Vì sao tín dụng tăng trưởng âm trong tháng 1/2024?
Tín dụng đã bật tăng mạnh trong những tuần cuối năm 2023, tuy nhiên bước sang tháng 01/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023.
Đây là thông tin được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024 sáng nay 20/2.
Theo số liệu vừa được NHNN công bố, đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên bước sang tháng 01/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023. Diễn biến này có phần ngược chiều với con số tăng trưởng tín dụng tăng mạnh trong tháng 12 năm trước, cũng như quyết tâm đẩy nhanh tín dụng của cơ quan điều hành ngay từ đầu năm nay.
"Tín dụng giảm trong tháng 1 là tình trạng chung những năm gần đây", Phó thống đốc Đào Minh Tú nhận xét. Theo ông, nguyên nhân đầu tiên là tính chất quy luật của thị trường. Giai đoạn đầu năm tín dụng thường không tăng, doanh nghiệp hạn chế vay nợ đầu năm mới. Ngoài ra, một phần nguyên nhân đến từ khó khăn chung của nền kinh tế, khả năng hấp thụ vốn, nhất là vay tiêu dùng đang gặp khó.
Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Ngân hàng Agribank, cho biết, do đặc thù lượng khách hàng cá nhân lớn nên đầu năm tín dụng của Agribank thường giảm nhưng cuối năm tăng trưởng rất mạnh.
"Đầu năm nay, tín dụng của Agribank giảm rất lớn, hơn 1%, nhưng dự kiến hết quý II có thể tăng trưởng 5 – 6%", ông Vượng cho biết.
Tại Vietcombank, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc cũng cho hay, trong tháng 1/2024, tín dụng của ngân hàng này sụt giảm 2,3% so với cuối năm 2023, tương ứng giảm 30.000 tỷ đồng. Trong đó tín dụng bán buôn giảm 19.000 tỷ đồng và tín dụng bán lẻ giảm 11.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân là trong tháng đầu năm, tín dụng tiêu dùng bất động sản tiếp tục đà suy giảm từ năm 2023 đến nay. Tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập người dân sụt giảm, thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, các dự án bất động sản mới được cấp phép trong năm 2023 ít, các vướng mắc pháp lý vẫn còn nhiều… dẫn tới tình trạng trên. Đồng thời bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, sức cầu giảm, đơn hàng sụt giảm cũng dẫn tới cầu vốn ngân hàng thấp.
Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng tại Vietcombank thấp còn do một số yếu tố đặc thù của ngân hàng này. Cụ thể, dư nợ tín dụng ngắn hạn bán buôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ của Vietcombank (70%), dư nợ cho vay phục vụ thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại có tính thời vụ, thường tập trung vào tháng trước Tết.
Cùng với đó, cầu của nhóm doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp FDI cũng giảm mạnh trong dịp đầu năm (doanh nghiệp FDI có xu hướng trả nợ vay vào cuối năm để phục vụ nhu cầu quyết toán).
Do đó, theo lãnh đạo Vietcombank, dư nợ tín dụng có xu hướng giảm vào tháng 1, tháng 2 hàng năm và sẽ tăng trở lại vào các tháng tới là không có gì bất thường. “Khoảng cuối quý I và đầu quý II/2024, tín dụng của khách hàng doanh nghiệp, cá nhân sẽ tăng trở lại”, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết.
Tương tự, tại BIDV, tín dụng tháng 1/2024 cũng giảm 1,25% so với cuối năm ngoái. Ông Trần Long, Tổng Giám đốc BIDV cho hay, đây là mức giảm như thường lệ của các năm trước. Nguyên nhân khiến tín dụng suy giảm tháng đầu năm là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn chậm, các động lực tăng trưởng phục hồi chậm, hoạt động của doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn vướng mắc, năng lực tài chính của doanh nghiệp sút giảm…
Lãnh đạo Ngân hàng Quân đội cho hay tín dụng tháng 1/2024 của ngân hàng này cũng giảm 0,7%. Nguyên nhân là do cầu tín dụng thấp, sức hấp thụ vốn kém.
"Vay để làm gì là câu hỏi lớn. Năm ngoái nói nhiều về bất động nhưng năm nay vẫn còn khó khăn, hiện đang trong quá trình tháo gỡ nhưng kết quả tháo gỡ thì hiếm. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp tháo gỡ bất động sản để không bị ảnh hưởng đến vay tiêu dùng bất động sản năm 2024", ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB nói.
Còn theo nhận định của ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng giám đốc VPBank: "Nhìn vào nền kinh tế phải thừa nhận nền kinh tế vẫn tiếp tục phát triển nhưng tập trung ở các doanh nghiệp nước ngoài, nhóm các dự án lớn, đầu tư công. Khu vực kinh tế tư nhân, chỉ có 1 – 2% nhóm này có sức chịu đựng và tiếp tục phát triển, còn lại cực kỳ khó khăn. Trong khi đó, các ngân hàng, nhất là các ngân hàng cổ phần đa phần phân khúc chính là khu vực tư nhân”.
Giao toàn bộ hạn mức tín dụng cho các ngân hàng ngay đầu năm
Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã giao toàn bộ hạn mức tín dụng cho các ngân hàng ngay đầu năm với định hướng tăng trưởng cả hệ thống năm 2024 là 15%. Việc cấp chỉ tiêu và chủ động điều chỉnh hạn mức (room) cho từng ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước thực hiện, mà không yêu cầu họ phải gửi đề nghị cấp thêm. Đây là điểm khác biệt trong cách điều hành so với mọi năm, khi "room" thường chia nhiều đợt và yêu cầu các ngân hàng gửi đề nghị.
Đầu tháng 2, khi kết quả tăng trưởng tín dụng thấp, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng phải đẩy mạnh các giải pháp tăng trưởng tín dụng. Cơ quan điều hành cũng yêu cầu tăng trưởng phải đúng, trúng mục tiêu nhằm đáp ứng nhu cầu vốn nền kinh tế. Đồng thời, các ngân hàng phải hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng, kiểm soát đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả.
Động thái này diễn ra sau khi Thủ tướng nhiều lần có các công điện về việc đẩy vốn ra nền kinh tế.
Cuối tháng 11/2023, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rút kinh nghiệm từ việc điều hành tín dụng chậm trong năm 2022. Theo ông, việc điều hành cần kịp thời, hiệu quả, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tuyệt đối không để tắc nghẽn, ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm.
Trung Anh