Vụ chuyến bay giải cứu: Bị cáo 253 lần nhận hối lộ 42,6 tỷ đồng y án chung thân
Cơ quan tố tụng cho rằng hành vi của Phạm Trung Kiên đặc biệt nguy hiểm, có tính chất ép buộc cao đối với doanh nghiệp, số tiền bị cáo nhận hối lộ đặc biệt lớn, phạm tội nhiều lần.
Ngày 27/12, TAND Cấp cao tại TP. Hà Nội đưa ra phán quyết đối với 23 bị cáo trong đại án 'chuyến bay giải cứu'.
Căn cứ hồ sơ vụ án, bản án sơ thẩm và diễn biến phiên tòa phúc thẩm, HĐXX bác kháng cáo của cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên, cựu phó trưởng phòng thuộc Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an Vũ Anh Tuấn và cựu cục trưởng Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Thị Hương Lan. Cả 3 bị cáo này bị tuyên y án chung thân.
Theo HĐXX phúc thẩm, hành vi của 3 bị cáo này đặc biệt nguy hiểm, nhận hối lộ nhiều lần, số tiền đặc biệt lớn. Trong đó, Phạm Trung Kiên 42,6 tỷ đồng, Vũ Anh Tuấn 27 tỷ và Nguyễn Thị Hương Lan 25 tỷ.
Dù các bị cáo đã nộp khắc phục toàn bộ hậu quả (bị cáo Kiên nộp thừa 400 triệu, bị cáo Tuấn nộp thừa 300 triệu; bị cáo Lan nộp khắc phục 6,2 tỷ đồng) nhưng hành vi của họ gây bức xúc dư luận, cần xử phạt răn đe để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.
Theo HĐXX, bị cáo Phạm Trung Kiên được giao nhiệm vụ thư ký thứ trưởng Bộ Y tế, song đã lợi dụng chức vụ được giao gây khó khăn, sách nhiễu cho các doanh nghiệp tham gia chuyến bay combo và chuyến bay giải cứu để các doanh nghiệp này phải chi tiền theo yêu cầu.
Bị cáo Kiên là người nhận hối lộ nhiều nhất cả số lần và số tiền trong vụ án. Tổng cộng 253 lần tổng số tiền hơn 42 tỷ đồng dù không có chức năng, nhiệm vụ trong phê duyệt chuyến bay.
Trong số các bị cáo được tòa phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo, sửa bản án sơ thẩm có bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu điều tra viên của Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) được giảm từ chung thân xuống còn 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tòa phúc thẩm đánh giá có tình tiết giảm nhẹ là nhận tội, nhiều thành tích trong công tác, 2 bác ruột là liệt sỹ.
Về tội nhận hối lộ, ông Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và ông Trần Văn Tân, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, được giảm lần lượt 1 và 2 năm tù so với bản án sơ thẩm.
Hầu hết các bị cáo trong nhóm doanh nghiệp phạm tội đưa hối lộ có kháng cáo đều được tòa phúc thẩm chấp nhận giảm một phần mức án.
Hội đồng xét xử nhận định, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra tại nhiều bộ ngành. Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan nhà nước, gây bất bình và tạo dư luận xấu trong nhân dân.
Thủ đoạn nhận hối lộ của các bị cáo tồn tại ở hai dạng, gồm mặc cả, buộc doanh nghiệp chi tiền hoặc gây khó khăn bằng cách mập mờ, làm không hết trách nhiệm buộc doanh nghiệp chi tiền theo 'luật bất thành văn'.
Thậm chí nhiều cựu quan chức phạm tội theo hình thức thông đồng, hứa hẹn chia sẻ lợi ích. Số tiền cảm ơn tương ứng với lợi nhuận của doanh nghiệp và số lượng hành khách rất lớn, lên tới hàng tỷ đồng, vượt quá mức thu nhập bình quân của một cán bộ công chức.
"Sau khi nhận tiền, các bị cáo không báo cáo cơ quan, tổ chức mà chiếm hưởng", hội đồng xét xử khẳng định.
Mức án phúc thẩm đối với các bị cáo
Nhóm nhận hối lộ
1. Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, y án sơ thẩm tù chung thân
2. Vũ Anh Tuấn, cựu Trưởng phòng Tham mưu (Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an), y án sơ thẩm tù chung thân
3. Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), y án sơ thẩm tù chung thân
4. Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, 14 năm tù (án sơ thẩm 16 năm tù)
5. Đỗ Hoàng Tùng, cựu Phó cục trưởng Cục Lãnh sự, 10 năm tù (án sơ thẩm 12 năm tù)
6. Vũ Sỹ Cường, cựu cán bộ Phòng Tham mưu (Cục Quản lý xuất nhập cảnh), y án sơ thẩm 9 năm tù
7. Trần Văn Tân, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, 5 năm tù (án sơ thẩm 6 năm tù)
Phạt bổ sung mỗi bị cáo 100 triệu đồng, sung quỹ Nhà nước.
Nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng 5 (Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an), 20 năm tù (án sơ thẩm tù chung thân)
2. Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty CP xây dựng Thái Hòa, y án án sơ thẩm 16 năm tù tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 2 năm tù về tội đưa hối lộ
Nhóm đưa hối lộ
1. Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó tổng giám đốc Công ty BlueSky, 9 năm tù (án sơ thẩm 11 năm tù)
2. Lê Hồng Sơn, Tổng giám đốc Công ty BlueSky, 8 năm tù (án sơ thẩm 10 năm tù)
3. Hoàng Diệu Mơ, Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hàng không An Bình, 6 năm 6 tháng tù (án sơ thẩm 7 năm tù)
4. Võ Thị Hồng, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Hàng không Minh Ngọc, 3 năm tù (án sơ thẩm 4 năm tù)
5. Lê Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty CP du lịch và dịch vụ ăn uống Nhật Minh, 27 tháng tù (án sơ thẩm 3 năm tù)
6. Trần Thị Mai Xa, Giám đốc Công ty Master Life, 30 tháng tù (án sơ thẩm 3 năm tù)
7. Lê Thị Ngọc Anh, cựu cán bộ Ban Đối ngoại T.Ư Đảng, 30 tháng tù (án sơ thẩm 3 năm tù)
8. Phạm Bích Hằng, Phó giám đốc Công ty TNHH du lịch quốc tế, 20 tháng tù (án sơ thẩm 20 tháng tù)
Phạt bổ sung mỗi bị cáo 50 triệu đồng, sung quỹ Nhà nước. Riêng các bị cáo Nghĩa, Hồng được miễn phạt bổ sung.
Nhóm lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ
1. Nguyễn Hoàng Linh, cựu cán bộ Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, 30 tháng tù cho hưởng án treo (án sơ thẩm 30 tháng tù)
2. Đặng Minh Phương, cựu cán bộ Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, 18 tháng tù cho hưởng án treo (án sơ thẩm 18 tháng tù)
3. Bị cáo Trần Việt Thái, cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, được giảm từ 4 năm tù xuống còn 3 năm tù dù không kháng cáo
Phạt bổ sung mỗi bị cáo 50 triệu đồng sung quỹ Nhà nước
Nhóm môi giới hối lộ
1. Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty CP xúc tiến thương mại và du lịch Việt Nam, 3 năm tù, hưởng án treo (án sơ thẩm 3 năm tù)
2. Phạm Thị Kim Ngân, cựu cán bộ Phòng Trị sự Tạp chí Thanh tra Chính phủ, 13 tháng tù (án sơ thẩm 15 tháng tù)
3. Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội, dù không kháng cáo nhưng được giảm từ 5 năm còn 4 năm tù