Tỉnh Bình Thuận thu hồi đất thực hiện dự án KDL An Đa Phước do không triển khai
Vừa qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành quyết định thu hồi đất đã giao cho Công ty CP Viễn Thông SVT thực hiện dự án KDL An Đa Phước do công ty này vi phạm pháp luật về đất đai.
Ngày 21/6 vừa qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định số 1169/QQĐ-UBND về việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai tại Quyết định số 2209/QĐ-UBND ngày 21/8/2008 của UBND tỉnh về việc thu hồi và giao đất cho Công ty CP Viễn Thông SVT để đầu tư dự án tại xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam.
Theo đó, sau khi xem xét tờ tình của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Bình Thuận đã quyết định thu hồi 43.705,5 m2 đất đã giao cho Công ty CP Viễn Thông SVT thực hiện dự án KDL An Đa Phước.
Lý do dẫn tới việc UBND tỉnh Bình Thuận thu hồi đất là do Công ty CP Viễn Thông SVT đã được giao đất từ năm 2008 nhưng không tác động sử dụng, không chấp hành thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; UBND tỉnh đã thu hồi, chấm dứt dự án. Dự án vi phạm Luật Đất đai năm 2013.
Đồng thời, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu Chủ tịch UBND xã Tân Thành giao Quyết định thu hồi này cho Công ty CP Viễn Thông SVT; trường hợp công ty không nhận Quyết định hoặc vắng mặt thì phải lập biên bản niêm yết Quyết định tại trụ sở UBND xã Tân Thành.
UBND tỉnh Bình Thuận giao phần diện tích 43.705,5 m2 đất đã thu hồi này cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hàm Thuận Nam quản lý theo quy định.
Cùng với đó, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu Cục Thuế tỉnh rà soát, truy thu tiền sử dụng đất (nếu có) theo quy định. Công ty CP Viễn Thông SVT chấp hành nghiêm quyết định thu hồi đất, tự tháo dỡ tài sản (nếu có) theo quy định.
Trước đó, tại cuộc họp, nghe các sở, ngành báo cáo và cho ý kiến việc rà soát các dự án, công trình nằm ở ven biển thuộc diện đầu tư ngoài ngân sách vào ngày 20/6, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận cho biết, từ tháng 6/2011 đến nay, UBND tỉnh Bình Thuận đã chấp thuận đầu tư cho 77 dự án ven biển. Trong đó, có 56 dự án đầu tư du lịch với diện tích 1.039 ha. Hiện có 25 dự án đi vào hoạt động, kinh doanh (đạt 44,6%), 8 dự án đang triển khai và 23 dự án chưa triển khai.
Trước vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - Đoàn Anh Dũng yêu cầu các sở ngành làm rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn tới việc các dự án chậm tiênr khai dù đã được giao đất.
Đồng thời, khẩn trương điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chung để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Không thực hiện việc cấp phép mới các công trình, dự án ven biển.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu các sở, ngành và địa phương rà soát lại tất cả các dự án, công trình ven biển đã được chấp thuận đầu tư. Đề xuất tỉnh thu hồi các công trình, dự án chậm triển khai mà không có lý do chính đáng.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu các sở ngành khẩn trương triển khai việc lập quy hoạch vùng, quy hoạch ngành và quy hoạch phân khu các vùng ven biển làm cơ sở thực hiện các thủ tục khác theo quy định pháp luật. Các địa phương phải rà soát, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai, nhất là đất đai các khu vực ven biển không để xảy ra lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép.
Theo Thông báo kết luận kiểm tra số 69 của Tổng cục Quản lý đất đai, về việc quản lý, sử dụng đất đối với dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất, các dự án có sử dụng đất được cho gia hạn hoặc bị chấm dứt hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Thuận năm 20222 thì địa phương này có 43 dự án vi phạm do chậm đưa đất vào sử dụng.
Cụ thể, TP. Phan Thiết có 13 dự án: Khu du lịch sinh thái Oscar (6,35 ha); Khách sạn nghỉ dưỡng Bình An-Mũi Né (2,69 ha); Khách sạn du lịch Hữu Lợi (1,82 ha); Dự án Sentosa Villa (15,37 ha); Dự án The Balé (11,37 ha); Khu biệt thự Revera Park (9,4 ha); Khu du lịch Minh Sơn (4,57 ha); Khu du lịch Thành Hưng (4,82 ha); Khu du lịch Mũi Né Infity (28,9 ha); Khu du lịch Ngọc Khánh (2,65 ha); Dự án Resort Hotel Lamuine 2 (4,37 ha); Khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp King Sea Phan Thiết (55,4 ha); Nhà hàng và dịch vụ kết hợp nghỉ dưỡng Phương Trang (1,07 ha).
La Gi có 8 dự án: Khu du lịch sinh thái Whale Hill (7,97 ha); Khu du lịch E DEN (1,96 ha); Khu du lịch Thu Hằng (4,86 ha); Khu du lịch Làng Tre La Gi (5,5 ha); Khu du lịch Sài Gòn - Hàm Tân (182,6 ha); Khu du lịch Song Thành (3,48 ha); Khu du lịch Mũi Đá (3,18 ha); Khu du lịch Việt Chăm (11,75 ha).
Huyện Hàm Thuận Nam có 10 dự án: Khu du lịch Huy Hoàng (1,85 ha); Khu du lịch Cẩm Thái; Khu du lịch Honey Beach; Khu du lịch Đại Tây Dương (7,9 ha); Khu nghỉ dưỡng Amina Phan Thiết (4 ha); Khu du lịch sinh thái Kê Gà (18,8 ha); Khu du lịch Thuận Quý I (5,08 ha); Khu du lịch Liên Hương - Sài Gòn 911,63 ha); Khu du lịch Ngọn Hải Đăng (52,8 ha); Khu du lịch Hòn Lan (Golden Orchid – 9,8 ha).
Huyện Bắc Bình có 8 dự án: Khu du lịch Hawaii (9,8 ha); Dự án du lịch Hòn Nghề 1 (7,7 ha); Khu du lịch sinh thái Francisco Bay; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Đồi Cát (4,4 ha); Khu du lịch Tazon Resort (95,5 ha); Khu du lịch sinh thái Delverton; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Bàu Trắng - Hòn Hồng; Khu du lịch sinh thái Hồng Quang - Phan Thiết 91,2 ha).
Huyện Tuy Phong có 5 dự án: Khu nghỉ dưỡng Cà Ná (2,9 ha); Khu tổ hợp khách sạn cao cấp Utisys (4,5 ha); Khu du lịch sinh thái Hồ Sông Lòng Sông (28,6 ha); Khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng Châu Lê (1,9 ha); Khu du lịch Hải Yến (2,2 ha).
Song Anh