Xuất khẩu cá tra hướng đến mục tiêu 2 tỷ USD năm 2024
Năm 2023, xuất khẩu cá tra vào 4 thị trường chính giảm đáng kể, xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong đó có cá tra phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như kinh tế suy thoái, người dân các nước phát triển hạn chế chi tiêu, tồn kho lớn và lạm phát toàn cầu.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, ngành cá tra vẫn có nhiều tín hiệu khả quan trong năm 2024.
Năm 2023, xuất khẩu cá tra tăng trưởng trong khó khăn
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang các thị trường tháng 12/2023 đạt hơn 158 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là tháng thứ 2 liên tiếp giá trị xuất khẩu cá tra ghi nhận tăng trong năm 2023 đầy khó khăn. Xuất khẩu cá tra Việt Nam cả năm 2023 đạt hơn 1,8 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2022.
Về thị trường xuất khẩu, năm 2023, Trung Quốc & HK tiếp tục là thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá tra từ Việt Nam. Năm 2023, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc & HK về đích với gần 573 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022.
Thị trường này đã tăng nhập khẩu các sản phẩm cá tra từ tháng 9/2023 và liên tiếp ghi nhận tăng trưởng dương trong 2 tháng sau đó. Tuy nhiên, tháng 12/2023 kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc giảm nhẹ 2% khiến tổng xuất khẩu sang Trung Quốc & HK giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2022. Theo thống kê của Seafood Guide, 11 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 154 nghìn tấn cá tra, giảm 35% so với cùng kỳ. Nhiều đại lý tại quốc gia này đang bắt đầu tích trữ và nhập khẩu thêm các sản phẩm cá tra để đáp ứng nhu cầu trước Tết Nguyên đán 2024.
Tháng 12/2023, xuất khẩu cá tra sang Mỹ lần đầu ghi nhận tăng trưởng dương 21% so với cùng kỳ năm 2022, sau 11 tháng sụt giảm liên tiếp. Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ trong tháng cuối năm 2023 đạt gần 20 triệu USD, giảm 15% so với tháng trước đó và chỉ cao hơn tháng 1, 2, và 7/2023 - các tháng ghi nhận sụt giảm sâu từ 43% - 81%.
Năm 2023, khối thị trường CPTPP nhập khẩu từ Việt Nam gần 249 triệu USD cá tra, giảm 24% so với năm 2022. CPTPP cũng là thị trường chứng kiến sụt giảm sâu về nhập khẩu cá tra trong năm 2023, tuy nhiên tín hiệu tăng trưởng đã quay trở lại trong quý cuối năm 2023. Tháng 12/2023 giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt mức cao nhất kể từ đầu năm, tăng nhẹ 7% so với cùng kỳ. Sau 5 năm, hiệp định CPTPP đã mở thêm nhiều cơ hội cho con cá tra Việt Nam đến gần hơn với từng bữa ăn của người tiêu dùng tại khối thị trường này.
Năm 2023, xuất khẩu cá tra vào 4 thị trường chính giảm đáng kể, xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong đó có cá tra phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như kinh tế suy thoái, người dân các nước phát triển hạn chế chi tiêu, tồn kho lớn và lạm phát toàn cầu.
Tuy vậy, với sự điều hành linh hoạt của Chính phủ và nỗ lực của toàn ngành, các sản phẩm cá tra Việt Nam tiếp tục chinh phục thị trường 146 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngoài mặt hàng chủ lực là cá tra phi-lê, các sản phẩm phụ (bong bóng cá tra phơi khô, chả, cá tra ướp thì là…) được thị trường Mỹ, Trung Quốc, Malaysia, Singapore ưa chuộng.
Nhiều tín hiệu khả quan trong năm 2024
Về triển vọng ngành cá tra, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, mặc dù năm 2024 còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng ngành cá tra vẫn đề ra mục tiêu sản lượng cá tra thương phẩm đạt 1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD.
Để đáp ứng mục tiêu này, ngành thủy sản cần sẵn sàng các phương án nhằm ứng phó tốt hơn trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng khó khăn, các quy định, rào cản kỹ thuật của các quốc gia nhập khẩu ngày càng khắt khe.
Theo đó, ngành thủy sản cần thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án, nhiệm vụ nghiên cứu về chọn tạo các tính trạng cá tra theo nhu cầu thị trường; bảo đảm cung ứng đủ con giống chất lượng cao cho nuôi thương phẩm, hạ giá thành sản xuất.
Đặc biệt, ngành thủy sản cần kiểm soát chặt chẽ cơ sở sản xuất giống, nhất là các cơ sở ương dưỡng giống cá tra và xử lý nghiêm trường hợp không tuân thủ quy định. Các cơ quan quản lý tại địa phương đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các vi phạm trong nhập khẩu, sản xuất, lưu thông, sử dụng kháng sinh nguyên liệu, sử dụng thuốc thú y, chế phẩm xử lý cải tạo môi trường để tạo ra con cá tra chất lượng phục vụ cho chế biến và xuất khẩu.
Phó Tổng Thư ký VASEP, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, ngành thuỷ sản năm 2024 có nhiều điểm tựa. Song, vẫn sẽ khó khăn trong nửa đầu năm do lượng hàng tồn kho thế giới còn cao, cùng một loại thuỷ sản có nhiều nhà cung cấp, lực cung đang lớn hơn lực cầu. Đối với ngành cá tra, sau dịch COVID-19, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 30%, chi phối 70% giá thành sản phẩm thuỷ sản chủ lực, giá nguyên liệu cá tra hiện nay chỉ đủ trang trải chi phí thức ăn. Hiệu suất và hiệu quả của ngành đang ở mức thấp, gây áp lực lớn cho nông dân, doanh nghiệp.
Năm 2024 dự báo giá xuất khẩu sẽ tăng trở lại, nhưng những căng thẳng trên Biển Đỏ gần đây cũng gây ra không ít khó khăn trong quá trình vận tải, nhất là những thách thức về cước vận chuyển gia tăng. Giá bán đến tay người tiêu dùng tăng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyết định mua hàng.
Doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình, chủ động lên các phương án thích hợp bao gồm cả việc mua bảo hiểm đầy đủ để phòng ngừa rủi ro và tổn thất khi hàng hóa phải kéo dài thời gian vận chuyển hoặc gặp sự cố khi đi qua tuyến đường này, hay tìm kiếm thêm các phương thức vận chuyển khác để đảm bảo chuỗi cung ứng.
Trung Anh