Tín hiệu tích cực cho xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ
Theo số liệu thống kê, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 257 triệu USD, giảm 41% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, con số này ghi nhận mức giảm ít hơn so với mức giảm nhập khẩu tôm chung của Mỹ. Nếu xu hướng này tiếp tục, thị trường Mỹ có thể phục hồi sớm từ tháng 7.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), tính tới 15/6, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 257 triệu USD, giảm 41% so với cùng kỳ năm 2022. Trước đó doanh số xuất khẩu tôm sang Mỹ trong tháng 5 đã có tín hiệu phục hồi với giá trị 68 triệu USD, mức cao nhất kể từ đầu năm tới nay, song vẫn còn tăng trưởng âm 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
VASEP cho biết giai đoạn hậu COVID nửa đầu năm 2022, nhu cầu và tiêu thụ tôm tại Mỹ tăng mạnh chưa từng có, tuy nhiên gây ra tồn kho cao và mất cân bằng nguồn cung vào nửa cuối năm 2022, khi lạm phát tăng cao, người dân thắt chặt chi tiêu, lựa chọn thực phẩm giá rẻ.
Ngoài ra, những tháng đầu năm nay, các nước sản xuất như Ấn Độ, Ecuador vào vụ thu hoạch, cung tăng, giá tôm giảm. Thêm vào đó, việc Mỹ tiếp tục tăng lãi suất đã tác động tiêu cực tới nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường này.
Còn theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nhập khẩu tôm của Mỹ trong tháng 4 đã giảm trong tháng thứ 10 liên tiếp. Lũy kế 4 tháng đầu năm nay, nhập khẩu tôm của Mỹ đạt 237.377 tấn, trị giá 2 tỷ USD, giảm 18% về khối lượng và 29% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Giá trung bình nhập khẩu tôm vào Mỹ trong 4 tháng đầu năm nay đạt 8,3 USD/kg, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá sản phẩm từ hàng tồn bán ra chắc chắn giảm khiến cho giá hàng nhập khẩu mới bị cạnh tranh và dìm giá, đó cũng là một nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ giảm mạnh.
Thống kê về khối lượng nhập khẩu tôm vào Mỹ từ Việt Nam cho thấy nhập khẩu tôm từ Việt Nam đã ghi nhận 3 tháng liên tục tăng, tháng sau cao hơn tháng trước đó, từ 2.423 tấn trong tháng 2 lên 2.845 tấn trong tháng 3 và tăng lên 3.665 tấn trong tháng 4.
“Nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào Mỹ cũng ghi nhận mức giảm ít hơn so với mức giảm nhập khẩu tôm chung của Mỹ. Nếu xu hướng này tiếp tục đến tháng 6, thị trường Mỹ có thể phục hồi sớm từ tháng 7”, VASEP nhận định.
Hiện, các kho lạnh ở Mỹ đang vơi dần, các nhà nhập khẩu, bán lẻ, bán buôn của Mỹ sẽ bắt đầu xem xét việc tăng nhập hàng trở lại. Điều này sẽ thúc đẩy giá tôm cao hơn và có vẻ như giá tôm đã tạo đáy. Mức tiêu thụ tôm cho các lễ hội cuối năm cũng dự kiến tăng. Nguồn cung tàu và container đang ở trạng thái thuận lợi cho các nhà xuất khẩu.
Theo dữ liệu VASEP thu thập, lượng ao treo, không nuôi ở Ấn Độ ước khoảng 30-50%; Ecuador đang bị ảnh hưởng của EI Nino gây thiệt hại khoảng 30% vùng nuôi, lượng tôm sẽ giảm. Đây có thể coi là những cơ sở cho một dự báo lạc quan hơn về xuất khẩu tôm sang Mỹ trong các tháng tới.
Hương Trà