Xuất khẩu cá tra sang EU phục hồi mạnh mẽ
Trong nửa đầu tháng 8/2024, Hà Lan tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu khối EU về nhập khẩu cá tra Việt Nam, với giá trị đạt hơn 2 triệu USD, tăng 74% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hải quan Việt Nam, nửa đầu tháng 8/2024, XK cá tra Việt Nam sang EU đạt gần 8 triệu USD, tăng 57% so với cùng kỳ. Lũy kế XK cá tra sang thị trường này tính đến ngày 15/8/2024 đạt 107 triệu USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hà Lan vẫn là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam trong khối EU, với giá trị xuất khẩu đạt hơn 2 triệu USD, tăng 74% so với cùng kỳ. Tính đến ngày 15/8, xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt gần 30 triệu USD, giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là do sụt giảm trong tháng 2 và tháng 5.
Ngoài Hà Lan, Đức cũng giảm nhập khẩu cá tra Việt Nam trong tháng 7. Sự sụt giảm trong tháng 1,2,3,7 khiến lũy kế xuất khẩu cá tra sang Đức trong 7 tháng đầu năm nay giảm nhẹ 1%.
Tuy nhiên, nửa đầu tháng 8, xuất khẩu cá tra sang nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đạt gần 2 triệu USD, tăng 183% so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến ngày 15/8, Việt Nam xuất khẩu tổng gần 22 triệu USD cá tra sang Đức, tăng 4%.
Sau Bỉ, Tây Ban Nha đứng thứ 3 trong khối EU về tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam. Nửa đầu tháng 8, xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt gần 1 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Lũy kế xuất khẩu sang Tây Ban Nha tính đến ngày 15/8 đạt hơn 11 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu cá tra sang Tây Ban Nha không ổn định kể từ đầu năm nay. Tháng 7, xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt mức thấp nhất kể từ đầu năm 2024, với hơn 917 nghìn USD, giảm 48% so với tháng 7/2023.
Tính đến ngày 15/8, Bỉ là quốc gia tiêu thụ nhiều thứ 4 cá tra Việt Nam trong khối EU, với giá trị xuất khẩu đạt hơn 11 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi giảm nhập khẩu trong tháng 2 và tháng 3, xuất khẩu cá tra sang Bỉ được đánh giá là ổn định trong các tháng tiếp theo, khi liên tục tăng trưởng dương 2 con số.
Về cơ cấu sản phẩm, xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng sang EU trong 7 tháng đầu năm nay sụt giảm 21% so với cùng kỳ và chỉ đạt gần 2 triệu USD. Chỉ có riêng tháng 3, 5, 6 ghi nhận tăng trưởng dương. Các tháng còn lại đều chứng kiến giảm từ 38%-94%.
Sản phẩm cá tra chủ lực Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này vẫn là phile đông lạnh, với giá trị xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm nay đạt hơn 93 triệu USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
VASEP cho rằng sau giai đoạn thăng trầm nửa đầu năm, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang EU vẫn có lí do để kỳ vọng vào nửa cuối năm khi kỳ nghỉ lễ cuối năm đến gần, nền kinh tế châu Âu đảm bảo tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục. Giá cả thị trường và tiêu dùng cũng dần ổn định, xuất khẩu cá tra sang EU vẫn được kỳ vọng sẽ tăng trở lại sau kỳ nghỉ hè ở châu Âu.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) hy vọng năm nay tình hình xuất khẩu thủy sản sẽ ổn định đúng chu kỳ thông thường, tăng tốc vào quý 3 và quý 4. Dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng cuối năm sẽ cao hơn khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2023, đạt trên 5,5 tỷ USD, đưa kết quả xuất khẩu cả năm 2024 tới gần 10 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2023.
Dù đã có khởi sắc về thị trường, giá xuất khẩu, nhưng các doanh nghiệp thủy sản còn phải đối mặt nhiều thách thức từ nay đến cuối năm, như nỗi lo thiếu nguyên liệu cho chế biến vì dịch bệnh, có thể đẩy giá xuất khẩu tăng nhưng không bền vững...
Ngoài ra, xung đột ở Biển Đỏ khiến giá cước vận tải tăng cao, xung đột thương mại giữa các nước làm xáo trộn dòng chảy thương mại thủy sản, tồn kho lớn ở các thị trường nhập khẩu… cũng là những thách thức lớn cho xuất khẩu thủy sản cuối năm.