0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ sáu, 21/07/2023 16:32 (GMT+7)

Xuất khẩu cá tra đang dần lấy lại đà tăng trưởng

Theo dõi KT&TD trên

Những biến động về cung, cầu và lạm phát tại nhiều thị trường đã kìm hãm kim ngạch xuất khẩu thủy sản nói chung, cá tra nói riêng. Để sớm lấy lại đà tăng trưởng cho cá tra, nhiều giải pháp đã được đưa ra.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, 2 quý đầu năm, xuất khẩu cá tra ước đạt trên 885 triệu USD, thấp hơn 38% so với cùng kỳ năm 2022.

Riêng tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc và Hồng Kông đạt 48 triệu USD, giảm 15%; xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 23 triệu USD, giảm 51%; xuất khẩu sang thị trường các nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt 21 triệu USD, giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức sụt giảm xuất khẩu tại các thị trường so với cùng kỳ đã thu hẹp dần.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông nếu như tháng 4/2023 giảm 66%, tháng 5/2023 giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022 thì tháng 6 mức này thu hẹp chỉ còn 15%. Đất nước tỷ dân này luôn đứng Top 1 thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam. Sự thu hẹp khoảng cách này có thể coi là một trong những dấu hiệu tốt cho ngành xuất khẩu cá tra.

Mức sụt giảm xuất khẩu cá tra tại các thị trường so với cùng kỳ đã thu hẹp dần
Mức sụt giảm xuất khẩu cá tra tại các thị trường so với cùng kỳ đã thu hẹp dần

Giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ tháng 6/2023 đạt 23 triệu USD, giảm 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vẫn ghi nhận tăng trưởng âm 2 con số trong tháng 6/2023, nhưng so với 2 tháng trước đó, khoảng cách cũng đã được thu hẹp. Cụ thể, tháng 5/2023 xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ giảm 53% và tháng 4/2023 giảm 66% so với cùng kỳ năm 2022.

Năm tháng đầu năm 2023, giá trung bình xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ đạt 3,3 USD/kg, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết, Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) trong tháng 5/2023 tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm đáng kể so với mức 4,3% ghi nhận vào tháng trước.

Ngoài yếu tố lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ ở Hoa Kỳ giảm thì vấn đề tồn kho lớn, khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này chìm trong tăng trưởng âm. Giá sản phẩm từ hàng tồn bán ra giảm khiến cho giá hàng nhập khẩu mới bị cạnh tranh và dìm giá.

Cơ hội để lấy lại đà tăng trưởng cho cá tra

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, hiện nay, số lượng cá tra tồn kho ở nhiều nước đang giảm dần. Nhu cầu nhập khẩu hàng hóa phục vụ các mùa lễ hội sắp tới dự báo tăng mạnh. Khi đó thị trường xuất khẩu sẽ khởi sắc hơn.

Ở khía cạnh khác, sau một thời gian giữ mức cao, hiện tại, giá thức ăn cá tra đang giảm. Điều này sẽ tạo điều kiện, giúp bà con nông dân đẩy mạnh thả nuôi vào các tháng cuối năm.

Cụ thể, so với đầu năm nay, giá thức ăn dao động ở mức 12.800 - 13.000 đồng/kg, giảm 600 - 1.000 đồng. Giá giảm chủ yếu do bà con giảm diện tích nuôi thủy sản.

Hiện thức ăn chiếm từ 50 - 70% chi phí giá thành sản xuất thủy sản. Ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con cần liên kết với nhà máy thức ăn, doanh nghiệp chế biến, hệ thống ngân hàng… để tiếp cận nguồn vốn lãi suất tốt, nguồn thức ăn giá thấp và được bao tiêu sản phẩm.

Ngoài ra, để ngành cá tra phát triển hiệu quả và bền vững, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có nhiều cơ chế, chính sách và thay đổi mang tính đột phá từ khâu nuôi, chế biến, tới xuất khẩu.

Ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nêu quan điểm: "Liên kết các cơ sở nhỏ thành những vùng sản xuất có sản lượng đủ lớn để làm cơ sở, đầu mối liên kết với các doanh nghiệp đầu vào, đầu ra, thành chuỗi hoàn chỉnh. Trên cơ sở đó, có thể giảm bớt được khâu trung gian giảm giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh".

Cùng quan điểm này, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, nhấn mạnh: "Tạo điều kiện thuận lợi nhất để ổn định, bình ổn giá thức ăn thủy sản, thuốc thú y thủy sản hay các đầu vào phục vụ cho chăn nuôi thủy sản. Như vậy chúng ta mới có thể ổn định được sản xuất".

Ngoài ra, ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nam Việt, cho rằng: "Chính phủ phải tích cực hỗ trợ cho ngành thủy sản, bởi ngành thủy sản đem lại thu nhập về ngoại tệ, giải quyết công ăn việc làm rất là lớn. Vừa qua, VASEP đã đề xuất và Chính phủ đã chấp nhận, giao cho các bộ, ngành bám sát, hỗ trợ, giúp đỡ cho các doanh nghiệp. Tôi thấy Chính phủ chỉ đạo rất sát sao, tích cực".

Dương Định (T/H)

Bạn đang đọc bài viết Xuất khẩu cá tra đang dần lấy lại đà tăng trưởng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Chủ xe tiết lộ 3 lý do xe máy điện VinFast “đáng mua” hơn xe xăng
Thiết kế thời thượng, nhiều tính năng tiên tiến, chi phí sở hữu đã thấp còn thấp hơn với nhiều chính sách ưu đãi như chương trình “Phủ xanh Việt Nam” đang diễn ra (ưu đãi tới 12 triệu đồng),… là những yếu tố khiến nhiều người chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe máy điện VinFast.
Ngành thủy sản “gặp khó” sau bão Yagi
Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. “Trắng biển” là từ ngữ được ngư dân các vùng biển Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… miêu tả về những mất mát của người nuôi trồng thuỷ sản sau khi bão đi qua.

Tin mới

Viettel là nhà mạng đầu tiên khôi phục hoàn toàn kết nối vùng biển đảo bị ảnh hưởng bởi bão số 3
 Ngày 17/9, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) khôi phục mạng di động chất lượng như trước bão cho chính quyền, quân đội, hàng trăm nghìn người dân trên đảo và ngư dân trên biển tại các huyện đảo, xã đảo Quảng Ninh, Hải Phòng bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Mang Trung thu ấm áp đến trẻ em mọi miền
Vinamilk đã thực hiện nhiều hoạt động đón trung thu với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn tại các trung tâm bảo trợ và mang những phần sữa, bánh đến với trẻ em sau những ngày bão lũ.