Từ tháng 3/2024 dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ tăng trở lại
Theo số liệu mới nhất VDSC ghi nhận được từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 16/2, tín dụng đã giảm 1% trong khi cuối tháng 1 con số này là 0,6%. Nhiều chuyên gia cho rằng với xu hướng giảm lãi suất cho vay, sự phục hồi tích cực của nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng sẽ tăng trở lại kể từ tháng 3.
Theo đó, Cục Thống kê TP. HCM cho biết, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố tính đến ngày 29/2 ước đạt 3,53 triệu tỷ đồng, tăng 0,6% so với cuối năm 2023.
Dư nợ cho vay ngắn hạn ước tính là 1,67 triệu tỷ đồng, chiếm 47,3% tổng dư nợ tín dụng, tăng 0,7% so với cuối năm ngoái. Dư nợ trung hạn, dài hạn ở mức 1.859,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 52,7% tổng dư nợ, tăng 0,5% so với đầu năm.
Trước đó, theo số liệu của NHNN chi nhánh TP.HCM, tính đến cuối tháng 1, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đạt hơn 3,5 triệu tỷ đồng, giảm 0,93% so với cuối năm 2023 và tăng 9,27% so với cùng kỳ. Tốc độ giảm này cao hơn mức giảm cùng kỳ năm ngoái (giảm 0,48%) và mức giảm của bình quân cả nước (0,6%).
Chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trong tháng 12/2023 tín dụng đã tăng rất mạnh đưa mức tăng trưởng cả năm lên 13,7%, vượt qua kỳ vọng của nhiều người. Trong khi đó, tháng 1/2024 lại rơi vào sát Tết Nguyên đán, đây là thời điểm doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng nhằm thu hồi vốn, nên nhu cầu về vốn để mua sắm nguyên vật liệu sản xuất không thể cao so với các thời điểm khác trong năm.
“Vì vậy, tăng trưởng tín dụng giảm 0,6% là điều bình thường và trong tháng 2 cũng không thể cao được do rơi vào tháng Tết”, ông Thịnh nhận định
Vị chuyên gia này cho rằng tăng trưởng tín dụng có thể tăng trở lại từ tháng 3 do doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang có những tín hiệu tích cực về đơn hàng trong khi tiêu dùng trong nước cũng cải thiện. Cộng đồng doanh nghiệp đã và đang tập trung vào sản xuất kinh doanh nên nhu cầu vốn sẽ tăng cao.
Cùng với đó, từ cuối năm 2023, NHNN cũng giao ngay chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 ở mức 15%. Đây là cơ sở để các ngân hàng thực hiện đẩy mạnh xem xét cho vay trong nền kinh tế ngay từ những tháng đầu năm.
“Các ngân hàng sẽ tích cực chủ động trong việc nắm bắt các tín hiệu của thị trường để đảm bảo kế hoạch tăng trưởng.”, ông Thịnh nêu.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, yếu tố mùa vụ là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng (gắn liền với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán), bên cạnh các yếu tố khách quan khác như nhu cầu vốn, tình hình kinh tế xã hội và khả năng hấp thụ vốn.
Ngoài ra, một điểm cần chú ý là nhu cầu vốn (chủ yếu ngắn hạn) đã tăng mạnh trong 3 tháng cuối năm 2023, dành cho hoạt động sản xuất, thương mại phục vụ kỳ nghỉ lễ. Do đó phần dư nợ này sẽ giảm theo kỳ hạn vay và thời hạn trả nợ vào dịp Tết (khai thác hiệu quả nguồn vốn vay, hạn chế việc phải chi trả lãi vay trong kỳ nghỉ).
Số liệu thực tế cũng cho thấy dư nợ tín dụng ngắn hạn trên địa bàn TP. HCM tháng 1 giảm 2,32%, trong khi dư nợ tín dụng trung và dài hạn vẫn tăng 0,35%. Lãnh đạo NHNN chi nhánh TP.HCM đánh giá thành phố đã có những tín hiệu tích cực trong sản xuất kinh doanh của một số ngành vào đầu năm, chẳng hạn như có đơn hàng sản xuất, công nhân trở lại làm việc đạt tỷ lệ cao, nhiều thông tin tuyển dụng, xuất khẩu và đầu tư công tiếp tục thực hiện tốt.
Trong thời gian tới, ông Lệnh cho biết ngành ngân hàng trên địa bàn sẽ tiếp tục xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hợp lý, phù hợp với khả năng tài chính và xu hướng giảm lãi suất bình quân đầu vào của mỗi tổ chức tín dụng với tinh thần “chia sẻ, đồng hành để cùng phát triển”.
Trên thực tế, theo khảo sát của người viết, trong thời điểm đầu năm, nhiều ngân hàng thương mại cũng đã và đang áp dụng loạt chương trình giảm lãi suất cho vay, kích thích tăng trưởng tín dụng.
Cụ thể, từ nay đến hết ngày 31/12/2024, SHB dành 18.000 tỷ đồng ưu đãi khách hàng cá nhân vay vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất - kinh doanh và nhu cầu đời sống như mua nhà, mua xe ô tô… với lãi suất từ 6,79%/năm.
Sacombank bổ sung thêm 10.000 tỷ đồng, nâng hạn mức gói lên thành 35.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 6%/năm đối với các kỳ hạn dưới 12 tháng hoặc chỉ từ 7%/năm đối với các khoản vay trung dài hạn. Gói vay mới phục vụ đời sống có hạn mức 10.000 tỷ đồng với lãi suất từ 6,5%/năm, cố định trong 6 tháng, 12 tháng hoặc 24 tháng. Cả hai gói vay triển khai đến hết ngày 31/3/2024.
Số liệu mới công bố của Cục Thống kê Hà Nội, tính đến cuối tháng 2/2024 tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố ước tính đạt 3,688 triệu tỷ đồng, tăng 0,93% so với tháng trước và 1,96% so với cuối năm 2023.
Trong đó dư nợ cho vay ngắn hạn ở mức 1,536 triệu tỷ đồng, tăng 2,04% so với cuối năm ngoái; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 2,152 triệu tỷ đồng, tăng 1,9%. Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu vào cuối tháng 1 của các tổ chức tín dụng ở mức 1,85%.
Lãi suất cho vay bình quân của các khoản vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 8,1 - 10,2%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) bình quân khoảng 3,8%/năm.
Theo góc nhìn của chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 là 15% cũng không quá khó để đạt được do kinh tế thế giới và trong nước đã có hồi phục nhất định, kéo theo nhu cầu trong doanh nghiệp cũng tăng.
Tuy nhiên, một trong những rào cản của tăng trưởng tín dụng là việc giảm lãi suất cho vay chưa thực sự diễn ra trên diện rộng, mới chỉ xuất hiện ở một số ngân hàng với từng “gói” được thiết riêng dành cho một số ngành, doanh nghiệp hay hoạt động kinh doanh cụ thể có khả năng trả nợ cao và phần lớn là kỳ hạn ngắn.
Thời gian vừa qua, nhiều ngân hàng cũng đã áp dụng lãi suất cho vay dưới 7%/năm nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh. Song, mức lãi suất này chỉ áp dụng cho những doanh nghiệp có tài sản đảm bảo (TSĐB) và khả năng trả nợ cao. Còn những doanh nghiệp không có TSĐB và rủi ro cao thì phải chịu lãi vay 10%/năm trở lên.
Tiến Hoàng