0922 281 189 [email protected]
Thứ năm, 10/04/2025 20:36 (GMT+7)

Toàn cảnh một tuần đầy biến động của thương mại thế giới

Theo dõi KT&TD trên

Chỉ trong một tuần, thế giới đã trải qua những biến động nhanh chóng trên mặt trận thương mại quốc tế, bắt nguồn từ quyết định áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Từ lời cảnh báo mạnh mẽ của Trung Quốc, phản ứng dè dặt từ EU, đến sự sụt giảm nghiêm trọng của thị trường chứng khoán toàn cầu, bức tranh kinh tế thế giới trở nên u ám hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, động thái bất ngờ vào phút chót của ông Trump đã phần nào làm dịu tình hình căng thẳng, nhưng vẫn để lại nhiều dấu hỏi về tương lai của thương mại quốc tế.

Toàn cảnh một tuần đầy biến động của thương mại thế giới - Ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Hàng rào thuế quan cao nhất trong hơn một thập kỷ

Vào chiều ngày 2/4 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố áp dụng mức thuế cơ bản 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các đối tác thương mại, cùng với mức thuế đối ứng cao hơn, dao động từ 10-49%, dành cho các đối tác có thặng dư thương mại với Mỹ. Đây được xem là các rào cản thương mại cao nhất trong hơn một thập kỷ qua. Ngoài ra, Mỹ cũng áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu, bắt đầu từ ngày 3/4.

Trong số các nền kinh tế lớn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, Liên minh châu Âu (EU) phải đối mặt với mức thuế đối ứng 20%, trong khi Trung Quốc gánh thêm mức thuế đối ứng 34%, bên cạnh mức 20% hiện tại.

Ngay sau khi kế hoạch thuế quan mới được công bố, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã cảnh báo các quốc gia khác không nên thực hiện các biện pháp trả đũa, vì điều này chỉ làm gia tăng căng thẳng thương mại.

Phản ứng từ cộng đồng quốc tế

Ủy ban Thuế quan của Quốc vụ viện Trung Quốc đã thông báo áp mức thuế bổ sung 34% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, bên cạnh các mức thuế hiện hành, có hiệu lực từ ngày 10/4. Đồng thời, Bộ Thương mại Trung Quốc đã đưa 11 thực thể Mỹ, bao gồm Skydio, vào "danh sách thực thể không đáng tin cậy" và 16 thực thể Mỹ, trong đó có High Point Aerotech, vào danh sách kiểm soát xuất khẩu. Trung Quốc cũng tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với ống CT y tế nhập khẩu từ Mỹ và Ấn Độ. Đặc biệt, nước này đã áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với 7 loại đất hiếm trung bình và nặng, bao gồm samarium, gadolinium, terbium, dysprosium, lutetium, scandium và yttrium, có hiệu lực ngay lập tức.

Ngày 7/4 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung 50% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nếu nước này không rút lại mức thuế trả đũa 34%. Trên mạng xã hội Social Truth, ông Trump cho biết thời hạn để Trung Quốc rút lại các mức thuế là ngày 8/4. Nếu không, mức thuế bổ sung 50% sẽ có hiệu lực từ ngày 9/4, nâng tổng mức thuế của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc lên 104%. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ đình chỉ mọi cuộc đàm phán với Trung Quốc theo đề nghị của nước này.

Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ về việc đáp trả các mức thuế quan mới do Tổng thống Trump đề xuất, cam kết sử dụng "các biện pháp pháp lý, chính đáng, tương xứng và quyết đoán". Ngày 3/4, Chính phủ Vương quốc Anh bắt đầu cuộc tham vấn kéo dài 4 tuần với các doanh nghiệp để thảo luận về các biện pháp trả đũa nếu hai nước không đạt được thỏa thuận giảm thuế quan của Mỹ.

Thủ tướng Canada Mark Carney tuyên bố Canada sẽ áp dụng mức thuế 25% đối với tất cả các loại xe nhập khẩu từ Mỹ không tuân thủ Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA). Trong khi đó, Thủ tướng các nước Anh, Australia và Italy đã tổ chức các cuộc hội đàm để tìm cách phản ứng với quyết định thuế quan của ông Trump.

Thông báo thuế quan của Mỹ đã gây ra một “cơn địa chấn” trên thị trường tài chính. Tuần trước, cả ba chỉ số chính trên Phố Wall đều ghi nhận mức giảm lớn nhất trong hai ngày kể từ khi đại dịch COVID-19 gây ra sự hoảng loạn toàn cầu trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Trong hai phiên 3-4/4, chỉ số Dow Jones giảm 9,3%, S&P 500 giảm 10,5% và Nasdaq giảm 11,4%. Theo Dow Jones Market Data, giá trị cổ phiếu Mỹ đã mất khoảng 9.600 tỷ USD kể từ ngày 17/1, phiên cuối cùng trước khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ hai, trong đó 5.000 tỷ USD đã "bay hơi" chỉ trong hai phiên 3-4/4, đánh dấu hai ngày sụt giảm lớn nhất trong lịch sử. Các thị trường chứng khoán châu Á và châu Âu cũng đồng loạt giảm mạnh.

Ngày 8/4, Nhà Trắng thông báo gần 70 đối tác thương mại đã chủ động liên hệ với chính quyền ông Trump để bắt đầu các cuộc đàm phán nhằm giảm thiểu tác động từ chính sách thuế quan mới. Tổng thống Trump cho biết Mỹ đang xây dựng các "thỏa thuận riêng" và sẽ ưu tiên đàm phán với các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc. Quan chức thương mại Jamieson Greer tiết lộ Argentina, Việt Nam và Israel nằm trong số các quốc gia đã đề nghị giảm thuế quan.

Trong khi nhiều đối tác thương mại tìm cách thương lượng để tránh vòng xoáy thuế quan, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc lại tiếp tục gia tăng. Ngày 8/4, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt xác nhận mức thuế tổng cộng 104% sẽ chính thức áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc từ ngày 9/4. Bà nhấn mạnh rằng việc Trung Quốc áp thuế trả đũa 34% đối với hàng hóa Mỹ là “sai lầm” và khẳng định Washington sẽ có biện pháp đáp trả thích đáng.

Trung Quốc cũng không nhượng bộ. Ngày 9/4, nước này thông báo sẽ áp thuế bổ sung 50% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ từ ngày 10/4, nâng mức thuế từ 34% lên 84%. Cùng ngày, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố đã đệ đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về biện pháp tăng thuế quan mới nhất.

Cũng trong ngày 9/4, các quốc gia thành viên EU đã thống nhất triển khai các biện pháp trả đũa đầu tiên đối với chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump. EU dự kiến áp mức thuế chủ yếu là 25% đối với một loạt hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, bắt đầu từ ngày 15/4, nhằm phản ứng với thuế kim loại của Mỹ. Khối này vẫn đang xem xét cách thức đáp trả đối với thuế ô tô và các loại thuế diện rộng hơn. Các biện pháp thuế quan sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn vào ngày 15/4, 16/5 và 1/12. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu tuyên bố rằng các biện pháp này có thể được đình chỉ bất cứ lúc nào nếu Mỹ đồng ý với một thỏa thuận công bằng và cân bằng.

Động thái đổi hướng đầy bất ngờ

Trong một động thái bất ngờ, ngày 9/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ tạm dừng kế hoạch áp thuế đối ứng trong 90 ngày đối với các đối tác thương mại không thực hiện biện pháp trả đũa Mỹ.

Trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social vào chiều cùng ngày, ông Trump viết: "Dựa trên thực tế rằng hơn 75 đối tác thương mại đã liên hệ với các đại diện của Mỹ, bao gồm Bộ Thương mại, Bộ Tài chính và Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), để đàm phán các giải pháp liên quan đến thương mại, rào cản thương mại, thuế quan, thao túng tiền tệ và thuế quan phi tiền tệ, và các đối tác này không có bất kỳ hành động trả đũa nào đối với Mỹ, tôi đã quyết định tạm dừng 90 ngày và giảm đáng kể thuế đối ứng xuống 10% trong thời gian này, có hiệu lực ngay lập tức"

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố mức thuế đối với Trung Quốc sẽ tăng lên tổng cộng 125% và có hiệu lực ngay lập tức, sau khi Trung Quốc đáp trả đợt tăng thuế mới của Mỹ.

Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent tiết lộ rằng các mức thuế được công bố một tuần trước đóng vai trò như một chiến lược để đưa các quốc gia đến bàn đàm phán. Quyết định tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày đối với hơn 75 đối tác thương mại của chính quyền ông Trump đã giúp đảo ngược xu hướng tiêu cực trên thị trường tài chính sau một tuần đầy biến động vì làn sóng thuế quan toàn cầu. Ngay sau thông báo trên mạng xã hội của ông Trump, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng vọt khoảng 2.500 điểm, trong khi Nasdaq Composite tăng 12,2%, ghi nhận ngày giao dịch tăng giá mạnh nhất trong 24 năm qua. Nvidia dẫn đầu với mức tăng 18,7%, trong khi Apple, Boeing, Disney, Goldman Sachs và Nike đều tăng hơn 10%.

Quyết định hoãn áp thuế đối ứng của ông Trump đã nhận được sự hoan nghênh từ nhiều quốc gia. Thủ tướng Canada Mark Carney gọi đây là "động thái đáng hoan nghênh cho nền kinh tế toàn cầu" trong một bài viết trên mạng X. Thủ tướng tương lai của Đức Friedrich Merz cũng đánh giá cao quyết định này, coi đó là minh chứng cho sự đoàn kết của châu Âu và bày tỏ ý định gặp gỡ ông Trump sau khi nhậm chức. Đặc phái viên thương mại Hàn Quốc Cheong In Kyo nhận định rằng việc tạm hoãn thuế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán, đặc biệt khi Seoul đang tìm cách giải quyết vấn đề thuế quan với Washington.

Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cảnh báo rằng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia chiếm 3% thương mại toàn cầu, có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến triển vọng kinh tế thế giới. WTO dự báo thương mại hàng hóa giữa hai nước có thể giảm tới 80%.

Mặc dù quyết định tạm hoãn áp thuế của ông Trump được nhiều nước hoan nghênh, nhưng nó vẫn chưa thể giải quyết triệt để những bất ổn trong quan hệ thương mại toàn cầu. Động thái này, cùng với căng thẳng leo thang với Trung Quốc, cho thấy sự khó lường trong chính sách của Mỹ và đặt ra thách thức lớn cho cộng đồng quốc tế trong việc tìm kiếm giải pháp bền vững cho các tranh chấp thương mại.

Bích Ngọc

Bạn đang đọc bài viết Toàn cảnh một tuần đầy biến động của thương mại thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán vàTTCK đối với Công ty cổ phần Hưng Thịnh Land
Ngày 08/4/2025, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 37/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Hưng Thịnh Land (Địa chỉ: 53 Trần Quốc Thảo, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM), cụ thể:

Tin mới

Nhận diện các chiêu trò lừa đảo online tinh vi nhất hiện nay
Thế giới số hóa mang đến vô vàn tiện ích nhưng cũng kéo theo rủi ro ngày càng tinh vi. Những thủ đoạn lừa đảo trực tuyến không ngừng tiến hóa, sử dụng công nghệ hiện đại và thủ thuật tâm lý tinh tế để đánh lừa ngay cả những người dùng internet thông thạo nhất.
Không khí kỷ niệm lan tỏa trong các quán cà phê tại Sài Gòn
Khi Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, một không khí đặc biệt không chỉ hiện diện trên các tuyến đường hay công trình công cộng mà còn len lỏi vào từng góc nhỏ của đời sống thường nhật.
Đồ uống thế hệ mới: Khi cà phê, trà sữa, bia đều 'đổi mình' để sống còn
Cuộc chơi trong ngành đồ uống không còn đơn thuần là hương vị hay thương hiệu. Trong kỷ nguyên của mạng xã hội, sức khỏe và lối sống bền vững, những ly cà phê thơm nồng, cốc trà sữa béo ngậy hay chai bia mát lạnh đang buộc phải thay đổi để thích nghi với một thế hệ người tiêu dùng mới: