Xuất khẩu cá tra sang Đức tăng trưởng tích cực
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), bất chấp những khó khăn, Đức vẫn được coi là điểm đến tích cực của xuất khẩu cá tra Việt Nam
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, chỉ tính riêng nửa đầu tháng 7/2023, xuất khẩu cá tra sang Đức đạt gần 2 triệu USD, tương đương giá trị xuất khẩu của cả tháng 6/2023 dù vẫn giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến hết 15/7/2023, xuất khẩu cá tra sang quốc gia thuộc liên minh Châu Âu này đạt gần 20 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp ⅕ giá trị vào tổng nhập khẩu của EU. Giống như các thị trường như Hồng Kông, Singapore, Canada, Nhật Bản, Ả Rập Xê Út, Colombia, Philipines, Đức chiếm khoảng 2% tỷ trọng trong tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang các thị trường.
Giống như các thị trường khác trong khối EU, Đức nhập khẩu chủ yếu là sản phẩm cá tra phile, cắt khúc đông lạnh (HS0304). Đối với các sản phẩm cá tra đông lạnh, các nhà nhập khẩu chuyên biệt sẽ nhập khẩu bằng tàu container. Đồng thời họ sẽ bán cá tra trực tiếp cho các phân khúc thị trường có liên quan hoặc phân khúc gia tăng giá trị đầu tiên cho các sản phẩm cá tra trước khi đưa ra thị trường. Dịch vụ bán lẻ và thực phẩm ở Bắc Âu thông qua các nhà nhập khẩu và bán buôn là các phân khúc thị trường cuối cùng của châu Âu về cá tra.
Trong tháng 7 lạm phát tại Đức được ghi nhận ở mức 6,2%, thấp hơn 0,2% so với tháng trước, nhưng cao hơn mức lạm phát trung bình tại 20 quốc gia thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Nền kinh tế lớn nhất châu Âu này được dự báo sẽ suy thoái ở mức 0,3% trong năm nay do những ảnh hưởng bởi giá tăng, lãi suất leo thang, doanh số bán lẻ giảm, lạm phát cao kéo dài trong bối cảnh nền kinh tế chưa thể phục hồi hoàn toàn sau các cuộc khủng hoảng liên tiếp trong 3 năm qua. Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn, Đức vẫn được coi là điểm đến tích cực của xuất khẩu cá tra Việt Nam.
Đứng đầu top doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Đức trong 6 tháng đầu năm nay vẫn là Vĩnh Hoàn chiếm tỷ trọng 20%, GODACO chiếm 13%, Hùng Cá chiếm 11%, Hùng Cá 2 chiếm 9%, Đại Thành chiếm 9%, Vạn Đức Tiền Giang chiếm 7%,…
Theo nhận định của VASEP, hiện nay ngành cá tra đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Các thị trường xuất khẩu cá tra trọng điểm như Trung Quốc, Mỹ, EU, CPTPP đều đang suy giảm trong 2 quý đầu năm 2023. Mặc dù càng về sau khoảng cách sụt giảm có thu hẹp giữa các tháng nhưng để đạt tăng trưởng dương thì cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: lượng tồn kho ở các thị trường, giá nguyên liệu cá tra, tình hình chiến tranh, lạm phát,... Do đó, việc Đức tăng giá trị nhập khẩu cá tra Việt Nam từ đầu năm đến nay cũng là một trong những dấu hiệu tích cực cho doanh nghiệp.
Tại Hội nghị An toàn Thực phẩm Chuỗi Sản xuất, Chế biến và Xúc tiến Tiêu thụ Sản phẩm Cá tra do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức vào ngày 5/8, bà Tô Tường Lan, Phó Tổng Thư ký Hiệp Hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết dự báo tích cực nhất là kim ngạch xuất khẩu cá tra năm nay sẽ giảm 15%, ở mức xấp xỉ khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, một kịch bản xấu hơn là có thể giảm từ 20 đến 25% kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2023.
Về giá cá tra xuất khẩu, bà Tô Tường Lan cho biết, mặc dù quý 2 năm 2023, cá tra xuất khẩu đã có sự cải thiện về giá so với quý 1 năm 2023 nhưng giá xuất khẩu vẫn đi theo chiều hướng ngang.
"Trong bối cảnh toàn bộ thị trường châu Âu rất trầm lắng thì thị trường Đức và Anh tăng trưởng là điều chúng ta cần suy nghĩ. Các doanh nghiệp cần tìm hiểu sản phẩm nào từ cá tra đi vào được hai thị trường Đức và Anh; cách phân phối như thế nào để có sự tăng trưởng trong toàn bộ bức tranh của Châu Âu, bà Tô Tường Lan khuyến nghị.
Trung Anh (t/h)