21 ngân hàng, 6 công ty tài chính được chấp thuận tăng vốn điều lệ
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận cho 21 ngân hàng và 6 công ty tài chính được tăng vốn điều lệ.
Mới đây, trong báo cáo gửi tới Quốc hội, NHNN cho biết đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 21 ngân hàng thương mại cổ phần. Việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng này chủ yếu là từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng (lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ).
Các ngân hàng được chấp thuận tăng vốn điều lệ là: NHTMCP Phát triển TP.HCM, Quân Đội, Đông Nam Á, Kỹ thương, Xuất Nhập Khẩu, Phương Đông, An Bình, Sài Gòn - Hà Nội, Bản Việt, Hàng Hải, Kiên Long, Nam Á, Á Châu, Quốc tế, Tiên Phong, Bưu điện Liên Việt, Bắc Á, Việt Á, Việt Nam Thương Tín, Quốc Dân, Việt Nam Thịnh Vượng.
Ngoài ra, NHNN đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 6 công ty tài chính. Đó là: Công ty Tài chính trách nhiệm hữu hạn một thành viên Bưu điện, Công ty CTTC TNHH MTV Quốc tế Chailease, Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei, Công ty Tài chính Lotte, Công ty Tài chính cổ phần Điện Lực, Công ty Tài chính TNHH HD SAISON.
NHNN cũng đã trình và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV về một số nội dung tăng vốn điều lệ của Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước số tiền 17.100 tỷ đồng (trong đó năm 2023 là 6.753 tỷ đồng; năm 2024 là 10.347 tỷ đồng).
NHNN cho biết, hiện đã thay mặt Chính phủ ký văn bản số 288/CP-KTTH ngày 09/6/2023 gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí đối với nội dung dự kiến đưa vào Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV về chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.
Với 3 ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (Vietcombank, VietinBank, BIDV), NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vốn nhà nước cho BIDV từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 và chỉ đạo Vietcombank, VietinBank hoàn thiện lại phương án tăng vốn từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nhằm nâng cao năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại nhà nước, trên cơ sở đề xuất của NHNN, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 31/3/2023 phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank từ nguồn chi trả cổ tức cho cổ đông Nhà nước thông qua việc Vietcombank phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích các quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt, chia cổ tức bằng cổ phiếu năm 2019, từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích các quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2020.
Song song với việc tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ hàng năm, các ngân hàng cũng đang xây dựng phương án tăng vốn điều lệ thông qua hình thức chào bán cổ phần riêng lẻ (Vietcombank, BIDV).
Tăng vốn điều lệ luôn là ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng. Nhưng trong thời kỳ kinh tế khó khăn, cổ đông không sẵn tiền, cổ phiếu mất giá khi chứng khoán ảm đạm, thị trường trái phiếu đi xuống… việc tăng vốn của các ngân hàng gặp không ít thách thức.
Trong nhiều năm liền, các ngân hàng đã liên tục tăng vốn nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe về an toàn hoạt động, tăng cường hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) và đáp ứng tiêu chuẩn Basel 2, đồng thời có thêm nguồn lực để mở rộng kinh doanh. Bản thân các ngân hàng đều muốn tăng vốn điều lệ do mức vốn hiện khá “mỏng” so với quy mô hoạt động.
Việc tăng vốn cũng là yêu cầu đề ra trong đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Việc tăng vốn trở nên cấp thiết để bảo đảm sức khỏe tài chính cho các ngân hàng, nhằm gia cố “bộ đệm vốn” dày hơn, giúp các ngân hàng ít bị tổn thất khi rủi ro xảy ra.