Việt Nam là một trong số thị trường mua sắm giải trí ấn tượng nhất Đông Nam Á
Thị trường TMĐT Việt Nam đã và đang bước vào giai đoạn tăng trưởng nóng, xếp thứ hai khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2020 - 2021 và được dự báo sẽ đạt quy mô khoảng 39 tỷ USD vào năm 2025.
Theo báo cáo "Shoppertainment: APAC's Trillion-Dollar Opportunity công bố bởi TikTok và Tập đoàn tư vấn Boston (Boston Consulting Group - BCG) vào tháng 8/2022 thể hiện: Shoppertainment (mô hình thương mại kết hợp giải trí) được dự đoán là kỷ nguyên tiếp theo của TMĐT.
Năm 2022, giá trị thị trường của Shoppertainment đạt 500 tỷ USD ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, trong đó các thị trường trọng điểm tại khu vực này bao gồm Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Việt Nam, và Thái Lan đạt tốc độ 60% tăng trưởng kép hàng năm (CAGR), nâng giá trị thị trường ước tính của shoppertainment tại khu vực này lên tới 1,1 tỷ USD vào năm 2025.
Báo cáo cũng dự đoán Việt Nam là một trong những thị trường phát triển ấn tượng nhất của xu hướng TMĐT mới này ở khu vực Đông Nam Á (bên cạnh Indonesia và Thái Lan). Tại 3 thị trường này cùng với Úc, Shoppertainment sẽ đạt tốc độ 63% tăng trưởng kép hàng năm (Compounded Annual Growth Rate - CAGR) trong vòng 3 năm tới, đồng thời tăng gấp 4 lần giá trị từ 24 tỷ USD lên 100 tỷ USD.
Tại sao Shoppertainment tăng trưởng mạnh tại Việt Nam là gì? Nghiên cứu do TikTok và BCG thực hiện cho thấy khả năng thích ứng mạnh mẽ của người tiêu dùng Việt Nam với Shoppertainment bắt nguồn từ ba yếu tố:
Thứ nhất, tính thích ứng cao với TMĐT và hình thức thương mại thông qua các nền tảng mạng xã hội nhờ vào cơ sở hạ tầng và kết nối vững chắc.
Thứ hai, hệ sinh thái nhà sáng tạo nội dung hoàn thiện, với nền văn hoá vững chắc xoay quanh các KOL có sức ảnh hưởng tới quyết định mua hàng.
Cuối cùng, sự thích ứng của các thương hiệu đang tăng lên khi các thương hiệu trở nên lạc quan hơn và sẵn sàng đầu tư vào các kênh mới nổi.
Trong khi trải nghiệm quảng cáo trực tuyến hiện đã đạt đến điểm bão hòa, gây ra nhiều hoài nghi và trì hoãn trong hành trình mua sắm của khách hàng, thì người tiêu dùng đang mong đợi các thương hiệu tập trung vào yếu tố giải trí trước khi đưa ra các thông tin thương mại như sản phẩm hay đường dẫn mua hàng. Điều này sẽ dẫn dắt người tiêu dùng từ giai đoạn nhận thức đến giai đoạn chuyển đổi một cách liền mạch hơn.
Hiện, các thương hiệu và nhà bán hàng tại Việt Nam cũng cho thấy tính thích ứng cao, có cái nhìn lạc quan về Shoppertainment và sẵn sàng đầu tư theo đuổi xu hướng Shoppertainment với TikTok Shop.
Theo thống kế từ phía TikTok Shop, các doanh nghiệp SMB “onboard” trên nền tảng này đã tăng 11,22 lần tính từ tháng 5 năm ngoái đến nay; lượt đơn hàng tăng trưởng gần 6 lần, số lượt xem các video ngắn và thời gian người dùng xem các nội dung này tăng trưởng trên 3 lần…
Đáng chú ý, mới đây TikTok Shop đã hợp tác với Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhằm tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã trong số hóa các hoạt động xúc tiến thương mại thuộc Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Hiện, TikTok Shop đã thu hút 200 chủ thể mở gian hàng trên TikTok Shop để bán hơn 500 sản phẩm đặc trưng mỗi vùng miền.
Với những thành công bước đầu và tiềm năng lớn nhìn nhận được, kế hoạch đề ra cho TikTok Shop trong 2023 theo đại diện là tăng gấp đôi mức tăng trưởng doanh thu so với năm đầu tiên 2022.
Bảo An