Xăng sinh học E10 là gì, có lợi ra sao?
Bộ Công Thương đang tham mưu, trình Chính phủ ban hành lộ trình sử dụng xăng sinh học E10, dự kiến thực hiện từ ngày 1/1/2026.

Xăng E10 - xăng sinh học là gì?
Về xăng sinh học (E5, E10), được ký hiệu là Ex, trong đó x là % thể tích cồn trong công thức pha trộn xăng sinh học. Xăng sinh học E5 là nhiên liệu chứa 5% thể tích cồn sinh học và 95% thể tích xăng truyền thống. Xăng sinh học E10 là nhiên liệu chứa 10% thể tích cồn sinh học và 90% thể tích xăng truyền thống.
Xăng E10 là xăng thành phẩm được pha chế từ xăng khoáng có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch cùng với nhiên liệu sinh học, trong đó cồn nhiên liệu được pha chế với tỷ lệ nhất định. Cụ thể: theo quy định tại QCVN 01:2022/BKHCN về xăng, nhiên liệu diesel và nhiên liệu sinh học thì xăng E10 là xăng sinh học có hàm lượng cồn nhiên liệu từ 9 – 10% thể tích.
Cồn sinh học trong hỗn hợp nhiên liệu sinh học được sử dụng như một chất chứa oxy thay thế cho các hợp chất pha vào xăng trước đây như chì hay ete. Cồn sinh học được sản xuất từ quá trình lên men tinh bột, mật rỉ đường và các phế phẩm nông nghiệp khác.
Hiện nay, xăng E10 đã được sử dụng phổ biến tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hoa Kỳ và châu Âu đã ban hành luật bắt buộc sử dụng các nhiên liệu phối trộn giữa xăng với nhiên liệu sinh học nguyên chất. Từ năm 2018 các nước trong khu vực như Trung Quốc, Phillipines đã chuyển sang kinh doanh 100% xăng sinh học E10; xăng khoáng bị cấm kinh doanh tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu mà chỉ được phép sử dụng làm một thành phần để pha chế xăng sinh học E10.
Ảnh hưởng của xăng sinh học đến động cơ
Các kết quả nghiên cứu của đề tài cấp Nhà nước và các tổ chức quốc tế như Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA) đều khẳng định: xăng E10 hoàn toàn tương thích với các loại động cơ xăng hiện nay, kể cả động cơ thế hệ cũ.
Việc sử dụng xăng sinh học giúp cải thiện tính năng động cơ, giảm phát thải, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và xã hội. Quá trình sử dụng xăng sinh học rất thuận tiện, không cần phải điều chỉnh động cơ khi chuyển đổi giữa xăng sinh học và xăng thông thường.
Do ethanol có trị số octan cao tới 109 nên khi pha vào xăng sẽ làm tăng trị số octan và tăng khả năng chống kích nổ của nhiên liệu. Thêm vào đó, với hàm lượng oxy cao hơn xăng thông dụng, xăng sinh học E10 sẽ giúp quá trình cháy trong động cơ diễn ra triệt để hơn, tăng công suất, giảm tiêu hao nhiên liệu, đồng thời giảm thiểu phát thải các chất độc hại trong khí thải động cơ.

Tác động của xăng sinh học tới môi trường
Như chúng ta đã biết, khí thải CO là một khí rất độc, mức phát thải CO rất cao ở động cơ xe máy. Theo các kết quả nghiên cứu, động cơ sử dụng xăng sinh học tạo ra rất ít khí thải CO và HC, ít hơn hẳn các loại xăng thông dụng như A92 và A95 tới 20%. Chính vì vậy, loại xăng sinh học E10 được coi là thân thiện với môi trường.
Bên cạnh giảm đáng kể thành phần khí CO và HC, khả năng tăng tốc của xe cũng tốt hơn đối với xăng sinh học. Quá trình cháy trong động cơ sử dụng xăng sinh học được cải thiện nhờ hỗn hợp giữa không khí và nhiên liệu đồng đều hơn do khả năng bay hơi tốt của xăng sinh học.
Ngoài ra, sự có mặt của thành phần oxy trong xăng sinh học là yếu tố giúp cho nhiên liệu được cháy trong điều kiện không quá thiếu oxy (cháy với hỗn hợp nhạt hơn so với trường hợp động cơ xăng dùng bộ chế hòa khí sử dụng nhiên liệu xăng RON92) và cháy kiệt. Đây là cơ sở tạo ra ít khí thải độc hại CO và HC. Thêm vào đó, các loại xe thế hệ mới hiện nay có bộ phận xử lý khí thải, kết hợp với sử dụng xăng sinh học thì lượng khí độc thải ra môi trường sẽ giảm đáng kể.
Ngoài ra, việc phát triển vùng nguyên liệu cho quá trình sản xuất ethanol (sắn, mía, tảo...) còn góp phần tạo thảm thực vật xanh làm giảm ảnh hưởng của bão lũ, xói mòn.
Phát triển nhiên liệu sinh học giúp quốc gia chủ động, không bị lệ thuộc vào vấn đề nhập khẩu nhiên liệu. Đồng thời, kiềm chế sự gia tăng giá dầu, ổn định tình hình năng lượng cho thế giới. Việc phát triển nhiên liệu sinh học trên cơ sở tận dụng các nguồn nguyên liệu sinh khối khổng lồ và được sản xuất từ nguồn nguyên liệu có thể tái tạo được sẽ thật sự là một lựa chọn ưu tiên trong việc đảm bảo về vấn đề an ninh năng lượng cho các quốc gia.
Lộ trình sử dụng xăng sinh học E10 tại Việt Nam
Bộ Công Thương đang tích cực chuẩn bị cho việc triển khai lộ trình mới về sử dụng xăng sinh học tại Việt Nam, với mục tiêu chuyển sang sử dụng xăng E10 (pha 10% ethanol vào xăng khoáng) trên toàn quốc từ ngày 1/1/2026.
Ông Đào Duy Anh, Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Cục ĐCK - Bộ Công Thương), cho biết, quá trình chuẩn bị đang đi đến giai đoạn hoàn thiện cuối cùng. Cụ thể, ngày 5/7/2025, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 6246/VPCP-CN thông báo Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đồng ý với Tờ trình số 4594/TTr-BCT của Bộ Công Thương về việc xây dựng quyết định thay thế Quyết định 53. Tuy nhiên, với việc Nghị định số 146/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, thẩm quyền ban hành lộ trình phối trộn nhiên liệu sinh học được chuyển giao từ Thủ tướng Chính phủ sang Bộ trưởng Bộ Công Thương. Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã giao Cục ĐCK chủ trì xây dựng và ban hành lộ trình mới, dự kiến có hiệu lực từ đầu năm 2026.
Dự kiến từ ngày 1/8 tới đây, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex sẽ thí điểm kinh doanh xăng sinh học E10 (xăng E10) ở các cửa hàng thuộc địa bàn TPHCM (trước sáp nhập) nhằm đánh giá thị trường và khả năng triển khai thực tiễn.
Để triển khai có hiệu quả lộ trình phối trộn và sử dụng xăng E10 như kế hoạch, Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị liên quan xây dựng các nhóm giải pháp đồng bộ như: Hỗ trợ giá ethanol nội địa để ổn định nguồn cung và giảm giá thành xăng E5/E10; Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho xăng E10; Tăng cường truyền thông cộng đồng; Khuyến khích doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối nhiên liệu sinh học, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo…
Minh Thành