0922 281 189 [email protected]
Thứ hai, 12/05/2025 09:48 (GMT+7)

Ứng dụng phân tích dữ liệu, quản lý rủi ro chống gian lận hoàn thuế

Theo dõi KT&TD trên

Công tác hoàn thuế giá trị gia tăng luôn được ngành Thuế đẩy nhanh tiến độ, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng gian lận trong hoàn thuế ngày càng tinh vi, công tác hoàn thuế còn đối diện nhiều rủi ro, thất thu thuế.

Ngành Thuế đang đẩy mạnh xây dựng hệ thống phân tích dữ liệu chuyên sâu, hiện đại, phục vụ công tác quản lý rủi ro, chống gian lận trong hoàn thuế.

Cùng với việc phân cấp, phân quyền cho các Chi cục Thuế khu vực được phép ra quyết định hoàn thuế, việc DN có lịch sử tuân thủ tốt sẽ được hoàn thuế nhanh đã tạo rất nhiều thuận lợi cho DN

Hoàn thuế nhanh nhờ phân cấp, phân quyền

Theo thống kê mới nhất của Cục Thuế, tính hết ngày 26/4/2025, cơ quan thuế trên toàn quốc đã ban hành 4.987 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), với số tiền thuế đã hoàn là 38.386 tỷ đồng, bằng 99% so cùng kỳ năm 2024, bằng 22% so với dự toán hoàn thuế được Quốc hội giao.

Hỗ trợ NNT hoàn thuế thuận tiện, nhanh chóng hơn

“Với phương châm “lấy người dân và DN làm trung tâm phục vụ”, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hoàn thuế, tăng cường kết nối dữ liệu liên thông giữa các hệ thống, đặc biệt là hệ thống hóa đơn điện tử, nâng cao hiệu quả kiểm tra trước và sau hoàn thuế, đồng thời hỗ trợ NNT thực hiện thủ tục hoàn thuế thuận tiện, nhanh chóng hơn.

Cục trưởng Cục Thuế Mai Xuân Thành

Cũng theo Cục Thuế, tính đến ngày 5/5/2025, số lượng hồ sơ đề nghị hoàn thuế TNCN tự động đã được cơ quan thuế xác định hoàn thuế tự động là 256.797 hồ sơ, với số tiền là 1.169 tỷ đồng. Cơ quan thuế cho biết, hệ thống cơ sở dữ liệu tự động ngành Thuế đã tạo lệnh hoàn thuế và gửi điện tử cho Kho bạc Nhà nước để chi hoàn thuế cho người nộp thuế (NNT).

Theo đánh giá của doanh nghiệp (DN), kết quả này góp phần tích cực hỗ trợ DN, nhà đầu tư quay vòng vốn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Ông Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh cho rằng, điểm nổi bật trong hoàn thuế GTGT cho DN thời gian gần đây là việc ngành Thuế đã phân cấp, phân quyền cho các Chi cục Thuế khu vực được phép ra quyết định hoàn thuế, việc này rất thuận lợi cho DN.

Theo ông Quốc Anh, quy trình trước đây, DN thường phải nộp hồ sơ hoàn thuế tới chi cục thuế, sau đó hồ sơ sẽ được chi cục làm thủ tục xem xét chuyển lên Cục Thuế, thì hiện nay hồ sơ chỉ phải gửi trực tuyến tới chi cục thuế và được giải quyết trực tiếp tại khâu này. Việc rút ngắn được một khâu trong thủ tục hoàn thuế cũng là rút ngắn thời gian cho DN, khi hoàn thuế càng nhanh thì hoạt động kinh doanh của DN càng hiệu quả.

Ông Quảng Đức Phương - Giám đốc Công ty TNHH Dae Hyeong Vina cho rằng, việc phân quyền ra quyết định hoàn thuế cho các chi cục thuế giúp đẩy nhanh tiến trình giải quyết hoàn thuế GTGT cho DN. Bởi nguồn vốn rất quan trọng đối với DN, nguồn vốn giúp luân chuyển hàng hóa và thực hiện các khoản chi trả khác.

Công cụ hỗ trợ hoàn thuế đúng quy định, minh bạch, kịp thời

Nhằm đẩy nhanh ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác quản lý thuế, nâng cao hiệu quả phân tích dữ liệu, phát hiện rủi ro và thực hiện hoàn thuế đúng quy định, minh bạch, kịp thời, Cục Thuế vừa tổ chức cuộc họp về tình hình triển khai dự án “Xây dựng và triển khai hệ thống ứng dụng phân tích dữ liệu và quản lý rủi ro” và công tác hoàn thuế GTGT và hoàn thuế TNCN.

Báo cáo về tình hình triển khai dự án, Ban Quản lý tuân thủ và Hỗ trợ NNT (Cục Thuế) cho biết, việc tập hợp dữ liệu vào kho cơ sở dữ liệu - bao gồm thông tin quản lý thuế và các cảnh báo từ các hệ thống khác - sẽ giúp khai thác dữ liệu qua các chức năng cố định như lập danh sách cảnh báo và tra cứu thông tin quản lý thuế theo lịch sử. Đồng thời, có những chức năng cho phép người sử dụng có thể khai thác dữ liệu trong kho cơ sở dữ liệu theo các yêu cầu khác nhau, không phụ thuộc vào chức năng ứng dụng.

Bên cạnh đó, trong kho cơ sở dữ liệu cũng sẽ tập hợp các kết quả phân tích rủi ro từ nhiều năm nay, các chức năng tra cứu cũng cho phép tra cứu và xử lý dữ liệu trên các kết quả này. Như vậy, đáp ứng các yêu cầu này mới đảm bảo cho công chức phân tích dữ liệu, phân tích rủi ro có đủ công cụ, dữ liệu để thực hiện các nhiệm vụ phân tích, theo dõi, đánh giá tuân thủ NNT và công chức thuế theo nhiệm vụ được giao.

Sự liên thông cơ sở dữ liệu về cá nhân giữa các cơ quan quản lý sẽ tạo điều kiện để triển khai công tác hoàn thuế GTGT và hoàn thuế TNCN tự động thành công

Ngoài ra, các chức năng phân tích dựa trên việc cho điểm các tiêu chí là các chức năng hỗ trợ tốt cho việc phân tích dữ liệu, có thể cung cấp để sử dụng rộng rãi giúp công chức có thể chủ động phân tích, phát hiện rủi ro. Với các phương pháp phân tích dữ liệu mà hệ thống cung cấp, công chức thuế có thể phân tích nhiều loại dữ liệu, tự thiết lập mô hình dự báo, xác định rủi ro gian lận về thuế, từ đó tìm nguyên nhân để xây dựng kế hoạch nâng cao tuân thủ.

Cục trưởng Cục Thuế Mai Xuân Thành cho rằng, trong bối cảnh chuyển đổi số ngành Thuế đang được đẩy mạnh, việc xây dựng một hệ thống phân tích dữ liệu chuyên sâu, hiện đại, phục vụ công tác quản lý rủi ro là nhiệm vụ hết sức cấp thiết, nhằm nâng cao năng lực giám sát, đánh giá tuân thủ và hỗ trợ ra quyết định kịp thời, hiệu quả.

Theo đó, việc xây dựng hệ thống ứng dụng phân tích dữ liệu và quản lý rủi ro cùng với hoàn thiện quy trình hoàn thuế hiện đại, minh bạch chính là hai trụ cột quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số toàn diện ngành Thuế Việt Nam, đáp ứng yêu cầu cải cách, hội nhập và phát triển trong giai đoạn mới.

Xuất phát từ yêu cầu, thực tiễn, người đứng đầu ngành Thuế yêu cầu Ban Quản lý dự án “Xây dựng và triển khai hệ thống ứng dụng phân tích dữ liệu và quản lý rủi ro”, tiếp tục bám sát tiến độ, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đặt ra, đồng thời lưu ý hệ thống kho cơ sở dữ liệu phải đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo mật, an toàn thông tin. Cùng với đó, đảm bảo khả năng tích hợp, phân tích linh hoạt để phục vụ công tác quản lý thuế hiện tại và trong tương lai.

Tăng cường kiểm tra, giám sát tránh rủi ro thất thu thuế

Để đẩy nhanh công tác hoàn thuế, tạo thuận lợi tối đa cho DN, Cục Thuế chỉ đạo Chi cục trưởng các Chi cục Thuế khu vực, trưởng các ban, đơn vị thuộc Cục Thuế tổ chức rà soát các DN có hoạt động xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và các dự án đầu tư trên địa bàn.

Cục Thuế giao các Chi cục Thuế khu vực chỉ đạo các bộ phận chức năng rà soát, tổng hợp toàn bộ hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT còn tồn đọng. Phân loại hồ sơ theo nhóm đối tượng, mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, nông sản, thủy sản, sắt thép, linh kiện điện tử… Đồng thời, xác định rõ khó khăn, vướng mắc và thời hạn giải quyết từng hồ sơ. Bố trí đầy đủ nhân lực, phân công nhiệm vụ cụ thể; tổ chức giám sát, kiểm tra tiến độ thực hiện hàng tuần.

Lãnh đạo Cục Thuế yêu cầu cần có sự phân công công việc, giao nhiệm vụ tới từng bộ phận cụ thể giữa các phòng của các chi cục thuế đến từng công chức trong triển khai quy trình hoàn thuế và phải có sự kiểm tra, giám sát lẫn nhau để tránh rủi ro thất thu thuế cũng như rủi ro cho cán bộ thuế được giao ra quyết định hoàn thuế.

Đối với NNT có lịch sử tuân thủ tốt, hồ sơ đủ điều kiện, không có dấu hiệu rủi ro, thực hiện hoàn thuế đúng thời hạn quy định. Đối với các vấn đề vượt thẩm quyền báo cáo ngay về Cục Thuế để được hướng dẫn, giải quyết.

Bạn đang đọc bài viết Ứng dụng phân tích dữ liệu, quản lý rủi ro chống gian lận hoàn thuế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tín dụng khởi sắc trong quý II/2025
Tăng trưởng tín dụng đang ghi nhận tín hiệu tích cực trong quý II/2025, với mức tăng mạnh so với cùng kỳ và dòng vốn tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng.
Tỷ giá USD hôm nay (11/5): Giá USD giảm nhẹ
Tỷ giá USD hôm nay (11/5): Trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,22%, xuống mức 100,42.

Tin mới

Tín dụng khởi sắc trong quý II/2025
Tăng trưởng tín dụng đang ghi nhận tín hiệu tích cực trong quý II/2025, với mức tăng mạnh so với cùng kỳ và dòng vốn tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng.