Xuất khẩu thủy sản kỳ vọng phục hồi trong nửa cuối năm
Mặc dù triển vọng các đơn đặt hàng sang Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa chắc chắn do nền kinh tế phục hồi chậm và mức tồn kho tăng cao, SSI Research tin rằng các công ty kinh doanh xuất khẩu cá tra sẽ bắt đầu thấy ghi nhận mức lợi nhuận cải thiện trong nửa cuối năm 2023
Nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn phục hồi chậm
Ngành thuỷ sản Việt Nam tiếp tục suy giảm trong tháng 6, đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp chế biến, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cá tra, tôm - hai mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thuỷ sản Việt Nam.
Trong tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam ước đạt 800 triệu USD (giảm 21% so với cùng kỳ), trong đó xuất khẩu tôm và cá tra lần lượt đạt 341 triệu USD (giảm 18% so với cùng kỳ; tăng 3% so với tháng trước) và 156 triệu USD (giảm 26% so với cùng kỳ; giảm 2% so với tháng trước). Xuất khẩu tôm và cá tra trong nửa đầu năm 2023 lần lượt đạt 1,6 tỷ USD (giảm 31% so với cùng kỳ) và 885 triệu USD (giảm 38% so với cùng kỳ).
Đối với ngành hàng cá ngừ, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 6/2023 giảm 29%, chỉ đạt 64 triệu USD. Lũy kế nửa đầu năm, xuất khẩu cá ngừ chỉ đạt 380 triệu USD, giảm 31% so với cùng năm trước.
SSI Research ước tính giá bán trung bình của tôm và cá tra sang Mỹ lần lượt đạt 10,6 USD/kg (-12% so với cùng kỳ) và 3,5 USD/kg (-26% so với cùng kỳ). Còn theo Agromonitor, sản lượng tiêu thụ cá tra sang Mỹ và Trung Quốc lần lượt giảm -50% và -31% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023.
Theo đó, SSI Research vẫn chưa nhận thấy dấu hiệu phục hồi nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc do tình trạng lạm phát kéo dài và xử lý hàng tồn kho chậm.
Theo bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của VASEP, nhìn chung các thị trường nhập khẩu chính của thủy sản như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản... bị chi phối bởi 2 yếu tố chính: lạm phát và tồn kho. Lượng tồn kho đang được giải tỏa dần ở các thị trường, nhu cầu dự báo sẽ tăng trở lại trong nửa cuổi năm. Tuy nhiên, lạm phát tại nhiều thị trường chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đó sẽ là "cái phanh" kìm hãm sự hồi phục nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản tại Mỹ, EU...
Bên cạnh đó, Việt Nam đang cạnh tranh gay gắt với các nước sản xuất khác về nguồn cung và giá, điển hình là Ecuador, Ấn Độ… Trong khi sức khỏe và sức chịu đựng của nông ngư dân và doanh nghiệp trong nước suy yếu vì chi phí sản xuất tăng, giá bán giảm, tiêu thụ chậm, tồn kho tăng, cạn kiệt vốn và khó tiếp cận vốn vay để duy trì sản xuất, xuất khẩu.
Nhiều tín hiệu khả quan hơn trong nửa cuối năm
Về nguyên liệu đầu vào, SSI Research quan sát thấy sự sụt giảm ở cả tôm và cá nguyên liệu (20% giá vốn hàng bán) lần lượt là 9% và 4% so với cùng kỳ, trong khi giá thức ăn thủy sản vẫn tăng. Giá thức ăn thủy sản bình quân đạt đỉnh vào tháng 5/2023 là 14.900 đồng/kg và các công ty thức ăn chỉ bắt đầu giảm giá thức ăn thủy sản vào tháng 6/2023 (khoảng 300 đồng/kg). Như vậy, giá thức ăn thủy sản vẫn cao hơn 8% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2023.
Do giá thức ăn chăn nuôi chiếm 60% giá vốn hàng bán, cùng với giá bán bình quân của ngành giảm trong nửa đầu năm 2023, SSI Research tin rằng hầu hết các công ty sản xuất trong ngành đều có tỷ suất lợi nhuận thu hẹp, nhưng lợi nhuận vẫn có thể đã chạm đáy trong nửa đầu năm 2023 (lợi nhuận giảm sâu so với cùng kỳ, nhưng khó có thể lặp lại trong quý tới), đặc biệt khi quý 2/2022 ghi nhận mức nền lợi nhuận cao nhất.
Trong nửa cuối năm 2022, sản lượng xuất khẩu cá tra sang Mỹ và Trung Quốc giảm lần lượt 31% và 22%, trong khi giá bán bình quân sang Mỹ và Trung Quốc giảm lần lượt 9% và 3% so với cùng kỳ. Trong khi sản lượng tiêu thụ giảm đáng kể kể từ quý 3/2022, thì giá bán bình quân chỉ bắt đầu giảm kể từ quý 4/2022 (giá bán bình quân đạt đỉnh vào ngày 22/7/2022).
Mặc dù triển vọng các đơn đặt hàng sang Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa chắc chắn do nền kinh tế phục hồi chậm và mức tồn kho tăng cao, SSI Research tin rằng các công ty kinh doanh xuất khẩu cá tra sẽ bắt đầu thấy ghi nhận mức lợi nhuận cải thiện trong nửa cuối năm 2023, nhờ chi phí giảm bao gồm giá nguyên vật liệu giảm (cá nguyên liệu và thức ăn thủy sản); chi phí vận chuyển giảm.
Nhận định về tình hình thị trưởng 6 tháng cuối năm, VASEP cho rằng một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... vẫn được coi là điểm đến lạc quan cho sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, đó là hàng chế biến sâu có giá trị gia tăng cao. Bởi vì ở những thị trường này, chúng ta chưa bị áp lực cạnh tranh về nguồn cung và giá bán như ở Mỹ, EU hay Trung Quốc.
Cụ thể, lượng tồn kho đang được giải tỏa dần ở các thị trường, nhu cầu dự báo sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm. Bên cạnh đó, một số thị trường Đông Nam Á cũng được đánh giá là tiềm năng vì có nền kinh tế ổn định hơn, lạm phát thấp hơn cộng với lợi thế vị trí địa lý và ưu đãi thuế quan theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ dần hồi phục trong những tháng cuối năm 2023 nhờ những tín hiệu khả quan hơn ở các thị trường tiêu thụ, khi lượng tồn kho giảm và bước vào mùa đặt hàng cho tiêu thụ cuối năm và các dịp lễ hội lớn.
Trung Anh