Yêu cầu NHNN sớm thực hiện chủ trương chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém
Chính phủ yêu cầu NHNN phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước khẩn trương hoàn thành việc định giá các ngân hàng yếu kém để sớm thực hiện chủ trương chuyển giao bắt buộc; hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách Nhà nước
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 năm 2024. Nghị quyết nêu tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, nhất là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, đầu tư thương mại, dịch vụ, du lịch tiếp tục xu hướng phục hồi và phát triển tích cực.
Thời gian tới, dự báo tình hình trong nước, thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, vì vậy, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01, 02 của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp theo Chỉ thị số 26 của Ban Bí thư và Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tết, phục vụ nhân dân vui Xuân, đón Tết, không để ai không có Tết.
Bám sát diễn biến tình hình cung cầu thị trường, giá cả, nhất là những mặt hàng thiết yếu, chủ động triển khai chương trình bình ổn thị trường, giá cả vào dịp Tết Nguyên đán. Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả kết hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách Nhà nước; triển khai ngay chủ trương tiết kiệm chi thường xuyên 5%. Chính phủ yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), đồng thời tạo thuận lợi, khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi…
Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo; kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Phát triển mạnh các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế; thực hiện đồng bộ các giải pháp phấn đấu giảm chi phí logistics; tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút mạnh mẽ khách du lịch quốc tế, trong nước. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp, bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực quốc gia; đồng thời bảo đảm xuất khẩu gạo bền vững, hiệu quả, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
Trong Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đột phá về phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình hạ tầng chiến lược về giao thông. Động viên, khích lệ, yêu cầu các nhà thầu thi công xuyên Tết, "3 ca, 4 kíp", "vượt nắng, thắng mưa" để phấn đấu đạt và vượt tiến độ các công trình, dự án trọng điểm. Triển khai đầy đủ các chính sách an sinh xã hội, quan tâm, chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; thực hiện nghiêm chính sách đối với người có công, kịp thời hỗ trợ các đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán.
Chính phủ cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không lơ là, chủ quan; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh cải cách hành chính, thường xuyên rà soát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Yêu cầu sớm thực hiện chủ trương chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương bám sát diễn biến thị trường để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình thực hiện hạn mức tín dụng năm 2024, điều hành linh hoạt, kịp thời, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, kiên quyết chống tiêu cực trong cung ứng tín dụng.
Chính phủ cũng yêu cầu nhà điều hành theo dõi chặt chẽ diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để kịp thời thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường vàng; tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong mua, bán vàng, ngoại tệ và thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, NHNN được giao chỉ đạo các tổ chức tín dụng, cơ quan liên quan bảo đảm vận hành hệ thống thanh toán hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu thanh toán, rút tiền mặt của người dân, doanh nghiệp, khách du lịch trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu NHNN phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước khẩn trương hoàn thành việc định giá các ngân hàng yếu kém để sớm thực hiện chủ trương chuyển giao bắt buộc; hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).
Qua đó có giải pháp hiệu quả kiểm soát nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngân hàng, kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm, bảo đảm an ninh, kỷ luật thị trường tiền tệ, ngân hàng.
Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024 diễn ra vào sáng 8/1, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết trong năm 2024, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; phấn đấu năm 2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém).
Theo Thống đốc, trong năm 2023, dư âm của sự cố rút tiền hàng loạt tại SCB vào cuối năm 2022 vẫn còn, cộng hưởng với tác động đổ vỡ của một số ngân hàng tại Mỹ và châu Âu, xu hướng tín dụng tăng chậm lại trên khắp toàn cầu... là những yếu tố tác động không thuận tới thanh khoản, tâm lý, kỳ vọng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và người dân.
Tuy vậy, năm 2023, hệ thống tổ chức tín dụng vẫn cơ bản hoạt động ổn định, huy động và cung ứng vốn cho nền kinh tế tiếp tục tăng.
Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” được tích cực triển khai. Việc định giá các ngân hàng chuyển giao bắt buộc dù chưa có tiền lệ, nhưng đến nay, về cơ bản đã hoàn thành, tạo cơ sở cho việc hoàn tất phương án chuyển giao chi tiết trong thời gian tới.
Hồng Quang