0922 281 189 [email protected]
Thứ ba, 24/10/2023 15:50 (GMT+7)

Vì sao UBND TP.HCM thu hồi dự án bệnh viện Ngọc Tâm

Theo dõi KT&TD trên

Giao đất để thực hiện dự án bệnh viện Ngọc Tâm tại thửa đất số 151, 172, tờ bản đồ số 18, 20, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức, nhưng chủ đầu tư "ôm đất" không triển khai nên UBND TP.HCM đã ra Quyết định thu hồi khu đất này.

Cụ thể, ngày 11/1/2023, UBND TP.HCM đã ra Quyết định số 104/QĐ-UBND, về việc thu hồi khu đất 29.070 m2 thuộc thửa đất số 151, 172, tờ bản đồ số 18, 20, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức do Công ty Cổ phần Bệnh Viện Ngọc Tâm (Công ty Ngọc Tâm) quản lý sử dụng.

Lý do thu hồi đất theo Quyết định của UBND TP.HCM là thu hồi đất theo quy định tại điểm I, khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai và khoản 14, Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính Phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.

Vị trí, ranh giới, diện tích đất được xác định theo bản đồ hiện trạng vị trí số 24334/GĐ-TNMT do Sở Tài nguyên và Môi trường ( Sở TN&MT) duyệt ngày 31/7/2007.

Đồng thời UBND TP. HCM giao nhiệm vụ cho Công ty Ngọc Tâm thực hiện bàn giao diện tích đất thu hồi cho Trung tâm phát triển quỹ đất để quản lý theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, Công ty Ngọc Tâm phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước, các nghĩa vụ tài chính khác (nếu có) theo quy định.

Liên quan đến nguồn gốc và quá trình thực hiện dự án bệnh viện Ngọc Tâm được biết, ngày 26/4/2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định giao đất số 515/QĐ-TTg về việc giao đất cho Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính dự án Khu dân cư 174 hạ tại phường Thạnh Mỹ Lợi.

Theo Quyết định chủ trương đầu tư, sau khi xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật chính, Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận bàn giao toàn bộ diện tích 1.737.583m2 (trong tổng số 1.745.077m2 đất thu hồi) cho UBND TP.HCM để quyết định việc giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức có chức năng đầu tư các dự án thành phần theo quy hoạch được duyệt và theo quy định của pháp luật về đất đai.

Vì sao UBND TP.HCM thu hồi dự án bệnh viện Ngọc Tâm? - Ảnh 1
UBND TP.HCM thu hồi dự án chậm triển khai.

Ngày 24/2/2006, UBND TP.HCM có Công văn số 1058/UBND-CNN chấp thuận chủ trương xây dựng bệnh viện tại khu đất 174 ha phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2 của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Đặng Trần (Công ty Đặng Trần) để góp phần vào việc chăm sóc sức khỏe nhân dân và thực hiện chủ trương xã hội hóa ngành y tế.

Đến ngày 13/4/2006, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 1694/QĐ-UBND cho Công ty Đặng Trần sử dụng 32.396 m tại phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2 (thuộc khu đất công trình công cộng trong diện tích 1.737.583 m2 Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính khu dân cư theo Quyết định số 515/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2001) để đầu tư xây dựng bệnh viện. Thời gian giao đất là 50 năm kể từ ngày ký quyết định.

Tiếp đó, ngày 4/12/2006, Hội đồng Thẩm định bồi thường TP (Sở Tài chính) có Công văn số 10941/STC-HĐTĐBT-BVG gửi UBND TP.HCM về việc xác định giá trị đất công trình công cộng khi cho Công ty Đặng Trần sử dụng để đầu tư xây dựng Bệnh viện tại phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2.

Theo đó, nghĩa vụ tài chính mà Công ty Đặng Trần phải thực hiện khi đầu tư xây dựng Bệnh viện Bệnh viện Đa khoa Ngọc Tâm được tính như sau: Giá trị khu đất 34.015.800.000 đồng trừ số tiền sử dụng đất là 9.232.860.000 đồng (34.015.800.000 đồng - 9.232.860.000 đồng = 24.782.940.000 đồng). Việc trừ tiền sử dụng đất nêu trên là do Công ty thuộc trường hợp được miễn tiền sử dụng đất theo quy định tại Điểm 4 Điều 12 Nghị định số 198/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ. Sau đó, Công ty Đặng Trần đã nộp đủ số tiền trên vào ngân sách TP.

Ngày 10/8/2007, Sở TN&MT thừa ủy quyền Chủ tịch UBND TP.HCM đã ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AI 334094 (số vào sổ T00083/la) cho Công ty Đặng Trần khu đất có diện tích 29.070m2 thuộc thửa số 151, 172 tờ bản đồ số 18, 20 phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2.

Mục đích sử dụng đất của khu đất này là để xây dựng bệnh viện, được giao theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất là 50 năm (diện tích cấp giấy chứng có thay đổi so với quyết định giao đất do trừ lộ giới đường và vạt góc tại các giao lộ theo quy định, được xác định theo Bản đồ hiện trạng vị trí số 24334/GĐ-TNMT do Sở TN&MT duyệt ngày 31 tháng 7 năm 2007).

Đến ngày 31/12/2007, UBND TP đã ban hành Công văn số 9326/UBND-ĐTMT giao Sở Tài chính lập thủ tục hoàn trả cho Công ty Đặng Trần số tiền 2.544.390.000 đồng (do chênh lệch giảm diện tích đất).

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Đặng Trần đã đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Việt Tín.

Ngày 3/2/2009, UBND TP đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 41121000106 cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Việt Tín (Công ty Việt Tín) để thực hiện dự án đầu tư Bệnh viện Đa khoa Ngọc Tâm với mục tiêu và quy mô dự án là xây dựng và kinh doanh bệnh viện đa khoa, 500 giường bệnh, tiến độ thực hiện dự án và đưa vào hoạt động chính thức kể từ tháng 10/2010.

Sau đó, Công ty Việt Tín lập Hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất với Công ty Cổ phần Bệnh viện Ngọc Tâm (Công ty Ngọc Tâm), giá trị quyền sử dụng đất để góp vốn được tính theo hợp đồng là 105 tỷ đồng, thời hạn góp vốn là 47 năm.

Vì sao UBND TP.HCM thu hồi dự án bệnh viện Ngọc Tâm? - Ảnh 2
Dự án Bệnh viện Ngọc Tâm bị bỏ hoang sau nhiều năm được giao đất.

Tiếp đó, Công ty Ngọc Tâm đã ký hợp đồng thi công xây dựng số 01/2009/HĐKT-NT với Công ty Cổ phần Bê tông 620 Châu Thới để thi công hạng mục sản xuất, cung cấp và thi công ép cọc bê tông. Sau khi hoàn thành phần thi công ép cọc vào tháng 10 năm 2009, Công ty đã tạm dừng dự án, không thực hiện thêm bất kỳ hạng mục nào khác.

Đến ngày 3/7/2012, Công ty Việt Tín lập Hợp đồng số 07/HĐKT chuyển nhượng toàn bộ dự án Bệnh viện Đa khoa Ngọc Tâm cho Công ty Cổ phần Bệnh viện Ngọc Tâm với giá chuyển nhượng 0 đồng.

Dự án bệnh viện Ngọc Tâm sau đó được UBND TP cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 41121000106, chứng nhận thay đổi lần 1 với lý do thay đổi nhà đầu tư do chuyển nhượng. Tiến độ dự án được thực hiện theo 03 giai đoạn, bắt đầu từ tháng 1/2013 đến tháng 6/2018.

Tới ngày 29/3/2013, Công ty Việt Tín lại lập Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất trên cho Công ty Ngọc Tâm với số tiền 65.000.000.000 đồng (sáu mươi lăm tỷ đồng) đã được Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất Thành phố cập nhật biến động trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AI 334094 vào ngày 7/5/2013.

Sau khi nhận chuyển nhượng, Công ty Ngọc Tâm đã thế chấp quyền sử dụng khu đất cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín 03 lần (vào các ngày 10/4/2014, ngày 1/11/2014 và ngày 9/5/2016) với tổng số tiền 223 tỷ đồng.

Năm 2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND Quận 2 và UBND phường Thạnh Mỹ Lợi kiểm tra, xác minh hiện trạng dự án Bệnh viện Đa khoa Ngọc Tâm xác định hiện trạng dự án là đất trống, chỉ có một số cọc bê tông đã ép, ngoài ra chưa triển khai các hạng mục công trình khác. Ngày 12/10/2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã ban hành Quyết định số 00308/QĐ-SKHĐT về việc chấm dứt hoạt động Dự án Bệnh viện Đa khoa Ngọc Tâm theo quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 48 Luật Đầu tư năm 2014.

Dù được giao đất để thực hiện dự án từ lâu nhưng đến nay chủ đầu tư dự án không triển khai thực hiện nên UBND TP.HCM đã thu hồi dự án Bệnh viện Ngọc Tâm.

Phạm Thạch

Bạn đang đọc bài viết Vì sao UBND TP.HCM thu hồi dự án bệnh viện Ngọc Tâm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Cần những “liều thuốc mạnh” cho thị trường bất động sản
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ rõ, vấn đề nổi bật của thị trường BĐS là mất cân đối cung - cầu, cơ cấu sản phẩm bất hợp lý. Nhiều doanh nghiệp thiếu tài nguyên, nguồn lực để phát triển dự án. Thị trường này cần những "liều thuốc mạnh" thực chất hơn.
Lãng phí hàng vạn nhà tái định cư để hoang
Hà Nội, TP.HCM và nhiều đô thị lớn đang đối mặt nghịch lý hàng chục nghìn căn hộ tái định cư bị bỏ hoang, nhếch nhác. Trong khi đó, nhiều người dân thu nhập thấp phải ở nhà thuê không đảm bảo chất lượng sống tối thiểu, chỉ mong được mua nhà ở xã hội.
Đề xuất áp giá trần với nhà ở xã hội: Cần thêm thời gian đánh giá kỹ
Bộ Tư pháp vừa đề xuất bổ sung quy định áp giá trần với nhà ở xã hội trong dự thảo Nghị quyết về chính sách đặc thù, nhằm đảm bảo người dân tiếp cận được nhà ở với mức giá hợp lý. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng chưa đồng tình, cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá toàn diện hơn trước khi áp dụng.
Thị trường bất động sản phía Nam sôi động trở lại
TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An đang chứng kiến sự trở lại mạnh mẽ của thị trường BĐS sau thời gian dài trầm lắng. Hàng loạt dự án mới được công bố, mở bán rầm rộ, cho thấy các DN đang đón đầu chu kỳ phục hồi với kỳ vọng lớn vào nhu cầu thực và sự tháo gỡ vướng mắc pháp lý từ chính sách mới.
Cầu căn hộ dịch vụ tại Hà Nội cải thiện nhờ dòng vốn FDI
Phân khúc căn hộ dịch vụ tại Thủ đô đang chứng kiến sự phục hồi tích cực, được thúc đẩy bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cùng nhu cầu lưu trú dài hạn đến từ các chuyên gia nước ngoài. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thị trường bất động sản Hà Nội sau giai đoạn trầm lắng kéo dài.
Sắp có thêm một dự án nhà ở thấp tầng tại quận Long Biên
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã ký ban hành quyết định về việc giao 10.081m2 đất tại phường Phúc Lợi, quận Long Biên cho Công ty TNHH Việt Thành - Sài Đồng để thực hiện dự án Xây dựng nhà ở thấp tầng ô đất H1-NO1 và H1-NO2.

Tin mới

Báo chí & kinh tế tư nhân: Góc nhìn từ Nghị quyết 68
Theo Nghị quyết số 68-NQ/TW, vai trò của Báo chí không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin mà còn là động lực quan trọng định hướng dư luận, tạo niềm tin và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, góp phần đưa nền kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.