Tỷ giá biến động mạnh có đáng ngại?
Trong những tuần gần đây, nhiều tỷ giá tại ngân hàng thương mại và tỷ giá tự do đều đã lập đỉnh. Kể từ đầu năm đến ngày 18/3, VND đã mất giá khoảng 1,8% so với USD. Đáng chú ý, tỷ giá USD/VND chưa có dấu hiệu ngừng tăng. Biến động trái thông lệ này có đáng ngại?
VND vẫn là một đồng nội tệ yếu trong khu vực, với khả năng chuyển đổi yếu
Mới đây, tại Hội thảo “Kinh tế hồi phục - Ngân hàng dẫn sóng và Triển vọng của thị trường” diễn ra chiều 19/3, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia đã phân tích về diễn biến tỷ giá thời gian gần đây.
Theo ông Lực, kể từ đầu năm đến ngày 18/3, VND đã mất giá khoảng 1,8% so với USD. Giải thích nguyên nhân vì sao tỷ giá tăng trở lại trong giai đoạn đầu năm 2024, ông Lực đã liệt kê ba lý do chính. Thứ nhất, đồng USD mạnh lên khi nền kinh tế Mỹ phục hồi ấn tượng, thậm chí không suy thoái mà còn tăng trưởng khoảng 2,5% trong năm vừa qua.
Ngoài ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ hạ lãi suất chậm hơn so với kỳ vọng ban đầu. Hiện nay, thị trường tương lai đã lùi thời điểm Fed hạ lãi suất xuống tháng 6 hoặc lâu hơn, thay vì tháng 3 như cuối năm 2023. Đồng thời, chênh lệch lãi suất giữa USD - VND vẫn ở mức cao.
Lý do thứ hai, theo chuyên gia Lực là việc một số doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chuyển lợi nhuận về nước vào đầu năm. Đây là một yếu tố mang tính mùa vụ và có tác động làm tăng nhu cầu về mua bán ngoại tệ. Ngoài ra, lý do cuối cùng là hiện tượng đầu cơ.
Chuyên gia Cấn Văn Lực cho biết mặc dù tỷ giá tăng 1,8% từ đầu năm đến nay, nhưng vẫn không quá lo ngại. Nguyên nhân là bởi từ nay đến cuối năm, Fed sẽ giảm lãi suất, và nền kinh tế Mỹ bắt đầu ngấm đòn do tác động từ lãi suất cao.
Trích dẫn dự báo của tập đoàn ING từ Hà Lan, từ nay đến cuối năm, các đồng tiền khác có thể tăng khi USD giảm giá, trong khi VND cơ bản ổn định dần hoặc có thể mất giá nhẹ.
Theo ông Lực, nguyên nhân khiến VND mất giá trong khi những đồng tiền khác mạnh lên so với USD là bởi VND vẫn là một đồng nội tệ yếu trong khu vực, với khả năng chuyển đổi yếu. Ngoài ra, mặc dù cán cân thanh toán Việt Nam dương, nhưng không nhiều và có một số thời điểm còn âm.
Tỷ giá biến động mạnh có đáng ngại?
Giới chuyên gia nhận định, tỷ giá có thể chịu áp lực cao trong quý I, bởi những chính sách khác biệt giữa Việt Nam và các quốc gia khác. Việt Nam tập trung hỗ trợ tăng trưởng, trong khi nhiều nước vẫn cảnh giác với lạm phát. Chênh lệch lãi suất giữa VND và USD hiện nay ở mức âm 2,1-2,4%/năm ở các kỳ hạn dưới 1 tháng, có thể kích thích các hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất, tạo sức ép lên tỷ giá.
Nhóm chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, nguyên nhân khiến VND mất giá là do sự phục hồi của USD, xuất phát từ việc nhà đầu tư giảm bớt kỳ vọng về triển vọng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Lãi suất USD vẫn ở mức cao trong bối cảnh FED chưa nới lỏng chính sách tiền tệ, trong khi lãi suất VND sụt giảm rất mạnh. Mức chênh lệch giữa USD và VND khiến cho tỷ giá không những không hạ nhiệt mà còn tăng trong thời gian qua.
Lý giải thêm về việc tỷ giá trên thị trường tự do "leo thang", đại diện một ngân hàng cổ phần ở Hà Nội lại cho rằng, giá USD tự do bị ảnh hưởng lớn từ chênh lệch của giá vàng, nhất là giá vàng nhẫn. Sau khi vàng SJC tăng nhanh thì chênh lệch giá vàng nhẫn so với thế giới cũng lên tới mức 3 triệu đồng một lượng.
Đây là mức chênh lệch hiếm gặp từ trước đến nay, do đó giá vàng nhẫn đang là vấn đề lớn tác động đến tỷ giá của thị trường tự do. Với dự báo giá vàng quốc tế còn có thể tiếp tục đi lên trong năm 2024, giá vàng trong nước cũng có thể chịu tác động song hành và mở rộng thêm khoảng cách với giá thế giới quy đổi...
Theo dự đoán của Ngân hàng HSBC Việt Nam, tỷ giá USD/VND đối mặt với áp lực tăng trong quý I năm nay. Những dấu hiệu cho thấy sự cải thiện có thể xảy ra trong nửa cuối năm 2024.
Ngược lại, yếu tố hỗ trợ cho tỷ giá trong biên độ cho phép đó là cung ngoại tệ được dự báo tiếp tục dồi dào nhờ thặng dư thương mại, vốn FDI, kiều hối và du lịch quốc tế phục hồi. Việc các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đảo chiều nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ giúp chính sách điều hành tỷ giá tại Việt Nam không còn chịu nhiều áp lực như giai đoạn trước.
Nhiều tổ chức quốc tế dự báo, tỷ giá USD/VND sẽ ở mức 24.000 VND/USD trong quý I-2024; 23.800 VND/USD trong quý II; 23.600 VND/USD trong quý III và 23.500 VND/USD trong quý IV-2024. Ẩn số lớn nhất của tỷ giá năm 2024 là FED có thể trì hoãn quá trình giảm lãi suất, rủi ro chiến sự leo thang ở một số khu vực. Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp nhập khẩu nên sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán KB (KBSV), mức tăng của tỷ giá USD/VND tối thiểu 2% Ngân hàng Nhà nước mới can thiệp ổn định tỷ giá; trong bối cảnh lạm phát ổn định ở mức thấp, các chính sách tiền tệ hiện tại vẫn ưu tiên hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, trên thị trường tự do, tỷ giá USD/VND có mức biến động lớn hơn tại hệ thống ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch tại thị trường này là rất nhỏ trong tổng thể hoạt động của thị trường ngoại hối trong nước. Gần như toàn bộ các giao dịch phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu, vay trả nợ nước ngoài, đầu tư nước ngoài của các doanh nghiệp và các giao dịch hợp pháp của cá nhân luôn được các ngân hàng phục vụ đầy đủ trong định hướng quản lý sự ổn định nhất quán từ cơ quan quản lý. Do vậy, các biến động lớn hơn (nếu có) từ thị trường tự do không phải là yếu tố có thể gây áp lực lên sự ổn định của thị trường.
Hồng Quang