bản: Điều chỉnh đối tượng thụ hưởng NƠXH (bổ sung đối tượng thu nhập thấp); điều chỉnh chỉ tiêu số lượng căn hộ NƠXH.

Theo Đề án 908, UBND tỉnh Bắc Giang xác định chỉ tiêu phát triển nhà ở như sau: Giai đoạn 2022-2025: Đầu tư xây dựng tối thiểu 33.300 căn NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp; Giai đoạn 2026-2030: Đầu tư xây dựng tối thiểu 41.700 căn NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp.

Danh mục dự án dự kiến triển khai tổng số 24 dự án (gồm cả các dự án đang thực hiện, tổng số căn hộ NƠXH dự kiến hình thành theo dự án khoảng 41.417 căn hộ). Đồng thời tùy vào tình hình phát triển kinh tế- xã hội từng thời điểm, nhu cầu công nhân, nhu cầu của đối tượng thu nhập thấp trên địa bàn để kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án NƠXH trong Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện được mục tiêu theo Đề án 338 của Chính phủ đề ra.

Tính đến tháng 10/2023, trên địa bàn toàn tỉnh đã triển khai 15 dự án (14 dự án NƠXH và 01 dự án Khu đô thị có đầu tư xây dựng NƠXH), quy mô sử dụng đất khoảng 79,44ha, tổng vốn đầu tư khoảng 21.229 tỷ đồng, tổng số căn hộ dự kiến hình theo theo dự án khoảng 28.863 căn hộ.

Trong thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Chủ trương đầu tư các dự án phát triển NƠXH theo danh mục dự án do Đề án 908 của tỉnh; Tùy tình hình thực tế có thể sẽ tham mưu thêm một số các dự án nữa để thực hiện đảm bảo mục tiêu đề ra.

PV: Được biết, Bắc Giang là tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp lớn với hàng nghìn công nhân đang sinh sống và làm việc. Tuy nhiên, nhu cầu nhà ở cho công nhân vẫn chưa đáp ứng mục tiêu đề ra, vậy nguyên nhân là do đâu thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Sơn: Từ thực trạng như nêu trên, ta thấy số lượng căn hộ dự kiến hình thành theo các dự án đang triển khai là 28.863 căn hộ vẫn còn thiếu so với mục tiêu tối thiểu của Đề án 908 của tỉnh cũng như Đề án 338 của Thủ tướng Chính phủ đề ra (đến năm giai đoạn 2021- 2025 là 33.200 căn hộ, giai đoạn 2026- 2030 là 41.700 căn hộ). Do đó cần phải thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư và thu hút thêm các dự án khác, đồng thời cần phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án của các nhà đầu tư để hiện thực hóa việc hoàn thành mục tiêu đầu tư.

Trong quá trình triển khai thực hiện, tôi nhận thấy có một số nguyên nhân của việc phát triển NƠXH chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra.

Cụ thể là, nhóm nguyên nhân đến từ chính sách hiện hành: Thủ tục đầu tư xây dựng, mua, bán NƠXH còn phức tạp;

Giá bán NƠXH được đầu tư xây dựng bằng vốn của doanh nghiệp, phải được cơ quan nhà nước thẩm định trước khi bán, cho thuê. Việc này, làm kéo dài thời gian, gây tốn kém cho doanh nghiệp.

Chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án NƠXH, nhà ở công nhân chưa đủ hấp dẫn, có nội dung chưa thực chất là ưu đãi cho doanh nghiệp mà chỉ hướng đến người mua nhà nên không đủ sức hút Nhà đầu tư thực hiện.

Khó khăn nữa là theo quy định hiện nay, các dự án NƠXH phải dành tối thiểu 20% diện tích NƠXH trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng. Song thực tế, nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này, dẫn tới lãng phí; chủ đầu tư không được bán nên không thể thu hồi vốn.

Thêm nữa, Luật Nhà ở hiện hành chưa có quy định cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc đối tượng được mua, thuê, thuê mua NƠXH, trong khi họ có nhu cầu thuê cho người lao động ở để phục vụ tối đa hóa thời gian sản xuất.

Nhóm nguyên nhân đến từ thực tế triển khai thực hiện dự án: Người dân có đất ruộng thuộc ranh giới dự án không đồng thuận với giá đền bù giải phóng mặt bằng do nhà nước ban hành;

Một số hộ dân gần các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp cho rằng khi đầu tư NƠXH để phục vụ công nhân thì sẽ ảnh hưởng đến thu nhập từ cho thuê nhà trọ của họ (công nhân sẽ không ở nhà thuê trọ nữa mà chuyển vào ở NƠXH), từ đó đã thực hiện tuyên truyền cho các hộ khác gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng.

Thị trường bất động sản trong thời gian gần đây đang trầm lắng, tính thanh khoản không cao. Đây cũng là một nguyên nhân khiến các nhà đầu tư chậm triển khai thực hiện.

Thực tế việc vay vốn ưu đãi của các nhà đầu tư theo các gói hỗ trợ của nhà nước (gói 120.000 tỷ đồng) triển khai rất chậm, điều kiện còn khó khăn: Theo quy định thì để được vay gói 120.000 tỷ đồng thì phải “đã hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng”. Việc giải phóng mặt bằng hoàn thành cho cả dự án thực tế là rất khó khăn như đã nói trên, do đó sẽ rất ít các dự án NƠXH có thể được tiếp cận gói 120.000 tỷ đồng

Chính sách hỗ trợ nhà đầu tư về chi phí đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào dự án và chi phí giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất thực hiện dự án do vướng mắc từ các Luật khác (Luật quản lý sử dụng tài sản công, Luật Đất đai, Luật đầu tư, Luật thuế) nên địa phương rất khó triển khai thực hiện hỗ trợ phần chi phí này.

PV: Theo quy định, khi triển khai xây dựng các Khu công nghiệp, các doanh nghiệp phải dành 2% quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân. Tại Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang việc này được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Sơn: Từ khi Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/4/2022 quy định về phát triển Khu công nghiệp được ban hành. Các đồ án Quy hoạch Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều được quy hoạch khu đất dịch vụ để xây dựng công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong Khu công nghiệp, Khu kinh tế là công trình công cộng được phân loại theo công năng sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng, trong đó bao gồm: Cơ sở lưu trú phục vụ trực tiếp cho người lao động làm việc trong Khu công nghiệp, Khu kinh tế.

Bắc Giang: Triển khai nhiều giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân
Dự án NƠXH dành cho công nhân xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang do Liên danh Công ty Cổ phần phát triển Fuji Bắc Giang và Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng VINACO làm chủ đầu tư, với quy mô sử dụng đất 76,73 ha, đáp ứng khoảng 94.644 công nhân.

PV: Vậy thưa ông, với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện Đề án 908, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang sẽ triển khai các giải pháp cụ thể ra sao để đạt được mục tiêu đề ra?

Ông Nguyễn Ngọc Sơn: Theo tôi, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang cần triển khai thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất: Tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh xây dựng định hướng việc phát triển NƠXH, đồng thời xây dựng lộ trình triển khai thực hiện các dự án NƠXH để đảm bảo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và đảm bảo hiệu quả cao nhất của việc huy động các nguồn lực trong phát triển NƠXH; Hàng năm tổ chức khảo sát lại nhu cầu ở NƠXH của công nhân và các đối tượng thu nhập thấp, đánh giá lại công tác triển khai thực hiện các dự án cụ thể, từ đó để điều chỉnh lại Đề án phát triển NƠXH của tỉnh cho phù hợp và đưa ra các giải pháp thực hiện đảm bảo tính khả thi.

Thứ hai: Tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ giao các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu lại các chính sách hỗ trợ về NƠXH đảm bảo thực chất, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp: Đơn giản hóa các thủ tục về thẩm định giá bán, cho thuê, cho thuê mua, thủ tục xét duyệt các đối tượng được mua, thuê, thuê mua NƠXH; Bổ sung đối tượng doanh nghiệp sử dụng lao động là một trong các đối tượng được hưởng chính sách về NƠXH;

Xem xét giảm tỷ lệ NƠXH tối thiểu bắt buộc phải cho thuê đối với các dự án NƠXH, do hiện nay các đối tượng thuê NƠXH chủ yếu là công nhân các khu công nghiệp đã có nhà ở lưu trú (được bố trí tại lô đất dịch vụ 2% trong Khu công nghiệp theo Nghị định 35 về phát triển Khu công nghiệp);

Sửa đổi đồng bộ các Luật khác có liên quan để địa phương có thể hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng NƠXH về kinh phí giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng theo quy định; cũng như để các doanh nghiệp được hưởng tối đa các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Thứ ba: Bám sát, theo dõi chặt chẽ tiến độ thực hiện các dự án NƠXH đang triển khai; song hành cùng các nhà đầu tư giải quyết, tháo gỡ các khó khăn trong quá trình triển khai, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng; hỗ trợ các thủ tục pháp lý có liên quan để Nhà đầu tư có thể tiếp cận vay vốn theo gói 120 nghìn tỷ; Giao nhiệm vụ triển khai giải phóng mặt bằng các dự án NƠXH là nhiệm vụ trọng tâm của Chủ tịch UBND cấp huyện nơi thực hiện dự án.

Thứ tư: Tham mưu UBND tỉnh bố trí các quỹ đất xây dựng NƠXH trong đồ án quy hoạch Khu đô thị nhất là các khu đô thị gần các Khu, cụm công nghiệp để đáp ứng nhu cầu ở của các đối tượng xã hội; Đối với các Khu công nghiệp hình thành mới sẽ yêu cầu Nhà đầu tư xây dựng hạ tầng thực hiện đầu tư tạo quỹ đất phục vụ xây dựng nhà lưu trú đáp ứng đủ nhu cầu ở của công nhân trong Khu công nghiệp hoặc trực tiếp đầu tư nhà ở lưu trú cho công nhân.

Thứ năm: Xác định việc thu hút đầu tư khu đô thị trên địa bàn tỉnh được gắn liền với việc đầu tư NƠXH (làm khu đô thị thì phải làm luôn cả NƠXH); Đối với những khu vực có nhu cầu NƠXH cao thì Nhà nước thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật tạo quỹ đất sạch để lựa chọn chủ đầu tư xây dựng NƠXH;

PV: Theo thống kê của Liên đoàn lao động tỉnh Bắc Giang, toàn tỉnh có khoảng 40.000 công nhân ngoại tỉnh đang phải thuê nhà trọ. Điều kiện sinh hoạt chật chội, ẩm thấp. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã thống nhất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh về chủ trương bố trí quỹ đất xây dựng Khu thiết chế Công đoàn, trong đó bao gồm nhà ở cho công nhân lao động. Xin ông cho biết, tiến độ triển khai của dự án này?

Ông Nguyễn Ngọc Sơn: Thực hiện Quy chế phối hợp số 01/QCPH-TLĐ-UBND ngày 15/4/2021 giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và UBND tỉnh Bắc Giang, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng bố trí quỹ đất để đầu tư xây dựng thiết chế công đoàn.

Sở Xây dựng đã tích cực phối hợp với các Sở, ngành và UBND các huyện để triển khai tìm kiếm, bố trí địa điểm để thực hiện thiết chế Công đoàn, trong đó gồm cả đất để xây dựng NƠXH.

Đến nay, Ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn có văn bản chấp thuận vị trí thực hiện dự án thiết chế công đoàn (tại lô HH1 và CT1 thuộc Khu dân cư đường Hồ Công Dự, thị trấn Bích Động) do UBND tỉnh giới thiệu (tại Văn bản số 4519/UBND-KTN ngày 10/8/2023)

Tuy nhiên, theo quy chế làm việc của Tổng Liên đoàn thì Ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn phải trình xin ý kiến Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trước khi có công văn chấp thuận vị trí thực hiện dự án do UBND tỉnh giới thiệu. (Hiện nay Ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn đã có Tờ trình số 68/TTr-BQLDA ngày 28/8/2023)

Sau khi có văn bản chấp thuận của Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với UBND huyện Việt Yên và các cơ quan có liên quan để thực hiện các bước tiếp theo: Xây dựng kế hoạch triển khai; điều chỉnh quy hoạch chi tiết; chấp thuận dự án đầu tư; giao đất cho thuê đất… theo quy định.

PV: Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

Bạn đang đọc bài viết Bắc Giang: Triển khai nhiều giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Người dân không mặn mà với việc vay vốn giá rẻ để mua nhà
Dù lãi suất cho vay mua nhà duy trì mức thấp suốt hơn 1 năm qua, nhưng nghịch lý là không có nhiều người dân lựa chọn vay ngân hàng để mua nhà. Thực tế là giá chung cư tại Hà Nội liên tục leo thang, lãi suất cho vay mua nhà lại ở mức thấp nhất từ trước đến nay.

Tin mới

Kim Oanh Group lần thứ hai được vinh danh TOP 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam
Ngày 19/11/2024, Kim Oanh Group tiếp tục được xướng tên trong TOP 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024. Đây là lần thứ 2 liên tiếp Kim Oanh Group được Anphabe – đơn vị tiên phong về giải pháp Thương hiệu Nhà tuyển dụng và Môi trường làm việc Hạnh phúc – trao tặng giải thưởng quan trọng này.
Những loại đồ uống giúp tăng cường miễn dịch khi giao mùa
Thời tiết giao mùa là thời điểm mà hệ miễn dịch của cơ thể thường suy giảm, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như cảm cúm, viêm họng và mệt mỏi. Để bảo vệ sức khỏe trong giai đoạn này, việc bổ sung các loại đồ uống tăng cường miễn dịch là rất quan trọng.
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024
Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ 14/11/2024 - 20/11/2024) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc không đạt kỳ vọng của nhà đầu tư, xung đột tại khu vực Trung Đông vẫn tiếp diễn, xung đột quân sự giữa Nga với Ucraina có dấu hiệu leo thang...
Tiếp sức cho doanh nghiệp
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/10, tín dụng đã tăng 16,65% so với cùng kỳ 2023. Nhiều ngân hàng thương mại đã đạt mức tăng trưởng tín dụng từ 10%-17% trong 9 tháng đầu năm, tăng cao hơn tín dụng chung toàn ngành.
Dự án đường sắt tốc độ cao: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt “vươn mình”
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc–Nam với tổng vốn đầu tư khoảng trên 67 tỷ USD sẽ xóa “điểm nghẽn” về vận tải bằng đường sắt vốn đã quá lạc hậu như hiện nay và cũng tạo cơ hội cho các DN Việt Nam từ cơ khí chế tạo, công nghệ đến tài chính tham gia để tự “vươn mình” lớn lên trong kỷ nguyên mới.