Yên Bái: Cần thu hồi dự án không hiệu quả
Là một tỉnh miền núi Trung du với nhiệm vụ giữ đất, giữ rừng, giữ gìn môi trường, kinh tế Yên Bái còn nghèo nên luôn khát khao tìm đối tác đầu tư để từng bước đưa nền kinh tế phát triển, cải thiện đời sống của nhân dân các dân tộc.
Chính vì vậy, Yên Bái luôn mở rộng vòng tay, trải thảm đỏ đón nhận bạn bè và các nhà đầu tư đến làm ăn, sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Cũng chính vì sự mến khách ấy, nhiều nhà đầu tư đã đến đây và gặt hái được những thành công đáng kể, một mặt mang lại lợi ích cho chính họ mặt khác đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trái ngược với những điều tích cực ấy, có một số nhà đầu tư Hàn Quốc đã mang lại cho nơi đây nỗi thất vọng và mất niềm tin của chính quyền và nhân dân.
Ngược dòng thời gian để thấy được cốt lõi vấn đề và những gì không trung thực của người gọi là “nhà đầu tư Hàn Quốc”. Vào ngày 9/11/2017, ba nhà đầu tư mang quốc tịch Hàn Quốc có văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư tại tỉnh Yên Bái gồm: nhà đầu tư số 1 Công ty TNHH PNTECH Co.LTD do ông Han Sang Oang sinh năm 1955 có hộ chiếu M55949186 do Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cấp 21/9/2016; nhà đầu tư số 2 Công ty TNHH KUMI OUNG ENG do ông Choi Sung Ho sinh năm 1970 có hộ chiếu số M17037357 do Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cấp ngày 05/9/2017; Nhà đầu tư số 3 Công ty TNHH TRU WIN do ông Nam Yong Hyun sinh năm 1963 có hộ chiếu số M28792091 do Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cấp ngày 21/1/2009. Nội dung đầu tư: Sản xuất linh kiện điện tử “sản xuất và phát triển kỹ thuật, sản xuất mặt kính Coverglass” với công suất 54 triệu sản phẩm mỗi năm.
Cụ thể: năm thứ nhất sản xuất 18 triệu sản phẩm, năm thứ hai sản xuất 48 triệu sản phẩm, từ năm thứ ba trở đi sản xuất 54 triệu sản phẩm. Tổng vốn đầu 4.994 tỷ đồng, tương đương 220 triệu USD, nguồn vốn được cam kết là 100% nguồn vốn nước ngoài. Trong đó, vốn góp Công ty TNHH PNTECHCOLTD là 449,460 tỷ đồng, tương đương 19,8 triệu USD = 30% dự án; Công ty TNHH KUMI OUNG ENG là 449,460 tỷ đồng, tương đương 19,8 triệu USD = 30%; Công ty TNHH TRU WIN Co.LTD là 559,280 tỷ đồng, tương đương 26,4 USD = 40% và nguồn vốn vay là 154 triệu USD. Các chi tiết của dự án như dây chuyền thiết bị, các hạng mục khác đều được nêu rất đầy đủ trong bản dự án (vì số lượng chi tiết nhiều nên không tiện nêu ở bài viết này).
Thời gian thực hiện dự án hoàn thành cấp phép đầu tư vào tháng 1/2018, thực hiện các công việc khác như thi công, đào tạo công nhân, lắp đặt máy móc, thiết bị… từ 1/2018 đến tháng 2/2019 và đưa dự án vào hoạt động từ tháng 4/2019 với tổng số lao động là 1.472 người, trong đó lao động Hàn Quốc 23 người, lao động trực tiếp người Việt Nam là 1.409 người, lao động gián tiếp 40 người. Các khoản thuế thu được của dự án như: thuế VAT năm 2019 là 3.658.131,83 USD; năm 2020 là 11.021.713,64 USD; năm 2021 là 13.821.109,09 USD; năm 2022 là 14.864.904,55 USD.
Các khoản thu nhập sau thuế gồm: năm 2020 là 76.901.074,22 USD; năm 2021 là 105.250.112,53 USD; năm 2022 là 116.784.876,28 USD. Qua số liệu trên cho thấy, nếu nhà đầu tư thực hiện đúng cam kết sẽ là cơ hội cho tỉnh Yên Bái một mặt giải quyết được công ăn việc làm, thu nhập cho trên 1.000 lao động và thu được một nguồn thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước từ khoản thuế VAT và thuế thu nhập, đồng thời tạo ra một nguồn dịch vụ bao quanh khu vực nhà máy sản xuất.
Đáp ứng đề nghị thực hiện dự án của “ba nhà đầu tư Hàn Quốc” nêu trên, chính quyền tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, người dân tạo mọi điều kiện tốt nhất trong việc cấp phép đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng một cách nhanh nhất để tiến hành thi công mặt bằng với gần 6ha đất ở vị trí thuận tiện nhất. Có thể khẳng định, tất cả những thủ tục liên quan cho việc thực hiện dự án tỉnh Yên Bái đã ưu ái hết mực, không chỉ trải thảm đỏ mà còn trải thảm nhung đỏ đẹp nhất để chào đón dự án. Ngày khởi công công trình, UBND tỉnh, các cấp các ngành, các cơ quan doanh nghiệp, bà con nhân dân tập hợp với một số lượng đông như một ngày hội lớn tới dự Lễ khởi công công trình, còn có cả Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương… Đáp lại sự quan tâm và lòng tốt ấy thì ba nhà đầu tư Hàn Quốc đã làm được gì để thể hiện mình là nhà đầu tư nước ngoài, xin nói là họ không làm được như những lời đã hứa, họ được xem như những người lừa dối có thứ hạng… Sau khi thi công chưa hoàn chỉnh mặt bằng thì ba nhà đầu tư đã mất hút không thấy tăm hơi, theo các thông tin thu thập được vì họ không có vốn và không vay được tiền của ngân hàng.
Đến 14/3/2019, xuất hiện một quyết định của đại cổ đông Công ty Cổ phần EDGEGLASS bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Mai sinh năm 1964 quốc tịch Việt Nam, thay ông LEE JAE OH (Hàn quốc) giữ chức Tổng Giám đốc dự án. Điều mà dư luận quan tâm là bà Nguyễn Thị Mai này có bao nhiêu cổ phần trong công ty hay chỉ là người có “khả năng quan hệ” với các cơ quan chức năng Việt Nam nên các nhà đầu tư Hàn Quốc mới tiến cử làm Tổng Giám đốc để giải quyết những tồn tại do không thực hiện được dự án và xin lại số tiền giải phóng mặt bằng và tiền ký quỹ…
Quá trình tìm hiểu thấy rằng, từ đầu tháng 7/2019 đến nay, trên mặt bằng của dự án xuất hiện một chiếc máy xúc và vài chiếc ôtô cỡ nhỏ mà họ cố ý để trên hiện trường như thể chứng minh là “chúng tôi đang tái khởi động dự án, cũng từ đó đến nay họ bố trí một ông công nhân khoảng 60 tuổi dựng một chiếc lều lụp sụp để trông coi mặt bằng của dự án, khi xuất hiện người lạ đến mặt bằng thì ông công nhân này cấm quay phim và chụp ảnh. Như vậy, đến thời điểm này đã hơn 6 năm kể từ ngày được chấp nhận chủ trương đầu tư được bàn giao mặt bằng để khởi động hoặc thi công nhà máy sản xuất linh kiện điện tử. Với một đáp số là mặt bằng để không với cỏ lau đang mọc, dự án sản xuất linh kiện điện tử của ba nhà đầu tư Hàn Quốc không khả thi, những cam kết về kinh phí đầu tư là không trung thực; điều này làm mất lòng tin của chính quyền và nhân dân Yên Bái, làm thiệt hại đến nguồn thu của ngân sách địa phương, làm ảnh hưởng xấu đến những nhà đầu tư Hàn Quốc khác đang đầu tư vào Việt Nam.
Sở dĩ tác giả nêu nhiều số liệu trong bài viết này là muốn truyền đạt thông điệp đến bạn đọc biết được khả năng tài chính của ba nhà đầu tư nói trên và sự không trung thực của họ. Trong khi họ muốn đưa ra số liệu thật đẹp vào trong dự án nhằm mục đích vay vốn ngân hàng, nhưng các ngân hàng của Việt Nam đã cảnh giác và không cho họ vay.
Đã đến lúc chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái có quyết định cứng rắn để thu hồi tất cả các thủ tục có liên quan đến dự án, để dành quỹ đất này thực hiện các dự án khác hiệu quả hơn, đồng thời thực hiện nghiêm việc quản lý sử dụng nguồn kinh phí đang nằm tại kho bạc Nhà nước, hay ngân hàng đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.