Xuất khẩu tôm dự báo phục hồi nhẹ trong năm 2024
Theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), đà phục hồi cho xuất khẩu tôm sẽ còn đối diện nhiều khó khăn trong năm 2024, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành hàng tôm Việt cần nỗ lực hơn nữa để tiếp tục vượt khó trên chặng đường phục hồi.
Năm 2023, xuất khẩu tôm của nước ta phải đối mặt với lạm phát cao ở nhiều thị trường xuất khẩu, sức mua và giá tôm giảm, cạnh tranh gay gắt từ các thị trường như Ecuador, Ấn Độ. Xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2023 đạt 3,4 tỷ USD, giảm 22% so với năm 2022.
Trong đó, xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật năm qua liên tục sụt giảm do lạm phát tại thị trường này tăng cao, đồng yên giảm giá mạnh, ảnh hưởng tới quyết định mua hàng của các nhà nhập khẩu Nhật Bản. Năm 2023, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 511 triệu USD, giảm 24% so với năm 2022. Tuy nhiên, trong tháng cuối cùng của năm 2023, xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật Bản đã ghi nhận tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022.
Năm 2023, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc nằm trong xu hướng giảm chung, tuy nhiên Trung Quốc là thị trường có mức sụt giảm thấp nhất trong số các thị trường nhập khẩu chính. Năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông đạt 607 triệu USD, giảm 8% so với năm 2022. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ sau khi giảm liên tục trong các tháng đầu năm; từ tháng 7 đến hết năm, liên tục tăng trưởng 2 con số. Cả năm 2023, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 682 triệu USD, giảm 15% so với năm 2022. Số liệu nhập khẩu tôm của Mỹ trong tháng 12/2023 cũng ghi nhận tháng thứ 6 tăng trưởng liên tiếp. Tồn kho giảm, các chỉ số của nền kinh tế Mỹ đang tốt dần, nhu cầu cao hơn phục vụ đợt cuối năm.
Xuất khẩu tôm của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 được dự báo sẽ phục hồi nhẹ.
Với thị trường EU, trong năm 2023 xung đột Nga-Ukraine, khiến người tiêu dùng tại EU phải chi tiêu tiết kiệm, vật giá tăng, xăng dầu tăng. Cùng với đó, đồng EUR mất giá là những nguyên nhân khiến nhu cầu tiêu thụ tôm tại thị trường này chậm lại. Người dân châu Âu chọn thực phẩm giá rẻ, tôm cỡ nhỏ hơn, các nhà nhập khẩu hạn chế mua vào và cố gắng bán ra để giải phóng hàng tồn kho và hạn chế lỗ. Năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đạt 421 triệu USD, giảm 39% so với năm 2022. Các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường EU gồm Ecuador và Ấn Độ. Trên thị trường này, tôm Việt Nam vẫn giữ được ưu thế ở phân khúc cao cấp. Tuy nhiên với những bất ổn về kinh tế và chính trị hiện tại, thị trường EU sẽ chưa thể phục hồi trong phần lớn năm 2024.
VASEP dự báo tình hình xuất khẩu tôm năm 2024 sẽ có nhiều khả quan. Nguồn cung tôm toàn cầu tiếp tục tăng trưởng ổn định, đặc biệt tôm từ Ecuador, tuy nhiên sản xuất tôm của Ecuador cũng có sự giảm nhẹ trong 2024. Xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ phục hồi và tăng nhẹ 10 - 15% vào năm nay. Nhu cầu được dự báo hồi phục trở lại kể từ 6 tháng cuối năm, khi áp lực lạm phát hạ nhiệt, lượng hàng tồn kho tại các nhà nhập khẩu giảm.
Mặc dù vậy, xuất khẩu tôm của nước ta đối diện với nhiều thách thức trong năm 2024 như rào cản thương mại, cạnh tranh tiêu thụ hàng hóa, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao…VASEP dự báo, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này sẽ tăng nhẹ trong năm 2024 khi nhu cầu ăn uống cải thiện, lạm phát hạ nhiệt, doanh số bán lẻ tại Mỹ phục hồi. Dự báo này đưa ra trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ đã giảm từ mức đỉnh 9,1% tháng 6/2022 còn 3,1% vào tháng 11/2023. Việc Hiệp hội Chế biến tôm Mỹ (ASPA) vừa nộp đơn đề nghị điều tra thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu, trong đó có Việt Nam sẽ khiến xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng trong nửa đầu năm 2024. Bên cạnh đó, căng thẳng Biển Đỏ đầu năm 2024 khiến giá cước vận tải biển đi Mỹ tăng.
Hiện nay, xu thế hầu hết các thị trường trọng điểm của tôm nói riêng, nông sản nói chung như EU, Nhật Bản…đang đưa ra yêu cầu sản phẩm phải sản xuất xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính. Trong chuỗi giá trị ngành hàng tôm, nhiều công đoạn gây phát thải khí nhà kính. Trong khi đó, lượng phát thải ở các mô hình nuôi tôm theo hướng xanh như tôm lúa lại vô cùng thấp, tiệm cận mức NetZero. Giải pháp là tiếp tục tìm kiếm các đối tác tiềm năng, mở rộng thị trường, đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm.
Chuyển đổi sản xuất tôm theo hướng nuôi trồng và chế biến sinh thái, tuần hoàn tạo thuận lợi cho xuất khẩu mặt hàng này.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào các mô hình sản xuất tôm lúa, quảng canh xanh được xem là giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững - giảm phát thải mà toàn ngành đang hướng đến. Tôm sạch, tôm sinh thái cũng là một phân khúc được các thị trường đón nhận và có giá trị cao. Vì thế, ngành nông nghiệp nói chung và ngành tôm nói riêng đang nhận được nhiều nguồn lực và kỹ thuật để chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh, giảm phát thải như mô hình nuôi tôm sú lúa hữu cơ ứng dụng công nghệ sinh học đang triển khai ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chuyển đổi sản xuất tôm theo hướng nuôi trồng và chế biến sinh thái, tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính được coi là hướng đi quan trọng để tôm Việt Nam giữ vững và mở rộng thị phần trên thị trường tôm thế giới.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 được dự báo sẽ phục hồi nhẹ so với mức nền thấp của năm 2023 do nhu cầu thị trường chưa chắc chắn và kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục dần và khả quan hơn vào nửa cuối năm 2024. Với sự thích nghi, điều chỉnh bối cảnh thị trường của các doanh nghiệp sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản hồi phục trở lại mức 9,5 - 10 tỷ USD năm 2024; trong đó, ngành tôm hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 1,9 tỷ USD, còn lại là các mặt hàng hải sản dự báo thu về khoảng 3,6 - 3,8 tỷ USD.
Hồng Hạnh