Việt Nam sẽ xuất khẩu sầu riêng sang Ấn Độ
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện Cục Bảo vệ thực vật đang hoàn tất thủ tục để mở cửa xuất khẩu sầu riêng sang Ấn Độ.
Sầu riêng tươi Việt Nam hiện đang xuất khẩu sang 24 thị trường. Sầu riêng đông lạnh cũng đang xuất khẩu sang 23 thị trường. Trong 8 tháng năm 2023 Việt Nam đã xuất khẩu sầu riêng tươi đạt trên 300.000 tấn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả mang về 3,45 tỷ USD, tăng 57,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng mặt hàng sầu riêng mang về doanh thu xuất khẩu trên 1,2 tỷ USD, chiếm 30% tổng kim ngạch và gấp gần 3 lần so với kim ngạch cả năm 2022 (420 triệu USD). Sự tăng trưởng mạnh mẽ này bởi quý II/2022 có Nghị định thư về các yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu sầu riêng tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc.Hiện sầu riêng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc. Từ nay đến cuối năm, Việt Nam đang có thế mạnh xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc với mùa vụ ở Tây Nguyên nghịch so với nhiều nước cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.
Việt Nam có 422 vùng trồng và 153 cơ sở đóng gói đã được phê duyệt cùng 64 vùng trồng và 15 cơ sở đóng gói đang trong tình trạng hoàn thiện để được Trung Quốc cấp mã số. Bên cạnh đó, hơn 600 mã số vùng trồng và 50 cơ sở đóng gói sẽ gửi sang Trung Quốc để phê duyệt.
Sầu riêng được dự báo sẽ tiếp tục lập kỷ lục xuất khẩu khi ngày càng có sự đầu tư các vùng trồng theo tiêu chuẩn cao để xuất khẩu sang Trung Quốc và nhiều thị trường có yêu cầu khắt khe khác.
Hiện cả nước có hơn 112.000 ha sầu riêng, tổng sản lượng khoảng 900.000 tấn. Trong 5 năm gần đây, diện tích sầu riêng tăng rất nhanh, bình quân mỗi năm tăng gần 25%. Riêng Đắk Lắk hiện có khoảng 23.000 ha; trong đó có khoảng 50% diện tích đã cho thu hoạch, sản lượng năm 2023 ước tính khoảng 200.000 tấn.
Dự kiến, năm 2023 kim ngạch xuất khẩu sầu riêng cả nước đạt trên 1,6 tỷ USD, chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.