Vinatex: Nợ phải trả vượt vốn chủ, gánh nặng nợ vay và lãi vay
Kết quả kinh doanh không khả quan trong bối cảnh ngành dệt may gặp khó. Sức khỏe tài chính của Vinatex cũng có nhiều điểm đáng lưu ý khi nợ phải trả đã vượt vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm 2023. Dòng tiền thâm hụt do gánh nặng nợ vay và chi phí lãi vay.
Không hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 đã công bố, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex; UPCoM: VGT) ghi nhận doanh thu thuần 16.486 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán chỉ giảm 6,3% nên lợi nhuận gộp còn 1.211 tỷ đồng, giảm 39,6% so với năm 2022.
Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm 37,2% còn 348 tỷ đồng. Lãi trong công ty liên kết cũng giảm 21,9% về mức 559 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính hơn 498 tỷ đồng (phần lớn là chi phí lãi vay); chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng lần lượt ở mức 850 tỷ đồng và 450 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm mạnh 75,2% về mức 319 tỷ đồng.
Nhờ khoản lợi nhuận khác tăng vọt từ 7,5 tỷ đồng lên hơn 159,4 tỷ đồng, Tập đoàn Dệt May Việt Nam báo lãi sau thuế 333.4 tỷ đồng. Tuy nhiên con số này vẫn 'đi lùi' hơn 71% so với kết quả ghi nhận năm 2023.
Hồi cuối tháng 10/2023, dự đoán những tháng còn lại vẫn chưa thể khởi sắc, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã trình cổ đông phương án điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh năm 2023. Theo đó, Vinatex dự kiến hạ mục tiêu doanh thu năm 2023 từ mức 17.500 tỷ đồng theo kế hoạch cũ xuống 16.500 tỷ đồng, giảm 6%. Đồng thời điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận trước thuế từ mức 610 tỷ đồng kế hoạch cũ xuống còn 370 tỷ đồng, giảm 39%.
Dù hạ kế hoạch kinh doanh, kết thúc năm Vinatex cũng mới chỉ hoàn thành 99% mục tiêu doanh thu và hơn 90% mục tiêu lợi nhuận.
Nợ phải trả vượt vốn chủ sở hữu
Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của Vinatex ghi nhận gần 19.000 tỷ đồng, giảm 5,6% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho giảm mạnh nhất, hơn 25,3% từ 4.132 tỷ đồng xuống còn 3.088 tỷ đồng.
Ngược lại, tiền và các khoản tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn tăng lần lượt 7,3% và 10,8% lên 660 tỷ đồng và 2.343 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2023, Vinatex có hơn 271,8 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn và hơn 371 tỷ đồng tiền gửi dưới 3 tháng tại các ngân hàng. Phải thu cho vay ngắn hạn và dài hạn hơn 33,3 tỷ đồng (phải thu của May Hòa Thọ Phú Ninh hơn 7 tỷ đồng và Vinatex Quốc tế hơn 26,3 tỷ đồng).
Về phía nguồn, nợ phải trả của Vinatex ở mức 9.806 tỷ đồng, giảm 7,6% so với cùng kỳ, tuy nhiên con số này đang vượt vốn chủ sở hữu 9.185 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2023. Trong đó, tổng nợ vay ngắn và dài hạn của Vinatex ghi nhận hơn 6.446 tỷ đồng, chiếm 65,7% tổng nợ phải trả. Vinatex đã phải chi chả hơn 323 tỷ đồng chi phí lãi vay trong năm qua.
Đáng chú ý, tại khoản mục phải trả ngắn hạn khác ghi nhận Công ty đang nợ kinh phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hơn 44,7 tỷ đồng, phải trả lãi vay và cổ tức lần lượt 24,4 tỷ đồng và 84,5 tỷ đồng.
Xét về dòng tiền, theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất, lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính của Vinatex đang âm 1.053 tỷ đồng (âm gấp 2,5 lần cùng kỳ) chủ yếu tiền chi trả nợ gốc vay hơn 13.025 tỷ đồng. Trong kỳ công ty tiếp tục đi vay 12.425 tỷ đồng nhưng không đủ bù đắp dòng tiền thiếu hụt.
Tuy nhiên, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh dương 1.073 tỷ đồng (chủ yếu nhờ giảm hàng hàng tồn kho 1.235 tỷ đồng) và dòng tiền từ hoạt động đầu tư dương nhẹ 23 tỷ đồng nên lưu chuyển tiền thuần trong kỳ vẫn dương 42,2 tỷ đồng.
Chia sẻ tại hội nghị trực tuyến tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn cho biết năm 2023 là năm đặc biệt khó khăn với ngành dệt may, tổng cầu thấp, các doanh nghiệp may liên tục thiếu đơn hàng, lượng đơn hàng và đơn giá gia công đều giảm 20- 30% (cá biệt có đơn hàng giá giảm đến 40%), thị trường sợi cũng ảm đạm, tín hiệu đơn hàng chỉ tính theo tháng, đơn vị phải kinh doanh dưới giá thành… Bất ổn địa chính trị, lạm phát gia tăng trên toàn cầu khiến tổng cầu dệt may thế giới suy giảm, nhiều thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như: Mỹ, EU… đều suy giảm.
Trong bối cảnh thị trường gặp khó, các doanh nghiệp trong Tập đoàn phải chấp nhận những đơn hàng đơn giá thấp, không có lãi để tạo việc làm; nhiều doanh nghiệp phải giảm giờ làm thì bố trí làm việc luân phiên, nghỉ thứ bảy, không tăng ca, tạo điều kiện cho người lao động có việc làm, có thu nhập…
Theo tính toán, việc nhiều doanh nghiệp trong Tập đoàn chấp nhận làm hàng với đơn giá thấp để giữ ổn định thu nhập cho người lao động đã làm giảm lợi nhuận khoảng 1.500 tỷ đồng.
Trung Anh