TP. HCM chủ động nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường Tết
Các mặt hàng bình ổn thị trường tại TP.HCM chiếm thị phần từ 25% đến 43% tổng nguồn hàng, bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 7.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến…
Theo Sở Công Thương TP.HCM, trong 11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố ước đạt 1,08 triệu tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 634.636 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 58,7% và tăng 11,2% so với cùng kỳ.
Chỉ số giá cả hàng hóa (CPI) tháng 11 năm 2023 của TP.HCM tăng 2,61% so với cùng kỳ 2022, thấp hơn cả nước (CPI tháng 11 năm 2023 của cả nước tăng 3,45% so với cùng kỳ năm 2023). Tình hình thị trường xăng dầu, tỷ giá, giá cả nguyên vật liệu cơ bản… tiếp tục biến động phức tạp, tạo áp lực lớn đối với hoạt động sản xuất trong nước, nhất là đối với hoạt động sản xuất các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu những tháng cuối năm và giáp Tết Nguyên đán.
Để chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Giáp Thìn năm 2024, địa phương này đã xây dựng kế hoạch và giao cho Sở Công Thương Thành phố chủ trì tích cực triển khai ngay từ đầu năm nay. Sở Công Thương TP.HCM cho biết năm 2023 là năm đầu tiên thành phố triển khai chương trình bình ổn thị trường theo quy chế. Doanh nghiệp tham gia trên cơ sở đồng thuận, đồng hành và tuân thủ nghiêm các quy định của chương trình; góp phần ổn định giá cả, không để xảy ra bất kỳ tình huống khan hàng, đầu cơ giá.
Do đó, các doanh nghiệp bình ổn thị trường TP.HCM đã chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng phục vụ dịp Tết Giáp Thìn; trong đó, hơn 8.500 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường. Có 45 doanh nghiệp tham gia cung ứng, phân phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán và là đầu mối của nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa từ sản xuất đến lưu thông, phân phối.
TP.HCM triển khai các phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu, bình ổn giá thị trường.
Về lượng hàng, các mặt hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25-43%. Bình quân mỗi tháng, các doanh nghiệp bình ổn thị trường dự kiến cung ứng 7.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thủy hải sản… Ngoài ra, các doanh nghiệp sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết, tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ, kiên quyết không để xảy ra thiếu hàng, mất cân đối cung cầu trong mọi tình huống.
Riêng mặt hàng gạo, thời gian qua giá lương thực thế giới đã tăng mạnh, trong đó giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng khoảng 40%. Để tăng nguồn lực bình ổn thị trường gạo, Sở Công thương đã vận động, mời gọi thêm nhiều doanh nghiệp tham gia, đồng hành; có thêm một doanh nghiệp kinh doanh gạo quy mô lớn đăng ký tham gia đồng hành cùng TP trong thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường trên địa bàn TP. Với nguồn lực hiện có, gồm các tập đoàn kinh doanh gạo quy mô lớn; cùng với sự chia sẻ thông tin, phối hợp kịp thời của các địa phương vùng nguyên liệu, các hệ thống phân phối lớn của TP; Sở Công thương nhận định thị trường gạo trên địa bàn TP từ nay đến Tết Nguyên đán duy trì ổn định, đảm bảo cân đối cung cầu.
Tại 3 chợ đầu mối và 221 chợ truyền thống, dự kiến, vào thời điểm cận Tết, lượng hàng nhập về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 13.000 – 15.000 tấn/ngày. Để chuẩn bị Tết, Sở Công thương phối hợp UBND quận, huyện, TP Thủ Đức triển khai các giải pháp đảm bảo hoạt động kinh doanh tại chợ thực hiện nghiêm túc quy định về niêm yết giá, hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm… Hiện trên địa bàn TP.HCM có 48 trung tâm thương mại, 267 siêu thị và hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động. Nhằm chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán năm 2024, các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố đã ký kết hợp đồng thu mua với nhà cung cấp, chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết.
Những ngày cận Tết, các đơn vị sẵn sàng phương án tăng lượng hàng từ 2-3 lần so với ngày thường; đồng thời có phương án kéo giãn thời gian hoạt động để đảm bảo nhu cầu tăng đột biến của người tiêu dùng. Cụ thể, từ ngày 20-27 tháng Chạp âm lịch, các kênh phân phối sẽ mở cửa từ 7 giờ sáng đến 23 giờ đêm; từ ngày 28-29 tháng Chạp Âm lịch, mở cửa từ 6 giờ sáng đến 24 giờ đêm; ngày 30 tháng Chạp Âm lịch, mở cửa từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa; khai trương năm mới vào 8 giờ sáng mùng 2 Tết Nguyên đán. Từ mùng 2 đến mùng 5 Tết Nguyên đán, các kênh phân phối mở cửa từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa; từ mùng 6 Tết Nguyên đán trở lại hoạt động kinh doanh bình thường.
Công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, đảm bảo an toàn thực phẩm được ngành chức năng thành phố chú trọng triển khai.
Về giá cả hàng hóa phục vụ Tết, các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong một tháng trước Tết và một tháng sau Tết; đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong hai ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm... Đồng thời, doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai giảm giá sâu nhiều mặt hàng, tập trung vào các mặt hàng Tết như: nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo...
Nhằm tiếp tục chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán, thời gian tới, Sở Công Thương TP.HCM tiếp tục phối hợp chặt chẽ với hệ thống phân phối trên địa bàn, vận động chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và các chi phi khác trong giai đoạn hiện nay để giảm áp lực tăng giá bán đến tay người dùng; đặc biệt đẩy mạnh đối với sản phẩm bình ổn thị trường và các mặt hàng thiết yếu khác. Sở cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kích cầu tiêu dùng thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến mại tập trung như Chương trình Shopping Season 2023 với chủ đề “Rộn ràng mua sắm mùa Xuân 2023,” tổ chức, hỗ trợ tổ chức các sự kiện, hội chợ, phiên chợ xuân cấp Thành phố và cấp quận, huyện...
Để siết chặt các biện pháp quản lý thị trường, công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Giáp Thìn năm 2024, Cục Quản lý thị trường TP.HCM, cho biết Cục và Sở Công Thương TP.HCM tiếp tục theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng gạo, thịt gia súc, trứng gia cầm, rau củ quả, những mặt hàng có nhu cầu tăng đột biến dịp Tết như bánh kẹo, nước giải khát…; chủ động có phương án hoặc để xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Về công tác quản lý an toàn thực phẩm, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP cho biết, Ban Chỉ đạo liên ngành TP đã ban hành kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết. Trong đó có phân cấp cụ thể rõ ràng. Riêng ở cấp TP, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP sẽ lập 11 đoàn kiểm tra để triển khai 2 nội dung. Đó là đẩy mạnh truyền thông từ người tiêu dùng đến người sản xuất kinh doanh và cơ quan quản lý nhà nước về việc đảm bảo an toàn thực phẩm, hai là kiểm tra hàng hóa trên địa bàn; tập trung kiểm tra giám sát chặt chẽ tại 3 chợ đầu mối. Cùng với đó, tập trung kiểm tra tại các quận huyện về những sản phẩm được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết như: bia rượu, thịt cá, bánh kẹo.
Bên cạnh đó, Ban sẽ phối hợp với cơ quan Quản lý Thị trường để kiểm tra, ngăn chặn hàng gian, hàng giả; đảm bảo các sản phẩm thực phẩm đưa ra thị trường phải được kiểm tra giám sát, đảm bảo an toàn thực phẩm. Cục Quản lý thị trường TP cho biết, sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm vi phạm hành chính đối với những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: bánh kẹo, đường cát, hoa quả, rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giầy dép, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật, pháo nổ, pháo hoa các loại... Đặc biệt, tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.
Thanh Tùng